Thêm một blogger bị bắt tại Việt Nam

- Quảng Cáo -

Thêm một blogger bị bắt tại Việt Nam

bloggerTin từ các trang mạng thì công an Việt Nam vừa bắt giữ thêm một blogger vì những bài viết độc lập thể hiện quan điểm trái chiều với nhà nước.

Được biết, báo Công An Nhân dân loan tin Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP Hồ Chí Minh ngày 27/12 khám xét tư gia, bắt khẩn cấp, và tạm giữ hình sự blogger Nguyễn Đình Ngọc, 48 tuổi. Nguồn tin này nói rằng cơ quan An ninh Điều tra đang tiến hành ‘làm rõ hành vi vi phạm của Nguyễn Đình Ngọc để xử lý theo quy định của pháp luật’ nhưng không tiết lộ chi tiết nào về các cáo buộc dẫn tới lệnh bắt giữ này.

Theo các nguồn tin trên mạng thì rất có thể ông Nguyễn Đình Ngọc là blogger Nguyễn Ngọc Già, là tác giả của nhiều bài viết có sức công phá mạnh mẽ đối với chế độ độc tài cộng sản.

- Quảng Cáo -

Xin nhắc lại, đây là blogger thứ ba bị bắt trong vòng một tháng qua tại Saigon. Trước đó vào ngày 6/12, nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa có rất nhiều độc giả, đã bị bắt tại nhà ở Saigon, và sau thời hạn tạm giữ hình sự đã bị khởi tố theo điều 88 (tội danh tuyên truyền chống Nhà nước) và tạm giam. Kiến nghị đòi trả tự do cho ông Nguyễn Quang Lập đăng trên trang Bauxite đến hôm nay đã có 1.508 người ký tên. Blogger Hồng Lê Thọ, chủ blog Người Lót Gạch thì bị bắt ngày 29/11/2014,  chiếu theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Đây là một trong những chiến dịch ‘truy quét’ mạnh tay của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giữa các nỗ lực vận động cả trong và ngoài nước kêu gọi Hà Nội hủy bỏ điều 258 về tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước,’ một điều luật bị xem là có nội dung bao quát nhắm bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của công dân.

Việt Nam lâu nay bị cộng đồng quốc tế và giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới mạnh mẽ chỉ trích việc bỏ tù công dân chỉ vì các hoạt động thực thi quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến ôn hòa.

Ông Phil Robertson Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nhận định : Một lần nữa nhà cầm quyền Việt Nam chứng tỏ họ không hề dung chấp các ý kiến độc lập và quyền tự do ngôn luận của dân chúng. Đây cũng là một chỉ dấu thêm cho thấy nhân quyền tại Việt Nam đang đi trái hướng và rằng Hà Nội không hề coi trọng chính những cam kết của họ với quốc tế qua Công ước Nhân quyền Liên hiệp quốc mà họ tự tay ký kết.”

Ông Robertson cho biết Human Rights Watch sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực vận động đa dạng để các điều luật lạm dụng an ninh quốc gia trấn áp nhân quyền của người dân tại Việt Nam phải được hủy bỏ:

Human Rights Watch khuyến cáo rằng các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế không thể để mặc những vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng tại Việt Nam.

 

Hà Nội ra mắt học viện Khổng Tử

VienKhongTuTheo tin trang mạng chinhphu.vn của nhà cầm quyền Việt Nam, sáng ngày 27 tháng 12, 2014, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận Cộng sản Việt Nam và ông Du Chính Thanh là Chủ tịch Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Hoa Lục đã tham dự buổi lễ trương bảng hiệu của “Học viện Khổng Tử” tại trường Đại học Hà Nội.

Học viện Khổng Tử được thành lập để “thúc đẩy việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Hoa, và để góp phần phát triển mối quan hệ giữa hai nước Việt – Trung”. Tiếng Hoa là 1 trong số 11 ngoại ngữ được giảng dạy tại trường đại học Hà Nội kể từ năm thành lập 1959.

Tiến sỹ Nguyễn Nhã, nhà sử học có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc, nhận định rằng Viện Khổng tử là “một trong những ý đồ của Bắc Kinh muốn sử dụng ảnh hưởng về văn hóa để thể hiện quyền lực mềm đối với Việt Nam”.

Theo ông Nhã, sự mở rộng văn hóa của Trung Quốc “không phải là hướng có lợi cho Việt Nam”.

Trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài ba ngày và kết thúc hôm 28/12, ông Du, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, nói rằng  Bắc Kinh muốn mối bang giao với Việt Nam “đi đúng hướng”.

Ông cũng được báo chí Trung Quốc trích lời nói rằng ông đã được Chủ tịch Tập Cận Bình cử tới Việt Nam để “củng cố lòng tin giữa hai nước, thiết lập sự đồng thuận”.

Dư luận nói rằng, đây là hiện tượng cho thấy sự lệ thuộc của nhà nước Cộng sản Việt Nam đối với Hoa Lục, đi ngược với xu thế của thế giới. Trước đó, hai trường đại học lớn ở Hoa Kỳ là trường đại học Chicago và Pennsylvania lần lượt đóng cửa Viện Khổng Tử chỉ trong vòng một tuần lễ.

Viện Khổng Tử là khoa giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa, được thành lập đầu tiên tại trường đại học Maryland, Hoa Kỳ 10 năm về trước. Đối với một số trường đại học và cao đẳng, Viện Khổng Tử là cơ hội cung cấp “chương trình học với giá rẻ” và là “đòn bẩy” hấp dẫn sinh viên Hoa Lục ghi danh theo học. Vào năm 2007, cơ quan tình báo Canada nhận định rằng, Viện Khổng Tử là cố gắng của chính quyền Hoa Lục nhằm tạo tâm lý thân thiện với nước này.

Viện Khổng Tử đòi quyền tuyển mộ và kiểm soát nhân sự; đòi lựa chọn chương trình giảng dạy và hạn chế đề tài tranh luận tại giảng đường, được cho là đi ngược nguyên tắc tự do học thuật và quyền tự chủ của trường đại học Hoa Kỳ. Có thể lý do này đã dẫn đến việc 2 trường đại học Chicago và Pennsylvania của Hoa Kỳ đóng cửa Viện Khổng Tử hồi tháng 9 năm 2014 vừa qua.

 

Trung Quốc nới rộng diện tích đảo Phú Lâm thêm 40%

daoPhuLamTin từ tờ Want China Times ở Đài Loan thì Trung Quốc vừa có động thái nới rộng diện tích đảo Phú Lâm, mà họ cướp của Việt Nam, thêm tới 40%, giúp căn cứ dùng làm cơ sở đầu não thêm rộng lớn để khống chế toàn khu vực Biển Đông.

Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng Đảo, cướp của Việt Nam tháng Giêng 1974 sau một trận hải chiến, đã được Bắc Kinh đặt làm cứ địa chỉ huy quân sự cho toàn khu vực Biển Đông. Nơi đây, họ đã xây dựng một phi trường từ thập niên 90 và nay thì hút cát đá từ lòng biển bồi đắp cho hòn đảo này rộng thêm rất nhiều, từ 2.7km lên thành 3km để các phi cơ quân sự cỡ lớn có thể lên xuống. Hai năm qua, Bắc Kinh đã đổ ra nhiều tỉ đô la xây dựng từ đường phố đến ngân hàng, nhà bưu điện, đài truyền hình, bệnh viện, siêu thị, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, chung cư trên đảo Phú Lâm ngoài các cơ sở quân sự quy mô như đài radar, trung tâm truyền tin, cơ sở đồn trú xe tăng, nhà để máy bay.

Các hành động theo chính sách “tằm ăn dâu” của Trung Quốc trên Biển Đông được tổ chức thông tin an ninh quốc phòng quốc tế Jane’s Defense báo động nhiều lần trong năm nay khi họ đưa ra các không ảnh do công ty hàng không không gian Airbus cung cấp.

Ngoài ra, sáu bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1988, không ảnh của Airbus cho thấy đang biến thành các đảo nhân tạo cỡ lớn. Trên đó có cả cảng biển cho tàu chiến và cả phi đạo cho phi cơ quân sự lên xuống.

Dù đã ký bản Tuyên Bố Ứng Xử Trên Biển Đông (DOC) với các nước ASEAN là không làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông nhưng Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tiến hành những gì mình muốn bất chấp các lời phản đối của các nước khác.

Ông Collin Koh, chuyên gia tại viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Singapore dự đoán, việc mở rộng đảo không chỉ là kéo dài đường băng, mà còn nhằm xây dựng các nơi trú ẩn cho các loại máy bay nhỏ như chiến đấu cơ, hầm ngầm chứa nhiên liệu và đạn dược. Còn ông Alexander Vuving -một chuyên gia phân tích an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii- cho rằng, việc công khai tuyên bố hoàn thiện mở rộng Phú Lâm cho thấy nước này không còn ngần ngại che giấu ý đồ quân sự hóa Biển Đông.

Đối với những hoạt động ráo riết cải tạo, mở rộng các bãi ngầm tại Trường Sa, một số chuyên gia quân sự nói đây là những bước đi tiếp theo, nhằm hoàn thiện cơ sở khống chế vùng trời và mặt biển tại khu vực này.

 

Hồng Kông nâng mức báo động về cúm gà

cumgaHôm 28/12/2014 Chính quyền Hồng Kông đã nâng mức báo động dịch cúm gà, sau khi một phụ nữ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân 68 tuổi đã vào bệnh viện hôm 25/12, hai tuần sau khi trở về từ Thâm Quyến ở miền nam Trung Quốc, và có ăn thịt gà.

Có tất cả mười người – trong đó ba người đã tử vong tại Hồng Kông – được phát hiện là có mang virus H7N9, một loại virus cúm gà mới đã giết hại trên 170 người từ khi xuất hiện vào năm 2013.

Theo Trung tâm Vệ sinh Dịch tễ Hồng Kông (CHP), tất cả những người này đều bị nhiễm virus tại Hoa lục.

Hồng Kông đã áp dụng một hệ thống cảnh báo sớm về cúm gà, sau nạn dịch năm 2003 về Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), có các triệu chứng tương tự.

Dịch SARS đã lây nhiễm cho 1.800 người ở Hồng Kông, trong đó có 299 trường hợp tử vong.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here