Con đường Đài Loan

- Quảng Cáo -

Timothy Trinh

Cuộc bầu cử ở Đài Loan hôm thứ Bảy, 13.01.202 cho thấy người dân đảo quốc này ủng hộ dân chủ. Và, họ phản đối Trung Quốc.

Lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan, một đảng phái chính trị có thể thắng cử tổng thống ba lần liên tiếp. Chiến thắng này đến sau một chặng đua vô cùng khó khăn nhưng cuối cùng ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te; 賴清德) của Đảng Dân tiến (DPP) đã giành chiến thắng với tỷ số dẫn trước rõ ràng.

Tuy nhiên, chính trị lập pháp sẽ không dễ dàng như vậy.

- Quảng Cáo -

Trong nhiệm kỳ mới, DPP chỉ giành được 51 ghế trong tổng số 113 ghế của lập pháp. Trong số còn lại, Quốc Dân Đảng (KMT) được 52 ghế, Đảng Dân chúng Đài Loan (TPP) được 8 ghế, và các đảng viên độc lập được 2 ghế. Mặc dù hai ghế độc lập này thiên về KMT, nhưng KMT vẫn chưa đủ số ghế để nắm giữ đa số ở Lập pháp viện.

Vì thế, cả hai phe chính phủ DPP và phe đối lập KMT muốn thông qua các dự luật, sẽ phải điều đình với các nhà lập pháp TPP. Và điều này sẽ đòi hỏi khả năng chính trị của tân Tổng thống Lại Thanh Đức.

Lãnh đạo của TPP, ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je; 柯文哲), dù chỉ nhận được 26,46% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống nhưng đảng của ông hiện nắm giữ cán cân quyền lực trong Lập pháp viện.

Kha Văn Triết có một quá trình hợp tác với cả hai đảng chính trị lớn nhất hiện nay của Đài Loan. Trước đây, khi lần đầu tiên tranh cử thị trưởng Đài Bắc vào năm 2014, ông đã liên minh với DPP, dọn đường cho ông được bầu. Tuy nhiên, trong kỳ bầu cử tổng thống này, ông đã cân nhắc việc hợp tác với Quốc Dân Đảng để giành một tấm vé tổng thống đối lập duy nhất, sau đó quyết định hủy hợp tác và tự mình tranh cử.

Vì thế, nó sẽ khó có thể dự đoán các nhà lập pháp của đảng của Kha Văn Triết sẽ xoay chuyển theo hướng nào trong một viện lập pháp mà không có bên nào nắm được đa số.

Đài Loan dự kiến sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng và do đó sẽ phải cắt giảm ở những nơi khác. Sự thất vọng của công chúng đối với các vấn đề trong nước như giá nhà ở cao và tiền lương trì trệ sau 8 năm nắm quyền là một yếu tố đã khiến DPP bị mất đa số trong viện lập pháp, khiến công việc thông qua luật của chính phủ mới sẽ trở thành khó khăn hơn.

Đó sẽ là thách thức đối với chính phủ Lại Thanh Đức.

Người Đà Lạt Xưa

- Quảng Cáo -