Phóng viên không biên giới tố cáo án tù dành cho blogger Phạm Viết Đào

- Quảng Cáo -

Phóng viên không biên giới tố cáo án tù dành cho blogger Phạm Viết Đào

RSFTrong thông cáo đề ngày 19/03/2014, Phóng viên không biên giới (RSF) đã tố cáo bản án 15 tháng tù dành cho blogger Phạm Viết Đào hôm 18/03 «tạo ra một hình ảnh xấu về Đảng và Chính phủ, đang dấn sâu vào chế độ độc tài».

Ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên không biên giới tuyên bố : « Bản án mới này cho thấy sự sách nhiễu của chính quyền Việt Nam đối với những nhà hoạt động trong lãnh vực thông tin. Chúng tôi đòi hỏi trả tự do ngay lập tức cho ông Phạm Viết Đào, bị án tù chỉ vì muốn thông tin cho đồng bào mình và chia sẻ quan điểm chính trị trên mạng».

Ông Phạm Viết Đào bị công an Hà Nội bắt ngày 13/06/2013. Ông bị kết án theo điều 258 Luật Hình sự về việc « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân ». Trước đó ông đã từng bị quấy nhiễu trong nhiều tháng trời. Phạm Viết Đào là người cuối cùng trong số các blogger bị bắt giam trong năm 2013 nay được đem ra xét xử.
Tháng 12/2012, ông Phạm Viết Đào tuyên bố mình « không hề vi phạm luật lệ về thông tin » với tư cách là « hội viên Hội Nhà văn và Hội Nhà báo Việt Nam ». Theo ông, «nếu Nhà nước cho phép thành lập các hội này, thì họ phải chịu trách nhiệm bảo vệ công việc của chúng tôi».

- Quảng Cáo -

Năm nay 62 tuổi, ông Phạm Viết Đào ngày càng viết nhiều bài chỉ trích chính phủ. Tốt nghiệp về văn chương ở Rumani, ông làm việc ở Bộ Văn hóa Thông tin với tư cách cán bộ thanh tra, đến tháng 6/2012 thì về hưu.

Thông cáo của RSF nhắc lại, Việt Nam hiện đứng thứ 174/180 trong bảng xếp hạng về tự do báo chí trên thế giới của tổ chức này. Việt Nam cũng bị Phóng viên không biên giới coi là kẻ thù của internet do chính sách trấn áp các blogger và các nhà ly khai trên mạng.

 

Quốc tế bình luận về cảnh cô giáo, học sinh Việt Nam vượt suối đến trường

quasongCác chuyện khó tin của học trò, thầy cô phải đu dây qua sông, ôm can nhựa, ôm thân chuối bơi qua sông đã từng xảy ra ở Việt Nam… nhưng đoạn video mà cô giáo Tòng Thị Minh quay bằng điện thoại và gửi ra thế bên giới bên ngoài cảnh qua sông, qua suối của học sinh, thầy cô giáo đầy hiểm nguy mà không ai có thể tưởng được trong thế kỷ 21 này.

Vào mùa khô, khi suối cạn, người ta có thể lội qua, nhưng vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang phải chui vào túi nilông và nhờ người biết bơi kéo qua suối.

Điều đáng ngạc nhiên là hình ảnh học sinh Việt Nam vượt suối trong túi nylon để đến trường đã xuất hiện trên nhiều báo Anh và thu hút nhiều lượt bình luận.

Báo Telegraph gọi cảnh tượng này là “kỳ lạ”, trong khi trang Express.co.uk viết: “Những đứa trẻ này muốn được học đến nỗi chúng sẵn sàng được đưa đến trường trong một cái túi nylon. Đây mới thực sự gọi là quyết tâm.”

Một độc giả trên báo Daily Mail với nick ‘Joy’, viết: “Cảnh tượng này khiến tôi rơi nước mắt. Nhà cầm quyền nên cảm thấy xấu hổ vì để xảy ra những cảnh tượng như thế này. Chắc chắn rằng con cái của giới lãnh đạo sẽ không bị bọc trong một cái túi nylon để đưa đến trường.”

Độc giả ‘Marshall1964’ bình luận: “Cảnh tượng này khiến những đứa trẻ lười biếng, hư hỏng, được nuông chiều quá đỗi của chúng ta phải xấu hổ.”

Một độc giả khác với nick ‘elephante’ thì viết: “Tôi ngưỡng mộ trước động lực và quyết tâm được tiếp cận giáo dục. Thế nhưng chẳng lẽ không ai nghĩ đến việc xây một cây cầu hay sao ?”

Còn nick ‘noodle từng là một vận động viên đoạt huy chương vàng thì nhận xét “Đường đến trường ở Việt Nam cứ như là ở Thế Vận hội.

Bản video khó tin này đang tràn lan khắp nơi với những lượt xem đến hàng triệu người, là điều không thể chối cãi về sự thật của xã hội CSVN. Đặc biệt, đoạn video này xuất hiện vào thời điểm khi người ta tìm thấy quá nhiều các tài sản, dinh cơ… giàu có bất thường của các quan chức CS giữa sự khó khăn cùng quẩn của hàng triệu người Việt.

 

Thầy Đinh Đăng Định được đặc xá, vì sức  khỏe đã cạn kiệt

ThayDinhTin từ Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm VN (FVPOC) cho biết, thầy giáo, tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định vào sáng ngày 21/3/2014 một đoàn cán bộ gồm 5 người đại diện các cơ quan bên Tòa án, Viện Kiểm sát, công an và và an ninh Bộ Công an đến nhà riêng của thầy Đinh Đăng Đinh ở Kiến Đức, Đăk Nông để tuyên đọc “Quyết định đặc xá cho người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù” do Chủ tịch nước ký ngày 10/3/2014, và “Giấy chứng nhận đặc xá” của Tòa án Nhân dân tỉnh Đak Nông ký ngày 21/3/2014.

Theo nguồn tin FVPOC, tình trạng sức khỏe của ông Định đã không còn khả quan do căn bệnh ung thư, gia đình ông đã quyết định đưa ông về nghỉ ngơi tại quê nhà Đak Nông sau khi nhận được lệnh tạm hoãn thi hành án một năm vào hôm 15/2/2014 vừa qua. Sau khi rời trạm giam, Thầy Đinh Đăng Định khẳng định tội của ông, nếu có, là ‘tội với chế độ độc tài, với chế độ cộng sản cực đoan’ và rằng việc phóng thích ông không phải là ‘nhân đạo’ hay ‘khoan hồng’ như nhà nước Việt Nam tuyên bố.

Ngay sau khi được tạm thi hành án, các nước Phương tây và nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục kêu gọi Hà Nội thả tự do hoàn toàn cho thầy Đinh Đăng Định, như Phóng viên không biên giới, PEN International, FIDH, Hoa Kỳ và Cộng đồng Châu Âu.

Liên quan đến tin này, blogger Nguyễn Bắc Truyển, một cựu tù nhân lương tâm đưa ra nhận định: Thầy giáo Đinh Đăng Định đã có những bài viết cảnh báo về việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên, vì những bài viết đó Thầy giáo Định bị kết án 6 năm tù giam “tuyên truyền chống nhà nước” điều 88 của bộ luật Hình sự vào năm 2012.

Trong tù, sức khỏe Thầy Định ngày càng yếu vì bướu trong bao tử. Bệnh tình kéo dài gần một năm, Thầy mới được đi khám bệnh và giải phẩu bướu, đồng thời phải cắt bỏ 2/3 bao tử, nhưng bệnh cũng chuyển sang ung thư. Hiện nay, Thầy Định không còn ăn uống gì được vì bao tử không còn chức năng tiêu hóa.

Phải chi những lời Thầy Định và các nhân sỹ trí thức được quan tâm thì sẽ không có thảm họa bauxite như ngày hôm nay. Không biết đến bao giờ những lời góp ý chân thành của người dân được đảng CSVN xem trọng ? Và đến bao giờ các nhà bất đồng chính kiến không còn được xem là ‘thế lực thù địch”.

 

Báo nhà nước bị phạt vì đăng tin “sai về các nhà độc tài”

doctaiTin từ các trang mạng thì theo quyết định hôm 20/2/2014, một tờ báo điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội đã bị phạt 40 triệu đồng vì bài viết ’10 nhà lãnh đạo độc tài khét tiếng nhất trong lịch sử’.

Trong số các lãnh đạo độc tài được kể tên trong bài báo có 2 cựu lãnh tụ của Liên Xô cũ là Vladimr Lenin và Joseph Stalin, lãnh tụ Fidel Castro của Cuba, và cựu chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Bài viết nói ông Lenin đã đưa những người phản đối sự cai trị của cộng sản vào các trại lao cải, nơi xảy ra hàng loạt các cuộc hành quyết, và ông Stalin trong thời gian lãnh đạo Liên Xô từ 1922 đến 1956 đã  gây ra nạn chết đói của dân chúng trong các trại lao động. Vẫn theo bài viết này, các chính sách của ông Mao Trạch Đông đã giết chết hàng triệu người Trung Quốc. Ông Fidel Castro được mô tả trong bài viết như con quái vật đã phá hủy Cuba, trong ánh mắt của đa số người dân nước này.

Ngoài 4 lãnh tụ cộng sản này, trong danh sách10 lãnh đạo độc tài khét tiếng thế giới mà bài báo nhắc tới có lãnh tụ cộng sản Pol Pot ở Campuchea và ông Adolf Hitler của Đức.

Ngoài ra theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thì ba báo khác cũng bị xử phạt trong thời gian gần đây.

Báo mạng Người đưa tin bị phạt 36 triệu vì “đăng tin, bài có nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam và đăng tải tin, bài có nội dung mê tín, dị đoan”.

Báo điện tử Đời sống và Pháp luật bị phạt 7,5 triệu đồng vì “tự ý sửa chữa, thay đổi tên, nội dung một bài viết của báo Năng lượng mới trên mạng thông tin điện tử của báo và trích dẫn khi chưa có sự đồng ý của báo Năng lượng mới.”

Trong khi đó trang tin Dân Việt bị phạt bốn triệu đồng vì “đăng nhiều tin, bài có nội dung chưa phù hợp với tôn chỉ, mục đích” và “một số tin, bài sử dụng câu từ phản cảm.”

Bình luận về các mức phạt tiền khác nhau này, một nhà báo ở Hà Nội nói : “Tội về chính trị bị phạt nặng hơn, những 40 triệu. Đó là một thông điệp – viết bậy, copy còn có thể được xử nhẹ nhưng sai lạc về tư tưởng thì không”.

Dù bị tháo xuống khỏi trang web của báo Pháp luật & Xã hội nhưng bài dịch này đã được giới blogger nhanh chóng lưu tải và lan truyền trên mạng.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here