Mộ phần thuyền nhân: Chứng tích lịch sử không thể xóa bỏ

Trùng Dương

Mộ thuyền nhân ở Terengganu, Mã Lai (Ảnh Trùng Dương)
- Quảng Cáo -

Cuối tháng Ba, đầu tháng Tư vừa qua chúng tôi, Trùng Dương và Trần Mộng Tú, cùng tháp tùng có anh Frank Pease, phu quân của Tú, có dịp tham dự chuyến viếng thăm mộ phần của các thuyền nhân Việt tử nạn trên đường vượt biển trong vùng Đông Nam Á vào các năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 sau khi Cộng sản chiểm lĩnh Miền Nam. Hành trình tìm tự do của trên 800 ngàn thuyền nhân, với ước tính 400 ngàn bỏ mạng trên biển, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, đã làm nên bộ sử thuyền nhân Việt Nam, mà các mộ phần của họ là chứng tích lịch sử không thể xoá nhoà.

Chuyến đi của chúng tôi do một nhóm thân hữu tổ chức, với anh Lê Hùng ở Canada tình nguyện hướng dẫn, cùng với sự hỗ trợ tình nguyện đắc lực của nhiều anh chị em đã từng sinh hoạt và tham dự các chuyến đi trước đó của nhóm Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, trụ sở đặt tại Úc; và đặc biệt là phần thông dịch và hướng dẫn tại mỗi dịa phưong của ba cô bé sinh ra và lớn lên sau 1975 ở Việt Nam hiện làm việc tại vùng Đông Nam Á, song gần đây mới có dịp biết tới lịch sử thuyền nhân Việt.

Chúng tôi, gồm 56 người từ Canada, Mỹ, Úc, và một đôi người từ Việt Nam, gặp nhau ở Hatyai, một tỉnh phía nam Thái Lan sát biên giới Mã Lai, rồi cùng đáp xe buýt đi Songkla, một trại tị nạn cũ từ 1978 tới 1983, khoảng 28 km/17 miles về phía đông bắc. Sau khi thăm viếng vùng này, chúng tôi đi Tha Sala, cách Songkla khoảng trên 2 tiếng lái xe về phía bắc. Tha Sala nằm ven biển, gần đây đã phát triển thành khu du lịch, nơi ghi dấu nhiều xác thuyền nhân Việt trôi giạt vào bờ vào các năm sau biến cố 30 tháng Tư, 1975. Bi thương hơn cả là chuyện 11 xác các cô gái, mà người địa phương cho là từ Việt Nam, không một mảnh vải che thân, cổ bị giây thừng cột vào nhau, trôi giạt vào vùng này, có lẽ vào thời khoàng từ cuối thập niên 1970 tới đầu thập niên 1980. Họ, cũng như nhiều xác thuyền nhân khác trôi giạt vào đây, đã được dân địa phương vớt lên, chôn cất, và, theo lời khuyên của các vị sư Thái, đã dựng miếu thờ vong linh của họ tại Tha Sala, cùng với một mảnh ván thuyền mà một gia đình Thái tìm thấy được bị chôn vùi dưới cát khi họ đào móng xây nhà.

- Quảng Cáo -

Sau khi thăm hai địa đỉểm Songkla và Tha Sala, chúng tôi về nghỉ đêm tại chùa Wat Samphreak gần đó. Sáng sớm hôm sau ra bãi đáp thuyền nhỏ đi đảo Koh Kra. Mò mẫm trên bãi cát dưới ánh đèn lập loè tìm thuyền của nhóm mình, vài anh chị em cựu thuyền nhân không khỏi buột miệng nói, cứ như là đi vượt biên ấy thôi. Mặc dù không phải thuyền nhân, vì cả hai chúng tôi đi từ trước ngày Sài Gòn tan hàng, chúng tôi cũng cảm thấy cái phập phồng của người sắp đi biển giữa đêm tối. Koh Kra, một hòn đảo hoang cách Tha Sala 80 km/50 miles, song đã trở thành một địa danh quen thuộc từ sau khi, vào năm 1979, một nhóm trên 100 thuyền nhân bị hải tặc Thái giam giữ và hành hung đã được ông Ted Schweitzer của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc giải cứu, chấm dứt việc hòn đảo kinh hoàng này được dùng làm sào huyệt nơi hàng ngàn thuyền nhân không may đã bị hải tặc bắt giam, với trên 100 người đã bị bỏ mạng. Trong số những người được giải cứu có nhà văn Nhật Tiến và cặp phóng viên Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, và qua những bài viết của họ, Koh Kra đã trở thành một địa danh đáng kể trong lịch sử thuyền nhân. Hai ký giả Vũ Thanh Thủy và Dương Phục cùng có mặt với chúng tôi trong chuyến đi thăm lại đảo Kra lần đầu. Chuyến đi Koh Kra phải rút ngắn lại một đêm và một ngày vì trời nổi bão, buộc chúng tôi phải nhổ trại trở về đất liền sau một đêm ngủ dưới mưa. May không ai bị đau ốm gì, trừ việc Trùng Dương bị một chú rết tặng cho hai vết cắn ở đùi và ngón tay cái bên phải vì tội “xâm phạm gia cư.” Nhờ mũi thuốc chích của Linh mục Bác sĩ Phạm Tâm (từ Houston) mà TD đã mau chóng bình phục ngay sáng hôm sau để tiếp tục cuộc hành trình.

Sau một ngày nghỉ ngơi để lấy lại sức ở Hatyai, đặc biệt cho nhóm ba người chúng tôi vì là lớn tuổi nhất trong đoàn, phái đoàn còn lại 33 người lên đường vượt biên giới qua Mã Lai. Trong số những quốc gia ở Đông Nam Á đã phải nhận cưu mang thuyền nhân Việt, Mã Lai là nước lãnh một số thuyền nhân lớn nhất, với 254,495 người từ 1975 tới 1995, không kể những người chết trên biển và xác trôi giạt vào bờ. Vì bờ biển miền đông đối diện với mũi Cà Mâu của Việt Nam ở xế phía đông bắc và vì luồng nước biển chạy từ bắc xuống bọc theo bờ biển phía đông, Mã Lai cũng là nơi duy nhất trong vùng gặp nhiều xác giạt vào bờ, với nhiều mồ chôn tập thể cả trăm thuyền nhân. Phái đoàn chúng tôi đã đi thăm các khu mộ tập thể gồm: Một mộ tập thể 46 người, gồm cả ba trẻ em, một gái hai trai, ở Balai Bachok trong tỉnh Kelatan, kế đó là mộ tập thể 123+5, gồm 123 người chết cùng trên chuyến tầu chở 46 người chết xác chôn trong mộ tập thể kể trên, và năm xác thuyền nhân được rời từ một nghĩa trang khác đến. Mộ 123+5 này nằm tại Cherang Ruku, cũng trong tỉnh Terengganu.

Theo Victorian Collections, tại https://victoriancollections.net.au/items/519fee332162ef049c4826f4, thì con số đúng ra là 139 + 49 thuyền nhân bị thiệt mạng. Danh sách những người bị chết đuối ghi trên các mộ bia là những tên mà Cao ủy Tị Nạm Liên Hiệp Quốc đã có thể tìm thấy, số còn lại vô danh. Cả hai khu mộ tập thể này gồm những người đi trên cùng một chuyến tầu mang số MT065, với tổng cộng là 300 người, phát xuất từ Mỹ Tho ngày 1 tháng Mười Hai, 1978, và tới gần bờ biển Mã Lai ngày 4 cùng tháng thì bị bão lật thuyền. Trên chuyến tầu này có gia đình một nhà giáo nay là nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Ngọc Ngạn. Vợ con ông không may bị chết đuối, riêng ông bất tỉnh và được sóng đưa vào bờ, sống sót. Xác hai mẹ con hiện nằm trong khu mộ tập thể 123+5.

Cũng tại tỉnh Terengganu chúng tôi được hướng dẫn đi thăm khu nghĩa trang khá rộng của người Hoa, tại đây có vài nấm mộ thuyền nhân tập thể, và nhiều nấm mộ cá nhân. Linh mục Bác sĩ Anthony Phạm Tâm, vị đại diện tôn giáo từ Houston còn tiếp tục với đoàn sau khi các linh mục Nguyễn Hùng (từ Đài Loan), Phạm Hồng (từ Úc), và các vị Hoà Thượng Thích Huyền Việt (từ Houston) và Thầy Tây Tạng Geshe Gawa (từ Úc) đã rời đoàn sau chuyến đi Koh Kra để trở về nhiệm sở. Linh mục Tâm đã cử hành một buổi lễ ngay tại nghĩa trang. Đồng cử lễ theo nghi thức Phật giáo có anh Ngô Đức Hữu, từ Úc, với lời kinh rất cảm động rút ra từ đạo Ông Bà mà anh đã chép lại cho chúng tôi, nói là do đồng tử (nhà lên đồng) truyền lại từ năm 1930, nên có nhiều danh từ lạ, song vẫn gây xúc động nơi người nghe.(*)

Trong thời gian ở Terengganu, chúng tôi đi thăm nghĩa trang khu F trên đảo Bidong, nằm ở ngoài khơi về phía đông mất khoảng 20 phút thuyền cao tốc. Bidong nguyên là một hòn đảo hoang tới khi trở thành nơi chứa thuyền nhân Việt. Trong vòng từ tháng Năm 1975 tới khi đóng trại vào tháng Mười 1991, có tổng cộng trên 250,000 thuyền nhân đã sinh sống tại đây. Nhiều người đã bỏ mình trên đảo, nhiều người khác chưa tới đảo thuyền bị đắm đã chết đuối ngoài xa và xác giạt vào bờ. Họ được chôn tại nhiều nghĩa trang trên đảo, song đông nhất là tại khu F, nơi trên 250 nấm mồ đang bị cỏ dại và cây cối nhiệt đới bao phủ. Trên đảo còn có một khu gọi là Đồi Tôn Giáo, nơi có các ảnh tượng Thiên Chúa, Phật, Tin Lành và Cao Đài. Các tượng Phật, Chúa bị phá hoại, cắt đầu. Có người suy đoán là tại người Mã Lai, với đại đa số theo đạo Hồi, vốn không tin việc thờ tượng.

Dù vậy, vì đảo Bidong thuộc thẩm quyền của Viện Bảo tàng Terengganu, nên một số anh em trong phái đoàn hành hương đã được ban giám đốc Viện Bảo Tàng tiếp xúc riêng để tham khảo về dự án phát triển đảo Bidong thành một đảo Di sản (Heritage) nhằm đón tiếp du khách tới hành hương. Tưởng cũng cần nhắc qua là Nam Dương đã thực hiện một dự án tương tự, đó là biến khu trại Việt Nam trên đảo Galang thành Công viên Tưởng niệm (Memorial Park), nơi có một nghĩa trang với 503 mộ phần. Hầu hết những phần mộ thuyền nhân tại vùng Đông Nam Á đã và đang được Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, với sự đóng góp của đồng hương khắp nơi, và dưới sự hướng dẫn kiên trì của anh Trần Đông, sự tiếp tay đắc lực của nhiều thân hữu khác, đặc biệt của nhà báo Lưu Dân, để tìm kiếm và trùng tu các mộ phần này, từ 2005 tới 2015.(**)

Trong khi chúng tôi thăm viếng khu nghĩa trang Terengganu, một vị nữ lưu người Mã gốc Hoa, bà Alice Wong, quả phụ của ông Alcoh Wong, tác giả cuốn sách độc đáo và đầy thông tin giá trị, “The Guidebook of the Graveyards of the Vietnamese Boat People (VBP) along the East Coast of Malaysia Peninsula,” nghe tin có phái đoàn người Việt tới thăm nghĩa trang. Bà tất tả đem theo một số ấn bản cuốn sách, do chồng bà soạn, ra nghĩa trang tìm gặp phái đòan chúng tôi, mừng mừng tủi tủi như gặp lại cố nhân, mặc dù đa số người trong đoàn chưa hề gặp bà. Sáng hôm sau, trước khi đáp thuyền đi Bidong, phái đòan hành hương ghé viếng mộ ông Wong. Bà Wong còn gặp chúng tôi nhiều lần sau đó, lại còn xuống cả Kuala Lumpur, cách nơi bà ở cả 450 km/280 miles, là trạm cuối cùng của chuyến hành hương 10 ngày của chúng tôi, bịn rịn chia tay, như thể qua chúng tôi, bà thấy lại được tất cả công trình và quan tâm của nguời chồng qua đời cách đây đã cả chục năm. Và chúng tôi cũng thấy nơi bà thể hiện tình nhân loại bất kể chủng tộc mà chồng bà đã gửi gấm vào cuốn sách tài liệu vô giá cho bộ sử thuyền nhân. Phóng viên Trần Ngọc Ân của đài Little Saigon có đem về trên 200 cuốn. Độc giả nào muốn có sách tham khảo thì liên lạc với chị tại số 949-690-8187, hay qua điện thư đến ngocan@littlesaigonradio.com.

Sau gần một tuần ở bên bờ biển miền đông Mã Lai, chúng tôi đáp xe buýt đi Kuala Lumpur ở tây nam bán đảo. Dọc đường phái đoàn ghé nghĩa trang tỉnh Dungun, cũng trên bờ biển miền đông, thăm các khu mộ tập thể thuyền nhân tại đây, và một khu mộ dành cho người di dân ở Kuantan, nơi có khoảng 40 xác thuyền nhân được mai táng trong các ngôi mộ cá nhân. Đây là một nghĩa trang đặc biệt, do Nhà thờ Thiên Chúa St. Thomas ở Kuantan trông coi — đặc biệt ở chỗ nó nằm lọt trong khu bao quanh bởi một ngôi chùa Phật giáo mới xây rất lớn, một thánh đường Hồi giáo, và một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Quả không gì an ủi hơn được an nghỉ trong vòng tay bao bọc của ba tôn giáo lớn thế giới.

Chuyến đi của chúng tôi kết thúc bằng một buổi viếng thăm Hội Hồng Nguyệt, Red Crescent Society of Malaysia. Người Hồi không dùng chữ Hồng Thập Tự, mà dùng mảnh trăng lưỡi liềm làm biểu tượng cho hội của họ, nên gọi là Hội Hồng Nguyệt. Tại đây lưu trữ trên 200,000 hồ sơ của thuyền nhân. Phái đoàn được Hội Hồng Nguyệt cho phép tham khảo các hồ sơ này. Trong căn phòng nhỏ bé bao quanh bởi những tủ hồ sơ bằng sắt đã bắt đầu han rỉ dựng kín mấy bức tường, các thành viên bận rộn tìm kiếm hồ sơ của mình và thân nhân. Có những tiếng reo vui của những người tìm thấy hồ sơ của mình hay thân nhân, xen lẫn tiếng nghẹn ngào của vài người không ngăn được xúc cảm khi nhìn thấy tấm lý lịch của mình ba thập niên về trước, đưa họ trở lại thời kỳ vượt biển và đời sống gian khổ nhưng chứa chan hy vọng trong trại ti nạn, không như tại quê hương họ mà họ đã bỏ lại phía sau.

Tóm lại, chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn những mộ phần thuyền nhân, đặc biệt những nấm mồ tập thể. Khó có thể tưởng tượng nổi tâm tình của những người dân Mã Lai sống dọc theo bờ biển miền đông của bán đảo Mã, một buổi sáng nào đó thức dậy thấy hàng trăm xác thuyền nhân trôi giạt vào bờ, như còn tức tưởi, mong được chôn cất. Và phần mộ của họ đã được những con người tuy không cùng chủng tộc nhưng đầy từ tâm, như ông Wong, ghi chép giữ lại, và sau nhiều năm đã được chính đồng bào của họ, sau khi đã ổn định đời sống riêng nơi quê hương thứ hai, tìm tới, trùng tu và bảo trì. Điều nổi bật trong tâm khảm hai chúng tôi, những người không trực nghiệm kinh nghiệm thuyền nhân, là những thuyền nhân xấu số tuy không tới được bến bờ tự do, nhưng những cái chết bi thương của họ đã không phải là những cái chết vô ích, và những nấm mồ của họ đã nói lên tình nhân loại không biên giới. Trên tất cả, chúng là chứng tích hùng hồn của một giai đoạn lịch sử không thể xóa bỏ, mặc dù những nỗ lực của một chế độ phi nhân vốn đã là giềng mối đẩy họ đi vào cái chết.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ… Câu thơ của nhà thơ Quang Dũng đã trở lại trong chúng tôi, với rất nhiều ngậm ngùi. Nhưng chúng tôi không bi lụy. Vì chính những mộ viễn xứ này đã giúp bảo tồn một mảnh lịch sử không chỉ của Việtt Nam, mà còn của cả nhân loại.

Xin chân thành cám ơn dân tộc các nước trong vùng ĐNA đã giúp đỡ người các thuyền nhân Việt, nhất là giúp an bài những người không may tử nạn. Chân thành cám ơn ban tổ chức đã giúp thực hiện chuyến đi hành hương đầy tình người này. Cám ơn sự chân tình của các nhóm viên, đặc biệt sự thăm hỏi của các bạn đồng hành dành cho hai chúng tôi và anh Frank, có lẽ là ba người lớn tuổi nhất trong đoàn. Riêng cám ơn anh Lê Hùng và các cô hướng dẫn địa phương đã hết sức tận tâm với mọi người trong phái đòan. Chúng tôi không nhớ đã có nghe ai phàn nàn điều gì – hay có mà không để bận tâm vì những tình tự đã ứ đầy?

TD, 04/2017

Chú thích:

(*) Bài cầu nguyện nguyên ủy do một đồng tử đọc cho và được truyền khẩu từ năm 1930, nhiều danh từ xưa và lạ, do anh Ngô Đức Hữu (Úc) chép tay cho: “Khấu đầu cầu xin Ơn Trên cho vong linh về đây chứng giám. Xin thần linh điển linh soi sáng. Cầu Nam Tào chứng bảng trở về. Nghe kinh dạ bớt ủ ê. Cầu xin Địa Tạng dẫn về chứng tri. Cầu Thượng đế từ bi hỉ xả. Cho linh hồn ổn thoả nghe kinh. Cầu xin giảm bớt tội tình. Cho vong nhàn hạ nhẹ mình thảnh thơi. Cảnh ly biệt hỡi ôi thê thảm. Đức Thần Minh phất phưởng tràn phang. Cho hồn noi đó nhẹ nhàng. Trở về cứu vị an nhàn hưởng vui. Đầu cúi lạy cao ngôi Thượng Đế. Đức Diên Cung chúa tể nữ lưu. Ngũ chi Tam giáo họa phù. Cho vong chứng kiến hưởng cùng nữ nam.

(**): Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam https://readtiger.com/www.vnbp.org/

Độc giả có thể liên lạc tìm hiểu thêm.

Trùng Dương 04/2017

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here