Trung quốc muốn có một nền kinh tế thu nhập trung bình nhưng không muốn có một tầng lớp trung lưu

- Quảng Cáo -

FB Anh Pham|

Nhiều tiền chứ đừng “lắm mồm”?

Nói đến tầng lớp trung lưu mà chỉ dừng lại ở mức thu nhập trung bình (thu nhập cao, trung bình và thu nhập thấp) như những thống kê kinh tế thông thường là thiếu đi tính xã hội. Ảnh hưởng của tầng lớp trung lưu không thuần tuý là sự đóng góp chính yếu vào tăng trưởng kinh tế qua sức mua mạnh mẽ như thường thấy, mà là sự ảnh hưởng có tính quyết định đến tốc độ và qui mô lan tỏa tri thức, nâng tầm xã hội do tầng lớp này hội tụ nhiều cá nhân có trình độ cao đồng đều, tư duy độc lập, và có mức độ tự do cá nhân cao hơn hai giai cấp giàu và nghèo còn lại.

Không như người nghèo chờ đợi sự ban phát phúc lợi từ chính quyền và người giàu mong đợi sự “bảo kê” nào đó, tầng lớp trung lưu là tầng lớp ít bị lệ thuộc vào chính quyền nhất cả về tri thức lẫn kinh tế. Với những quốc gia độc tài trong giai đoạn “quá độ” có mức tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thân hữu, một tầng lớp trung lưu độc lập trong tư duy và kinh tế gia tăng nhanh chóng lại có thể là mối đe doạ với chế độ độc tài, là bởi: Khi tầng lớp trung lưu càng phát triển thì độ mở của xã hội càng lớn ra hình thành nên Xã hội mở (open society) – là nền móng của xã hội dân sự, xã hội dân chủ.

- Quảng Cáo -

Chủ doanh nghiệp nhỏ, các cá nhân tự doanh, và phần lớn các trí thức (kỹ sư, bác sĩ, khoa học gia…) đều thuộc tầng lớp trung lưu.

Như vậy, khi nền kinh tế phát triển đến một mức nào đó thì dân chủ hoá xã hội, tự do hoá thị trường vốn là hai trong số những điều kiện tiên quyết để một nền kinh tế có thể đạt mức thịnh vượng cao hơn.

Thực tế chỉ ra rằng, một quốc gia mà người dân có tư duy độc lập thấp là biểu hiện của một dân tộc yếu kém: một xã hội mà tầng lớp trung lưu chậm phát triển thì nền kinh tế đó nghèo nàn; một xã hội như thế không thể có cơ hội phát triển đến mức thịnh vượng cao; một chính thể mà chủ trương bóp nghẹt tầng lớp này phát triển là chính thể ưu tiên phục vụ cho chính nó. Đồng ý rằng, sự tập trung quyền lực chính trị kết hợp với mức độ tự do hoá thị trường có kiểm soát trong một giai đoạn nhất định có thể giúp nền kinh tế của những nước đi sau tăng trưởng nhanh và sớm thoát nghèo, nhưng lại không đảm bảo một sự phát triển bền vững để tiến lên nấc thang thịnh vượng cao hơn là bởi các động lực tăng trưởng dựa các yếu tố đầu vào kinh tế, xuất khẩu…đã hết phát huy, và động lực tăng trưởng mới phải dựa vào tri thức, vốn và tiêu dùng nội địa.

Khi đặt “chính trị trước hết” thì có lẽ với TQ thì kích cỡ GDP lớn quan trọng hơn mức gia tăng thu nhập trên đầu người. Bởi, nếu GDP trên đầu người đạt mức cao như các nước OECD, khi ấy các chính thể độc tài không còn kiểm soát được nhu cầu phát triển của người dân thoát khỏi kìm kẹp tinh thần. Với tốc độ phát triển công nghệ và thông tin như hiện nay và trong tương lai, chỉ cần mức GDP/đầu người trên 15.000 USD/năm là đã đủ để dân chủ hoá bất cứ chế độ độc tài hà khắc nào mà sự thịnh vượng của nền kinh tế không còn dựa vào lợi thế tài nguyên.

Nhưng một mức GDP trên đầu người vượt Mỹ với TQ là điều không thể xảy ra bởi trở lực của qui mô dân số và xu hướng già hoá nhân khẩu tăng nhanh. Hiện GDP/đầu người của Mỹ khoảng 60.000USD, TQ là 8.800USD. Để bằng Mỹ qui mô GDP của TQ phải đạt mức 78.000 tỉ USD, tức gấp hơn 6 lần mức GDP hiện tại là điều không tưởng.

3 tỷ tấn là số lượng than TQ đốt mỗi năm. Các nhà kinh tế học đã tính toán, dù có dùng hết than và dầu hoả của thế giới thì kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể đuổi kịp Mỹ (có dịp sẽ biên riêng về việc này ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào).

Tăng trưởng khác Thịnh vượng. Để có được Thịnh vượng đúng nghĩa cho một dân tộc thì không duy chỉ nhờ vào việc có kích cỡ GDP lớn hơn. Qui mô GDP lớn hơn cho phép một chính quyền có thể tập trung nguồn lực to lớn vào nâng cấp sức mạnh quân sự. Nhưng lịch sử dạy chúng ta rằng, trong chiến tranh lạnh của thế kỷ trước, những quốc gia như Liên Xô dựa quá nhiều vào yếu tố quân sự đều tan rã, trong khi những nước chịu lệnh cấm vũ trang như Đức (Tây Đức), Nhật lại là những quốc gia chiến thắng.

Và lịch sử cũng chỉ ra rằng, từ một cường quốc kinh tế hay công nghệ sẽ dễ dàng để quân sự hoá thành công hơn (Đức, Nhật Bản) là một cường quốc quân sự chuyển mình trở thành một cường quốc kinh tế như Liên Xô trong quá khứ và nước Nga hiện tại.

Đó là nghịch lý kinh tế – chính trị – xã hội đáng suy ngẫm…dù đã biết nhưng vẫn đang xảy ra.

TQ đã đi một đường tròn dài có toan tính sau gần 40 năm đổi mới: Từ làm giàu trước hết đến Chính trị trước tiên.

Ps: Nikkei dùng hình tượng nhỉ: chả hiểu là ám chỉ bụi quá che miệng hay sợ Corona, hay có những điều cả mẹ và bé cũng không được phép nói ra…(?)

Chiu-Ti Jansen

Nguồn: https://asia.nikkei.com/Opinion/China-wants-to-be-a-middle-income-country-without-a-middle-class

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here