“Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa” đúng là “Viên đá Lừa”!

- Quảng Cáo -

Cù Huy Hà Vũ

Ngày xưa, có một người dân nghèo bị “đáo tụng đình”. Dù biết rõ nguyên tắc “nén bạc đâm toạc tờ giấy’, người dân kia không lấy đâu ra tiền để hối lộ quan để được xử thắng kiện. Anh ta bèn nhặt một viên đá và cho vào túi áo. Tại công đường, anh ta dứ dứ cái túi áo đựng viên đá cho quan thấy. Quan nghĩ chắc thằng này sẽ hối lộ mình một nén bạc lớn nên xử cho người đó được kiện. Xử xong, quan hỏi: “Mày hứa đưa tao cái gì thì đưa ra đi!” Anh ta lập tức móc ra cục đá và nói: “Con chỉ có cục đá này. Nếu quan xử con thua thì con sẽ ném nó vào đầu quan.” Quan điên lắm. Nhưng rồi tự nhủ: “Phúc nhà mình vẫn còn to” và cho người ấy về.

Câu chuyện dân gian này tôi đọc từ thuở ấu thơ. Vì không còn nhớ tên câu chuyện nên tôi đặt cho nó một cái tên mới: “Viên đá Lừa”.

Kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa chống quân Trung Quốc xâm lược, ngày 19/1/1974, trong đó 74 sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã anh dũng hy sinh, làm tôi nhớ đến một câu chuyện khác cũng liên quan đến một viên đá. Chỉ có điều lần này là chuyện của thời nay.

- Quảng Cáo -

Cách đây 8 năm, 17/1/2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), tưởng niệm những người con của Tổ quốc đã hy sinh để bảo vệ vùng biển, đảo Hoàng Sa từ ngày Việt Nam xác lập chủ quyền đến nay. Kinh phí xây dựng là 70 tỷ đồng.

Theo báo Công lý, cơ quan của Tòa án nhân dân tôi cáo, đến dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện KSNDTC, Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tham dự buổi lễ còn có hơn 150 quan khách là cán bộ các cơ quan Trung ương và địa phương, thân nhân các tử sĩ quân đội VNCH trong trận hải chiến tại Hoàng Sa năm 1974, cùng hơn 150 người dân Lý Sơn là hậu duệ của các đội hùng binh kiêm quản Bắc Hải năm xưa.

Vẫn theo báo Công lý, trong phát biểu tại buổi lễ Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định: “…đến ngày 19 tháng Giêng năm 1974, thì Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 74 binh sĩ của Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu chống lại, họ đã tử trận, vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển đảo này.” Vẫn theo ông Tùng, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, có ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc không chỉ đối với cán bộ và nhân dân Lý Sơn nói riêng và cán bộ, nhân dân và công nhân lao động cả nước để tưởng niệm, tri ân và biết ơn những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Dịp này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình kêu gọi toàn thể cán bộ, viên chức người lao động và nhân dân cả nước nhắn tin góp 1 viên gạch xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa với cú pháp HS gửi 1407. Mỗi tin nhắn ủng hộ chương trình 20.000 đồng.

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 19/1/2016 về sự kiện này, tôi nói: “Trước hết, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn đã khẳng định “Kiến nghị xây dựng đài tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” của tôi gửi Nhà nước Việt Nam (4/3/2010) là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời cũng cho thấy thành phần biết đặt Tổ quốc lên trên Đảng cộng sản cũng như quyết tâm chống Trung Quốc xâm lược đã bắt đầu mạnh lên trong ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, đây là chỉ dấu cho thấy chính quyền Việt Nam bước đầu “phục thiện”, thừa nhận chỉ có đoàn kết tất cả mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, bất luận chính kiến, bất luận đã từng ở bên kia chiến tuyến, thì mới có thể bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam trước sự xâm lược Trung Quốc.”

Thế nhưng, trái với những cam kết đẹp đẽ của giới chức chính quyền Việt Nam khi “đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn” và ngược với ước vọng của toàn thể người Việt Nam từ trong nước ra ngoài nước, trong đó có tôi, “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa” cho đến giây phút này vẫn chỉ là “viên đá đầu tiên”. Hơn thế nữa, bị bỏ lại giữa um tùm có hoang.

Vậy là:

Các Liệt sĩ Hoàng Sa đã bị lừa!

Người Việt Nam yêu nước đã bị lừa! Cả tình cảm lẫn tiền bạc!

Một cách chung nhất, Tổ quốc Việt Nam đã bị lừa!

“Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa” đúng là “Viên đá Lừa”!

- Quảng Cáo -