Tập Cận Bình thay đổi công thức thắng lợi của Trung Quốc

Gideon Rachman - Financial Times

- Quảng Cáo -

 

Tình hình chính trị phương Tây hiện thời gây cấn đến độ chuyện Trung Quốc xem ra tương đối trầm tĩnh và ổn định. Nhưng ấn tượng đó dễ nhầm lẫn. Tập Cận Bình đang đưa quốc gia ông ta đi theo hướng mạo hiểm, táo bạo.

Nếu chính sách của họ Tập thành công thì thời đại họ Tập sẽ được ghi nhớ là đạt được mục tiêu “đại phục hưng” của quốc gia Trung Quốc. Nhưng nếu cuộc thử nghiệm của họ Tập sai trái thì di sản để lại sẽ là hỗn loạn chính trị, kinh tế đình trệ và xung đột quốc tế.

Họ Tập căn bản đã từ bỏ công thức giúp Trung Quốc cất cánh trong 30 năm qua. Công thức đó do Đặng Tiểu Bình thiết kế ra sau khi lên nắm quyền năm 1978, và được những người thừa kế trao chuốt thêm. Công thức đó có ba phần: chính trị, kinh tế và quốc tế.

Công thức giúp Trung Quốc cất cánh trong 30 năm qua của ông Đặng Tiểu Bình bị thay đổi khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.
- Quảng Cáo -

Trong lãnh vực kinh tế, họ Đặng và những người thừa kế nhấn mạnh vào xuất khẩu, đầu tư và tìm cách tăng trưởng hàng năm với tỷ lệ 10% trở lên. Trong chính trị, Trung Quốc tránh xa mô hình lãnh tụ độc tài của Mao Trạch Đông và hướng về việc lãnh đạo tập thể. Và trong lãnh vực ngoại giao, Trung Quốc chọn hướng tiếp cận thế giới khiêm nhường và thận trọng mà phương Tây gọi là “ẩn mình chờ thời” dựa theo lời khuyên của họ Đặng “ẩn dấu khả năng của mình, chờ thời cơ đến.”

Sau khi họ Tập nắm quyền lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012, cả ba phần công thức của họ Đặng đều bị thay đổi. Trong chính trị, Trung Quốc trở lại mô hình lãnh tụ đầy quyền lực – không ai khác hơn ông Tập. Trong kinh tế, những năm tháng tăng trưởng nhảy vọt đã không còn nữa và Trung Quốc mò mẫm theo mô hình mới, thúc đẩy bởi tiêu thụ nội địa hơn là xuất khẩu. Và trong ngoại giao, thời đại họ Tập đã không còn ẩn mình chờ thời, xoay qua thách đố thế thượng phong của Hoa Kỳ trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương.

Việc thay đổi ba chính sách lớn có nguồn gốc khác nhau. Trong kinh tế, mô hình tăng trưởng cũ dựa vào xuất khẩu, đầu tư ào ạt và lương nhân công thấp không thể tiếp tục mãi. Kích cỡ khổng lồ của kinh tế Trung Quốc, cùng với thời giá gia tăng tại Trung Quốc và tăng trưởng chậm lại của phương Tây khiến không tránh khỏi thay đổi. Nhưng sự thay đổi qua mô hình mới đầy nguy nan. Sau vụ khủng hoảng tài chính 2008, Trung Quốc khởi động một đợt đầu tư và cho vay không thể kéo dài được mà còn có thể dẫn đến một khủng hoảng tài chính khác.

Ngay cả khi tránh được điều đó, Trung Quốc phải làm quen với tỷ lệ tăng trưởng thấp. Giới lãnh đạo đảng thường rao rằng Trung Quốc phải tăng trưởng với tỷ lệ 8% mỗi năm để duy trì chính trị và xã hội ổn định. Nhưng bây giờ được từ 6 đến 7% là tốt rồi.

Một nền kinh tế khoẻ mạnh rất quan trọng cho ổn định nội bộ. Đảng Cộng Sản vẫn dứt khoát bác bỏ việc tiến đến bầu cử dân chủ là không phù hợp cho Trung Quốc. Thay vào đó, giới lãnh đạo dùng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng để tạo cho hệ thống chính trị một hình thức “chính danh vì được việc”, mà các lý thuyết gia đảng lập luận rằng chắc hơn là việc được ủy quyền qua bầu cử dân chủ. Nhưng một nền kinh tế sa sút – hay tệ hơn nữa là một cuộc khủng hoảng tài chính – rất có thể làm xói mòn tính chính danh của đảng.

Ông Hồ Cẩm Đào (phía sau), người tiền nhiệm ông Tập Cận Bình.

Còn trong lãnh vực chính trị, sau thời đại của Mao đảng Cộng sản tìm cách đi theo hướng giữa độc tài và dân chủ. Ý ở đây là cổ võ cho một chính quyền tập thể, với chuyển giao quyền lực êm thắm do đảng quản trị. Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập, tiêu biểu cho hệ thống này. Ông không khuyến khích suy tôn lãnh tụ, phục vụ hai nhiệm kỳ, rồi rời vị trí quyền lực.

Họ Tập đã phế bỏ mô hình này. Ông ta hiện nay được xem là vị lãnh tụ quyền uy nhất Trung Quốc sau Mao. Truyền thông nhà nước được khuyến kích ca tụng cá nhân ông. Cùng lúc, họ Tập đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng kết án hàng trăm ngàn viên chức, gây kinh hãi cho tầng lớp thượng lưu chính trị và kinh doanh. Hệ quả là những cơn sốt đồn đoán tại Bắc Kinh – kể cả những đồn đãi thanh trừng, âm mưu đảo chánh, âm mưu ám sát. Nhiều bình luận gia nghĩ rằng họ Tập sẽ kiên quyết nắm quyền nhiều hơn hai nhiệm kỳ – một diễn biến làm đảo lộn mô hình lãnh đạo tập thể.

Cùng lúc căng thẳng kinh tế và chính trị gia tăng dưới quyền họ Tập, chính sách ngoại giao cũng vậy, đã trở nên tự ái quốc gia hơn và sẵn sàng liều lĩnh đối đầu với phương Tây và láng giềng tại Châu Á. Sự lấn át của Bắc Kinh trên Biển Đông, với việc xây các đảo nhân tạo đã dẫn đến chuyện đụng đầu với hải quân Hoa Kỳ và Nhật. Những vụ xém va chạm này có thể phục vụ cho mục tiêu chính trị. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, đảng Cộng Sản có thể cần có lý do chính danh khác, và đụng độ với Nhật và Hoa Kỳ trên mặt biển sẽ có thể kích lên lòng ái quốc hậu thuẫn cho chính quyền.

Bí quyết của công thức họ Đặng để tạo dựng ra Trung Quốc hiện đại là lấy kinh tế làm chủ đạo. Chính sách nội địa và ngoại giao được thiết kế để tạo ra một môi trường hoàn hảo cho phép mầu kinh tế Trung Quốc. Với họ Tập thì mệnh lệnh về chính trị và ngoại giao dường như lấn át kinh tế. Sự thay đổi công thức đó có vẻ đầy rủi ro cho Trung Quốc và thế giới.

Gideon Rachman – Financial Times
30/05/2016

Hoàng Thuyên lược dịch

 

 

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here