Dân chủ và kỷ cương

Nguyễn Hưng Quốc - Blog VOA

- Quảng Cáo -

Sau khi Đại hội đảng lần thứ XII bế mạc, Nguyễn Phú Trọng có một cuộc họp báo ngắn, 30 phút, trong đó, ông thú nhận là chính ông cũng bị bất ngờ trước việc ông được tái đề cử và cuối cùng, tái đắc cử chức tổng bí thư với (“gần như”) 100% phiếu bầu.

Quan trọng hơn, khi trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông khẳng định hai ý: Thứ nhất, tất cả các cuộc bầu cử trong đại hội đều đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn, và đặc biệt, rất dân chủ. Ông nhắc lại lời nhận định của ai đó trong đại hội: “Đại hội này dân chủ đến thế là cùng.” Thứ hai, cuối buổi họp báo, ông nhấn mạnh: “Hiện nay, bao nhiêu đoàn thể, tổ chức chính trị ra đời, nhưng vẫn phải có kỷ cương. Đất nước không có kỷ cương thì rối loạn, mất ổn định, như vậy Việt Nam không thể phát triển.”

Trước hết, về chuyện dân chủ, có thể Nguyễn Phú Trọng nghĩ và tin như thế thật. Có điều cái nghĩ và niềm tin của ông về dân chủ khác hẳn với chúng ta. Đó mới chính là vấn đề.

Với Nguyễn Phú Trọng, dường như cứ hễ có người cầm lá phiếu bỏ vào thùng là có dân chủ. Khi những lá phiếu ấy là phiếu kín, gắn liền với quyết định của người bầu, ngay cả khi nó trái với ý định của cấp trên, tính chất dân chủ lại càng rõ nét.

- Quảng Cáo -

Nhưng đó chỉ là hình thức, một trong những hình thức của dân chủ. Không thể đồng nhất việc bỏ phiếu và dân chủ. Có vô số những cuộc bỏ phiếu mà vẫn không có dân chủ. Như các cuộc bỏ phiếu trong các kỳ đại hội đảng, chẳng hạn.

Biểu hiện phi dân chủ đầu tiên trong các cuộc bầu cử ở đại hội đảng là: đó chỉ là những cuộc bầu cử trong nội bộ 1.510 đại biểu của đảng cộng sản chứ không phải của dân chúng. Những đại biểu ấy đều là đảng viên, được chính quyền trung ương hoặc địa phương chọn. Những đại biểu ấy bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.

Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Đại Hội 12
Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Đại Hội 12

Ở đây chúng ta thấy rõ hai điều: Một, dân chúng hoàn toàn bị loại trừ. Từ đầu đến cuối, dân chúng hoàn toàn không có tiếng nói nào cả. Hai, ngay cả 4,5 triệu đảng viên trong cả nước cũng bị loại trừ: Các đại biểu được lựa chọn từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên.

Biểu hiện phi dân chủ thứ hai là ở quy chế bầu cử trong đại hội. Tất cả các ứng cử viên cho mỗi chức danh đều được Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương chỉ định. Không có ai được tự ứng cử. Các đại biểu tham dự đại hội có thể đề cử nhưng người được đề cử phải xin rút, sau đó, đại hội sẽ bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý với việc rút tên ấy.

Tất cả các đại biểu đều hiểu rõ người được đề cử ấy trái với ý muốn của Bộ Chính trị, do đó, luôn luôn bỏ phiếu đồng ý, và hậu quả là tất cả những người được đề cử trong đại hội đều bị loại. Như vậy, chúng ta thấy rất rõ, dù được quyền bỏ phiếu, tất cả các đại biểu đều phải tuân lệnh của Bộ Chính trị. Như vậy, cái gọi là tự do bỏ phiếu ấy chỉ là chuyện hình thức. Đó không phải là dân chủ.

Biểu hiện thứ ba của tính chất phi dân chủ nằm ở tiêu chuẩn bầu cử. Thường, dưới chế độ dân chủ, khi bầu giới lãnh đạo, người ta căn cứ trên tài năng và tài năng ấy được thấy rõ nhất qua hai khía cạnh: khả năng hoạch định chính sách và khả năng thực hiện chính sách. Ở Việt Nam, tất cả những người được đảng đề cử đều không có cơ hội trình bày các chính sách của mình bởi lẽ đơn giản là không có ai có thể có chính sách riêng cả. Hậu quả là mọi lá phiếu, ngay cả khi được tự do lựa chọn, cũng chỉ căn cứ trên quan hệ xã hội hay quan hệ chính trị là chính. Đó không phải là một sự lựa chọn dân chủ.

Tuy nhiên, điều cần làm sáng tỏ là nhận định thứ hai của Nguyễn Phú Trọng: “Không có kỷ cương thì rối loạn”.

Nhận định ấy, thật ra, không có gì mới lạ. Ở đâu cũng thế. Ngay ở phương Tây, dưới các chế độ dân chủ, người ta cũng đều nghĩ thế. Tự bản chất, mọi sự rối loạn đều xuất phát, trước hết, từ sự thiếu kỷ cương. Vấn đề ở đây là: thế nào là kỷ cương?

Ở Tây phương, nói đến kỷ cương là nói, trước hết, đến luật pháp. Một xã hội kỷ cương là một xã hội thượng tôn luật pháp, ở đó, mọi người, từ dân chúng đến giới lãnh đạo, đều phải làm việc và hành xử đúng theo quy định của luật pháp. Không có người nào, tuyệt đối không có người nào, kể cả những người lãnh đạo cao nhất, được quyền đứng bên ngoài hay bên trên luật pháp. Với Nguyễn Phú Trọng, cái gọi là kỷ cương ấy chỉ có nghĩa đơn giản là mọi người phải chấp nhận sự lãnh đạo độc tôn và tuyêt đối của đảng Cộng sản.

Hinhanhthatbuonvaxauho 06
Với Nguyễn Phú Trọng, cái gọi là kỷ cương ấy chỉ có nghĩa đơn giản là mọi người phải chấp nhận sự lãnh đạo độc tôn và tuyêt đối của đảng Cộng sản. Nên các đại biểu tha hồ ngủ trong Đại hội 12

Khi đề cao kỷ cương, Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn nhấn mạnh một số điểm: Một, Việt Nam là một đất nước độc đảng; hai, với tính chất độc đảng ấy, Việt Nam không công nhận bất cứ hình thức đối lập nào, kể cả hình thức đối lập nhẹ nhàng và hoà bình nhất là sự phản biện của giới trí thức; ba, Việt Nam cũng không thừa nhận sự tồn tại của xã hội dân sự vốn, tự bản chất, thoát ra ngoài sự lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản. Nói cách khác, với Nguyễn Phú Trọng, kỷ cương là đặt mọi sự dưới sự kiềm chế và kiểm soát khe khắt của đảng của ông.

Với cách hiểu như thế, khái niệm kỷ cương hoàn toàn trái ngược với khái niệm dân chủ vốn đề cao sự đa nguyên và sự phân tán quyền lực. Có thể nói, theo cách hiểu ấy, xã hội càng kỷ cương bao nhiêu, nó lại càng mất dân chủ bấy nhiêu.

Chỉ trong một cuộc họp báo kéo dài 30 phút, Nguyễn Phú Trọng đã tự mâu thuẫn với chính ông khi, một mặt, khoe khoang tính chất dân chủ của chế độ, mặt khác, lại đề cao cái gọi là kỷ cương với cách hiểu là nhất nhất đều phải tuân theo sự lãnh đạo của đảng. Vậy mà ông có vẻ kiêu hãnh về “trình độ lý luận” của mình ghê lắm (khi ông cho tổng bí thư phải là người miền Bắc và có… lý luận!)

Chán.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here