Kính thưa quý thính giả, sau 6 tháng loại bỏ Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm giữ nhiều năm qua, để thay bằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, hôm 6 tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho thành lập 7 đoàn thanh tra do các nhân vật thuộc hàng lãnh đạo thân cận với ông cầm đầu, để kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhân sự kiện này, trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới, chúng tôi xin gửi đến quý vị một bài nhận định về những vụ thanh tra chằng chéo, mà thực chất là để nhằm triệt hạ lẫn nhau giữa phe ông Nguyễn Phú Trọng và phe ông Nguyễn Tấn Dũng. Bài viết có nhan đề : “Xem ra Đà Nẵng vẫn đi đầu” của tác giả Võ Thành Văn. Tác giả Võ Thành Văn là người dân ở Quảng Đà. Sau đây mời quý vị nghe phần một của bài viết.
*********
Cho đến đầu tháng 8/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục bôi đen lãnh đạo Đà Nẵng tối đa bằng các công cụ Văn phòng Chính phủ, Ban Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, và hệ thống báo đài toàn quốc. Đặc biệt cứ mỗi lần ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên bí thư Đà Nẵng, mở miệng cải chính điều gì với bất cứ ai, lập tức Văn phòng Chính phủ đánh phủ đầu ngay bằng công văn chính thức, và cho tràn ngập báo đài. Công văn mới nhất hăm dọa kiểm điểm và xử phạt cả ông Nguyễn Bá Thanh và hàng loạt chân tay của ông tại nhiều ban ngành ở Đà Nẵng, nghĩa là thay toàn bộ đầu não thành phố này.
Câu hỏi bật lên trong đầu người đọc tin: có phải Đà Nẵng tệ hại hơn so với các tỉnh thành khác đến thế không?
Trước hết là so sánh về mức trong suốt (transparency) của Đà Nẵng với trung ương và cả nước. Sau màn “lấy phiếu tín nhiệm” các chức danh chủ chốt do Quốc Hội bầu và phê chuẩn vào ngày 10.6.2013 trong Kỳ họp thứ 5 Quốc hội CSVN khóa XIII mà báo chí đưa tin TẤT CẢ 47 chức danh chủ chốt đều đạt trên 50% phiếu tín nhiệm — kể cả 2 vị trí chịu trách nhiệm làm ruỗng nát toàn hệ thống kinh tế là Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng cũng “được tín nhiệm tiếp”, hàng loạt các tỉnh thành cũng đã thi nhau tổ chức trình diễn lấy phiếu tín nhiệm với cấp lãnh đạo địa phương.
Cho tới nay trong danh sách của những tỉnh thành đã công bố kết quả, nơi nào cũng phải nêm nếm cho các quan chức “top ten” có số phiếu “tín nhiệm cao” quá bán. Thậm chí có nơi còn khoe 100% phiếu tín nhiệm cao như trường hợp Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Lợi.
Riêng Đà Nẵng, vào ngày 10.7.2013 đã dám công bố kết quả có 2 Phó Chủ tịch UBND thành phố không đủ 50% phiến tín nhiệm cao. Ông Phùng Tấn Viết chỉ được 39,88% và ông Nguyễn Xuân Anh (con ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW Đảng, ủy viên Bộ Chính trị khóa X) chỉ được 43,75%.
Về mặt môi sinh, trong những năm ông Nguyễn Bá Thanh chưa giao chiến với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thành phố Đà Nẵng từng được báo chí nhà nước giật tít nào là “Nơi đáng sống nhất Việt Nam”, nào là một thành phố “văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp”,… Vào thời đó, ông Thanh, trong những lúc bay bổng, đã gọi những danh hiệu ấy chỉ là “ba cái chuyện lẻ tẻ”, nhưng cũng tiếp luôn rằng: “Ba cái chuyện lẻ tẻ đó xứng đáng được nhiều địa phương trong cả nước học tập”.
Về mặt tệ nạn tham nhũng, kết quả thăm dò năm 2012 của các cơ quan thống kê quốc tế cũng xác nhận nếu so với các tỉnh và thành phố khác, kể cả Hà Nội và Sài Gòn, thì Đà Nẵng có mức tham nhũng ít tệ hại nhất tại Việt Nam.
Hiển nhiên, những tin tức vừa nêu về Đà Nẵng khó tìm thấy trên báo đài lề phải. Vì trong khi những vụ tham nhũng từ các tập đoàn kinh tế nhà nước nằm dưới tay Thủ tướng như Vinashin, Vinalines,… cứ tiếp tục đổ bể và tin tức lan tràn về những đại gia thao túng ngành tài chánh, ngân hàng bị bắt đều có “quen” với thủ tướng và gia đình thủ tướng, thì những thành tích của Đà Nẵng là những trận gió Lào làm “rát mặt” ông Dũng. Nhiều nguồn tin râm ran trong hàng ngũ đảng viên còn cho rằng ông Thanh mới đáng ngồi ghế thủ tướng của ông Dũng. Mối hiềm khích giữa Thủ tướng và Bí thư Đà Nẵng đã nhen nhúm từ đó.
Nhưng mối hiềm khích giữa 2 ông bước qua lằn ranh thù hằn khi ông Nguyễn Bá Thanh được ông Tổng Bí Thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng kéo ra Hà Nội để giao chức Trưởng ban Nội Chính Trung Ương với nhiệm vụ chính là “đánh tham nhũng”. Lẽ ra nhiệm vụ này là của ông Thủ tướng, nhưng đã bị ông TBT tước quyền trong kỳ Hội nghị Trung ương 6 đảng CSVN khóa 11, mặc dù không kỷ luật được ông Thủ tướng về tội quản lý kinh tế yếu kém, lạm quyền và để tham nhũng tràn lan mà “nhìn vào đâu cũng có”. Nói ngắn gọn, ông Thanh đồng ý làm cây búa tạ cho ông Trọng dùng để đập ông Dũng. Cây búa ấy mang tên “phòng chống tham nhũng”.
Trong chức vụ mới tinh – Trưởng Ban Nội chính TƯ, ngày 10/1/2013 ông Nguyễn Bá Thanh không che dấu ý định của mình trong tuyên bố thẳng thừng: “Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái (của lĩnh vực ngân hàng), cho “hốt liền”, không nói nhiều. Cho nên một số ông giờ đang ngồi run”. Và liên tiếp nhiều câu nẩy lửa khác trong những ngày kế tiếp. (còn tiếp)