Câu chuyện kinh tế:  Cần tống táng khu vực kinh tế quốc doanh dù phải tốn kém (phần 2)

- Quảng Cáo -

doanhnghiepTrong mục này ngày hôm qua, qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã cụ thể hoá cho dễ hiểu một số ý niệm phức tạp về kinh tế và các lãnh vực liên quan, cũng như phân tích về khu vực kinh tế nhà nước tại VN.

Phần hai cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Quang A được gửi đến quý vị sau đây, ông Nguyễn Quang A sẽ trình bày về nhu cầu phải tống táng nền kinh tế quốc quanh đầy tai hại, và những điều phải thực hiện trong trước mặt, ngõ hầu tạo dựng được một mô hình “chịu” phát triển:

 

Radio Chân Trời Mới: Nhà nước luôn chủ trương lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, làm nòng cốt nên hầu như các nhân tài vật lực của đất nước đều dồn vào nền kinh tế quốc doanh. Tuy nhiên trên thực tế, kinh tế quốc doanh bao nhiêu năm qua, kể cả suốt 30 năm đổi mới thì hầu như những tập đoàn kinh tế lớn của đất nước đều thua kém, làm ăn thua lỗ, nhưng vẫn được đầu tư rất khủng khiếp. Và gần đây nhiều xí nghiệp quốc doanh không trả được thuế, bị phạt vì nợ thuế nên đang đề nghị với Bộ Tài Chính cho xóa đi khoản nợ là 10.000 tỷ. Ông nghĩ sao về việc này?

- Quảng Cáo -

Ts. Nguyễn Quang A: Đây là một vấn đề rất nhức nhối đối với nền kinh tế Việt Nam. Suốt 20 năm tôi liên tục lên tiếng về đường lối lấy khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo là đường lối hết sức sai lầm về kinh tế của ĐCSVN. Rất đáng tiếc là nếu không có một đường lối sai lầm như thế thì nền kinh tế Việt Nam đã có thể phát triển khá hơn rất nhiều so với thực tại. Đúng như anh nói, rất đáng tiếc do một số nhóm lợi ích rất muốn sử dụng các doanh nghiệp nhà nước như một công cụ của mình để làm công cụ điều khiển nền kinh tế. Thực sự nhóm lợi ích lớn nhất chính là ĐCSVN, và họ nói rất rõ ràng là họ muốn dùng các doanh nghiệp nhà nước này làm công cụ của mình. Vì họ ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước, bất chấp các doanh nghiệp nhà nước đóng góp vào GDP của nền kinh tế Việt Nam chỉ ở mức khoảng 25-26%. Vai trò của nó không còn là chủ đạo, vì phải chiếm khoảng 40-50% thì mới có thể gọi là chủ đạo được. Nhưng cũng rất may là tuy họ muốn nó là chủ đạo, nhưng nó không bao giờ là vai trò chủ đạo được. Tuy nhiên với chính sách sai lầm như thế thì khu vực kinh tế nhà nước đã sử dụng nguồn lực rất lớn của quốc gia, chiếm 40-50% nguồn lực nhưng chỉ tạo ra được 25-26% tổng sản lượng. Nếu tính cả khu vực bộ máy nhà nước, giáo dục, lực lượng vũ trang thì đóng góp vào được độ 30% của GDP. Ngay cả khi toàn bộ khu vực kinh tế nhà nước, không chỉ các đơn vị doanh nghiệp nhà nước tạo ra, thì chưa được 1/3 của tổng sản lượng của nền kinh tế thì không thể gọi là giữ vai trò chủ đạo được. Rất đáng tiếc là vì được gắn với vai trò chủ đạo nên được ưu ái, sử dụng nguồn lực lớn của đất nước một cách không hiệu quả.

Những thí dụ chúng ta nhìn thấy nhãn tiền như Vinashin, Vinalines, và đến bây giờ nhiều doanh nghiệp nhà nước không trả được thuế và đang đòi Bộ Tài Chính miễn giảm cho họ 10.000 tỷ, nếu không thì những doanh nghiệp đó có thể lâm vào phá sản. Cách hay nhất theo tôi nghĩ, là nếu chúng lâm vào tình trạng phá sản thì phải để chúng phá sản. Có thể bán rẻ, bán 0 đồng hay một vài đồng tượng trưng cho những người chủ khác để họ sử dụng những nguồn lực đó một cách hiệu quả hơn, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế quốc dân. Nói cách khác, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là một đường lối kinh tế rất sai lầm. May là trong thực tế không giữ được vai trò chủ đạo nhưng vẫn còn làm hại nhiều, cho nên tôi nghĩ nếu họ có một đường lối phù hợp, nêu rất rõ là khu vực kinh tế tư nhân mới giữ vai trò chủ đạo – hoặc chẳng cần phải nói gì cả, bỏ vai trò chủ đạo đi – để cho tất cả các khu vực hoạt động sòng phẳng, bình đẳng, cạnh tranh với nhau thì trong thời gian tới những doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả thì còn tồn tại. Những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì phải bán cho người khác, thay chủ hoặc phải giải thể. Chỉ có cách như vậy thì gánh nặng của các doanh nghiệp nhà nước này mới thay đổi mà thôi.

 

Radio Chân Trời Mới: Có người nói rằng nếu bây giờ chính phủ quyết định xóa khoản nợ và số tiền phạt nợ thuế của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thì họ đã làm thất thoát ngân sách, nguồn thu của đất nước, thất thoát tiền của nhân dân 10.000 tỷ, như vậy có đúng không?

Ts. Nguyễn Quang A: Hoàn toàn đúng nhưng vẫn chưa đủ, bởi vì nếu chỉ thất thoát một lần 10.000 tỷ rồi thôi thì chẳng sao cả. Tình hình còn tồi tệ hơn là chuyện thất thoát 10.000 tỷ của nhân dân, mà sự việc tồi tệ hơn ở chỗ là tiếp tục nuôi nấng một số doanh nghiệp còn tiếp tục làm hại cho nền kinh tế, làm hại đến nhân dân trong tương lai. Cái đó mới đáng quan tâm chứ còn bản thân 10.000 tỷ vào cỡ 400 – 500 triệu USD là con số rất lớn. Nhưng thà mất một lần để cho giải thể những lũ ăn bám, những kẻ không đáng sống đó đi. Trong thương trường một doanh nghiệp phát triển tốt mang lại lợi ích cho xã hội. Những doanh nghiệp vất vưởng, ăn bám, luôn luôn đòi ngân sách hỗ trợ thực sự là những doanh nghiệp có hại; nên để chúng nó chết đi càng nhanh càng tốt. Thậm chí là cần phải chi thêm 10.000 tỷ nữa để chôn cất, mai táng chúng nó một cách văn minh, thì có thể vẫn còn lợi hơn là việc để những doanh nghiệp chuyên môn lay lắt này sống để tiếp tục làm hại cho nền kinh tế.

 

Radio Chân Trời Mới: Những con sâu đó chết thì cũng đáng rồi, thế còn những kẻ dung túng cho những con sâu đó sống thì những kẻ đó phải chịu trách nhiệm như thế nào với đất nước?

Ts. Nguyễn Quang A: Đấy lại là một câu hỏi khác, một câu hỏi gắn với vấn đề dân chủ. Nếu như đất nước ta là một đất nước dân chủ thì chắc chắn người dân được quyền bỏ phiếu để chọn ra những người lãnh đạo đất nước. Tôi tin chắc chắn rằng những người đã làm ra những kết quả dở tồi như vậy thì nhân dân không lẽ nào không nhận ra mà vẫn bầu tiếp cho. Nhưng rất đáng tiếc nước ta có một chế độ độc tài toàn trị, những người nắm quyền thực sự không phải do dân bầu lên. Họ cử những người trong số họ để có một cuộc bầu hình thức, người ta vẫn nói là “đảng cử dân bầu”. Họ cứ khư khư bám lấy ghế, bám lấy quyền lực của mình, và tôi nghĩ đó là một cản trở sự phát triển rất lớn của đất nước. Mọi người dân sẽ phải ý thức, sẽ phải thức tỉnh bản thân mình, những người thân của mình rằng, những chuyện đó không thể tiếp tục được vì như thế sẽ có hại cho đất nước nói chung.  Phải tích cực làm sao cho đất nước Việt Nam sớm có một nền dân chủ thực sự. Một nền dân chủ có nghĩa la tự do về chính trị, lập ra các đảng cạnh tranh với nhau, và luật bầu cử phải được công khai minh bạch, dễ dàng cho việc ứng cử, cũng như là người được bầu phải có quyền được giữ chức của mình cho đến lần bầu cử tiếp theo. Tôi nghĩ đây là một quá trình còn dài và còn rất là vất vả.

 

Radio Chân Trời Mới: Trước đây 10 năm khi chưa lên làm thủ tướng thì ông Nguyễn Tấn Dũng rất cổ vũ vấn đề xóa bỏ chế độ bộ chủ quản đối với các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp. Ông cho đó là lực cản làm cho các doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế làm ăn thua lỗ và không có hiệu quả. Đến khi ông làm thủ tướng thì ông tập trung cho chế độ thủ tướng quản thì các tập đào kinh tế phá sản mạnh hơn và với năm qua thua lỗ nhiều hơn, với hậu quả là nhiều tập đoàn đã ra tòa. Nhưng khi nói về trách nhiệm thì ông vẫn nói tôi ký không sai. Vậy thì ai sai trong việc các tập đoàn kinh tế phá sản và thua lỗ?

Ts. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng ông ấy nói rất đúng bởi vì ông ấy tuân thủ theo đường lối của ĐCS. Vậy thì người đứng ra nhận trách nhiệm phải là ĐCS. Ở đây chúng ta chỉ cần lưu ý một chút, tức là chuyện người ta gài vào câu chữ trong văn kiện của đại hội ĐCS là đều có mục đích. Và theo tôi biết thì việc lập ra các tập đoàn kinh tế được ghi vào trong văn kiện của đại hội đảng năm 2006 của nhiệm kỳ trước, là một điều dường như cố ý như thế. Sau đó làm đúng như ý đồ của mình, rồi không được kết quả như ý muốn thì bảo đây là đảng chứ không phải tôi. Chuyện như vậy thì chúng ta đã thấy quá nhiều lần trong hoạt động của ĐCSVN rồi chứ không phải một lần này.

 

Radio Chân Trời Mới: Văn kiện đại hội đảng lần thứ 10 dự thảo công bố cho toàn dân góp ý vẫn khẳng định rằng định hướng kinh tế theo thị trường xã hội chủ nghĩa là định hướng tốt và cần phải phát huy. Theo ông nghĩ điều này là tai họa hay là làm tốt cho dân tộc của ta?

Ts. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ là ngôn từ, từ ngữ không phải là quá quan trọng. Chúng ta nhìn trong đời sống thực tế như thế nào mới quan trọng. Cũng có những người gắn cái đuôi gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào để cho có vẻ trung thành với lý tưởng cổ xưa của họ. Cũng có rất nhiều người thậm chí quan chức rất lớn của đất nước này, của hệ thống này, cũng là lãnh đạo cao cấp của ĐCS này nói toẹt móng heo ra, là làm gì có định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường là kinh tế thị trường. Ông tổng bí thư ĐCSVN đi sang Mỹ cũng lạy lục để yêu cầu chính phủ Mỹ công nhận Việt Nam có một nền kinh tế thị trường; rồi sang bên Châu Âu cũng như vậy. Tôi không hiểu lần này sang Nhật ông ấy có yêu cầu như thế không? Tôi thấy đó là chuyện hết sức nực cười; một đàng đi bảo người ta ông công nhận cho tôi cái này, về trong nước thì lại bảo tôi không phải cái này, mà tôi còn thêm cái khác vào…, thì tôi nghĩ đó là chuyện cãi nhau về ngôn từ hết sức vô nghĩa. Chừng nào họ vẫn còn chăm chú vào cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa và cố gắng thực hiện nó theo kiểu như tôi đã nói từ trước – là ưu ái cho khu vực nhà nước, phân bộ nguồn lực cho nó một cách rất hào phóng để cho khu vực nhà nước chèn ép khu vực tư nhân – thì chừng đó nền kinh tế của chúng ta chưa thể có sự phát triển hài hòa va lành mạnh được, vẫn là sự phát triển méo mó. Đấy là điều rất đáng tiếc.

 

Radio Chân Trời Mới: Vậy thưa ông, muốn cho nền kinh tế nước nhà lành mạnh, dân được cơm no áo ấm, đất nước hưng thịnh đuổi kịp các nước chung quanh và toàn thế giới thì kinh tế Việt Nam phải đi theo đường hướng nào và phải xử lý như thế nào nền kinh tế quốc doanh hiện nay?

Ts. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ vấn đề cải cách kinh tế của Việt Nam không phải là vấn đề quá khó, bởi vì Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tích trong 30 năm qua. Có thể nói cuộc chuyển đổi vĩ đại đã diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam 30 năm qua từ một nền kinh tế quan liêu, kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp chuyển thành nền kinh tế thị trường chưa thật sự hài hòa và lành mạnh lắm. Chính vì vậy mà bây giờ chúng ta không cần phải có những cuộc cách mạng trong kinh tế mà chỉ cần chỉnh sửa một số điểm cơ bản mà chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Ba điểm chính đó là: Thứ nhật, tạo mọi điều kiện và khuôn khổ pháp lý chứ không phải bằng tài chính và tiền bạc để khu vực tư nhân phát triển một cách lành mạnh. Chỉ cần dỡ bỏ sự cản trở ấy thì khu vực tư nhân sẽ phát triển mạnh hơn nữa. Đối với khu vực các doanh nghiệp quốc doanh thì phải làm hai điều. Thứ nhất phải bắt các doanh nghiệp quốc doanh này cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Thứ hai, không ưu ái, tức là không có chuyện miễn thuế, không có chuyện cấp vốn với lãi suất thấp, không có chuyện cho những cơ hội hợp đồng ưu ái hơn các khu vực khác. Hay nói cách khác là tất cả doanh nghiệp đều phải bình đẳng như nhau. Doanh nghiệp nào mạnh thì phải phát triển, doanh nghiệp nào yếu thì chết đi. Vấn đề chỉ đơn giản như thế; với sự điều chỉnh không lớn lắm, trong khuôn khổ phát luật và chính sách thì tôi nghĩ là nền kinh tế của Việt Nam có thể phát triển tốt hơn rất là nhiều so với hiện nay va quá khứ.

 

Radio Chân Trời Mới: Điều đơn giản như ông vừa nói, họ đã làm bao nhiêu năm nay mà vẫn không làm được. Phải chăng là do lực cản của thể chế hiện nay đã làm cho họ không thể làm được những điều quá đơn giản như ông nói?

Ts. Nguyễn Quang A: Thực sự cũng không phải nhiều người nghĩ rằng phải có dân chủ đa đảng thì lập tức sẽ giải quyết được vấn đề kinh tế, không phải đơn giản như vậy. Có thể khi có dân chủ đa đảng theo đúng nghĩa của nó thì chưa biết chừng nền kinh tế hiện thời có thể chựng lại một chút. Chúng ta nhìn sang việc phát triển kinh tế của Singapore chẳng hạn. Singapore là nhà nước khá độc đoán không có nền dân chủ, nhưng họ đảm bảo được các điều đơn giản như tôi vừa nói:  các doanh nghiệp quốc doanh Singapore như Singapore Airlines, tức hãng hàng không quốc gia Singapore. Singapore không có thị trường nội địa về hàng không vì đi từ đầu nước đên cuối nước chỉ khoảng 60km. Thị trường vận tải ô tô, đường bộ không có nữa chứ nói gì đến hàng không. Nhưng hãng Singapore Airlines họ phải cạnh tranh với Thai Airlines, Viet Nam Airlines, Lufthansa, Air France…, tức là phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì mới sống được. Và phải hoạt động như một công ty tư nhân, tức là lời ăn, lỗ chịu. Tuy rằng phần vốn chính của Singapore Airlines vẫn là của nhà nước Singapore; và tương tự như thế, các doanh nghiệp khác của nhà nước của Singapore cũng vậy. Chúng ta có thể thấy sự phát triển và tính hiệu quả của các doanh nghiệp ấy không phải gắn lắm với chuyện dân chủ, nhưng nó gắn với việc quản trị đất nước, quản trị nền kinh tế. Mà hai công cụ tôi nghĩ rất quan trọng như tôi đã nhắc đến, là phải buộc tất cả các doanh nghiệp tư cũng như công phải cạnh tranh bình đẳng với nhau trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Thứ hai là có ràng buộc ngân sách cứng, tức là không ưu ái cho nó, không tạo cho nó một tâm lý ỷ lại bởi vì tôi là con của ông nhà nước, dẫu tôi làm kém như thế nào thì cuối cùng vẫn được nhà nước cứu vớt. Với hai điều kiện đó, thiếu một trong hai điều kiện đó thì các doangh nghiệp hoạt động dứt khoát là không có hiệu quả. Có hai điều kiện đó vẫn chưa đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Quan trọng là phải có nhà quản lý tài, quản trị tài, các ông tổng giám đốc, hội đồng quản trị v.v…  Đấy là một lực lượng lao động tinh hoa và có một thị trường cho những người điều hành doanh nghiệp như vậy.

Rất đáng tiếc ở Việt Nam chúng ta chưa xây dựng được một mảng nhỏ của thị trường lao động đó; và còn rất nhiều chuyện về luật hình sự, luật nói về gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng, vi phạm những quy định về kinh tế chảng hạn, buộc người ta vào tội hình sự. Những vụ án thực sự có thể mang tính chính trị nhưng được núp bóng dưới kinh tế này kia. Và việc bắt bớ các giám đốc, các nhà điều hành các ngân hàng, các doanh nghiệp lớn, bất luận là tư nhân hay là quốc doanh đều là một tín hiệu rất xấu, là sẽ không bao giờ chúng ta tuyển được những người điều hành doanh nghiệp tài để làm. Như vậy cần phải có 3 điều kiện thì may ra các doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả được. Thứ nhất phải cạnh tranh khốc liệt; thứ hai là ràng buộc ngân sách cứng, tức không được ưu ái về mặt tài chính, cơ hội về mặt hợp đồng và nguồn lực; và thứ ba là phải có đội ngũ điều hành giỏi. Rất đáng tiếc cả ba điều kiện đó ở Việt Nam chúng ta không lưu ý đến và 3 điều đó không nhất thiết gắn với vấn đề dân chủ, chúng ta nên tách bạch ra như thế.

 

Radio Chân Trời Mới: Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here