Viên chức bị bỏ “biên chế suốt đời”

- Quảng Cáo -

Người viết: Anh Hoàng

Theo Luật cán bộ công chức và Luật viên chức số 52/2019/QH14 ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2019, điều 25 sửa đổi với 88,2% phiếu tán thành. Kể từ ngày 1/7/2020, các viên chức (bác sĩ, y tá, điều dưỡng, giáo viên, giảng viên tại các đơn vị công) sẽ không còn được chế độ biên chế. Trước kia các viên chức được vào biên chế đồng nghĩa sẽ được kí hợp đồng suốt đời, tình trạng biên chế với viên chức chỉ chấm dứt nếu viên chức đó bị đuổi việc nhưng điều đó rất khó xảy ra. Theo luật cán bộ công chức và viên chức 2019, chế độ “biên chế suốt đời” chỉ được áp dụng với ba trường hợp sau

– Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020.

– Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.

- Quảng Cáo -

– Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, để giảm thiểu ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của người lao động, luật mới cũng đã nâng thời gian kí hợp đồng trong luật mới, cụ thể nâng từ 12-60 tháng thay cho 12-36 tháng trong luật cũ. Ngoài ra, trong luật cũng quy định rõ và bổ sung kèm với quy định ký kết hợp đồng xác định thời hạn là nếu đơn vị sự nghiệp còn có nhu cầu và viên chức đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, hoàn thành nhiệm vụ, thì đơn vị bắt buộc phải tiếp tục ký kết hợp đồng với chính viên chức đó chứ không được phép ký kết để tuyển một người mới.

Từ lâu chính sách biên chế là rào cản trong quản trị nhân sự ở các đơn vị công. Trong đó, nhiều nhân viên thiếu năng lực vẫn tiếp tục công việc của mình, trong khi nhiều sinh viên ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp bởi các đơn vị công đã dư thừa nhân lực. Theo thống kê của PGS.TS Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô ước tính đến năm 2020, vẫn có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp, trong đó tiểu học là 41.000 người, trung học cơ sở là 12.200 người và trung học phổ thông là 16.900 người. Tương tự, những nhân viên có năng lực, nhiệt huyết đang làm việc tại đơn vị công sẽ thấy bị đối xử thiếu công bằng và thiếu động lực phấn đấu. Vì vậy chính sách này giúp loại bỏ những viên chức không đủ năng lực, tuyển chọn thêm những viên chức có năng lực vào làm việc và góp phần phân bố lại nguồn lực cán bộ một cách đồng đều giữa các vùng miền, khuyến khích viên chức đến các vùng cao, xa xôi hải đảo để phát triển.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 điều 4 luật cán bộ công chức và luật viên chức 2019, hiệu trưởng các trường công, giám đốc các bệnh viện công cũng sẽ không còn là công chức mà chỉ là viên chức chịu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, bổ nhiệm nhân sự tại các cơ sở đó.

580.000 người không còn là công chức từ 01/7/2020, trong đó có Hiệu trưởng (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên bên cạnh những điều tích cực từ luật công chức, viên chức sửa đổi sẽ có rất nhiều điểm cần bàn luận và cân nhắc. Trong đó, viên chức được kí hợp đồng mỗi lần tối đa là 5 năm, đây là thời gian khá dài so với các đơn vị tư hiện nay, trong luật có đề cập đến 4 hình thức xử phạt đối với viên chức vi phạm gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Hình thức cao nhất buộc thôi việc sẽ khó được thực hiện, khi việc đánh giá năng lực, trách nhiệm của các viên chức còn máy móc và thiếu tính khách quan. Điều 41 Luật Viên chức nêu rõ, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì nay đã được quy định rõ theo từng công việc, sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên điều này là rất khó khi mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng, nên sẽ áp dụng một tiêu chuẩn với nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nếu chỉ dựa vào kết quả đạt được để đánh giá sẽ không thể tránh khỏi sai lệch, tiêu cực. Ví dụ, nếu đánh giá năng lực giáo viên thông qua số học sinh trung bình, khá, giỏi ở lớp cô giáo phụ trách. Nhiều giáo viên có thể chạy theo thành tích nâng điểm cho các em học sinh, tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp sẽ còn tiếp diễn, học sinh được yêu cầu chỉ tập trung vào những môn học để thi thay vì học để hoàn thiện bản thân theo đúng nguyên tắc cơ bản của giáo dục “ Tiên học lễ, hậu học văn”. Thêm nữa, chỉ dựa vào một cá nhân là hiệu trường, giám đốc bệnh viện để đánh giá năng lực viên chức là thiếu khách quan và trung thực. Cụ thể, hiệu trưởng sẽ quyết định sự thành bại của ngôi trường, nếu hiệu trưởng không tốt, yếu kém, tham lam…thì trường đó xem như gặp “thảm họa”.

Hiện nay, nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 5 năm, thường là các hiệu trưởng yếu kém, trì trệ thì phải hết nhiệm kỳ mới có thể bãi nhiệm hoặc không bổ nhiệm lại nếu hiệu trưởng trên không bị kỷ luật đến mức cách chức thì rất khó để cho thôi nhiệm vụ hiệu trưởng đối với các hiệu trưởng trên.

Nên chăng chúng ta thực hiện dân chủ trong trường học cho các trường học được bỏ phiếu tín nhiệm mỗi năm một lần đối với hiệu trưởng, nếu hai năm liên tiếp mà hiệu trưởng được tín nhiệm trong hội đồng sư phạm dưới 50% thì nên cho hiệu trưởng từ chức hoặc có cơ chế bãi nhiệm để tìm người xứng đáng hơn.

Bên cạnh đó, công cụ đánh giá giáo viên hàng năm chưa hoàn thiện, chưa cụ thể, nên việc đánh giá giáo viên để không tiếp tục ký hợp đồng sẽ khó tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Điều này dẫn đến việc giáo viên, giảng viên được ký lại hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng do thương hay ghét hay vì lợi ích của hiệu trưởng.

Thêm nữa, với việc cán bộ, công chức vẫn được biên chế nếu chuyển sang làm viên chức sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các viên chức, sự cạnh tranh lành mạnh , đoàn kết trong tập thể sẽ khó tồn tại.

Sự trao nhiều quyền cho cấp lãnh đạo ở các cơ sở công là việc làm đúng đắn nhưng bản thân các lãnh đạo cũng phải không nằm khỏi sự đánh giá, khen thưởng hay xử phạt như các viên chức thông thường. Tương tự, dịch vụ công như trường học, bệnh viện không chỉ dựa vào các cấp lãnh đạo đánh giá năng lực nhân viên mà cần sự đánh giá chéo của các nhân viên trong cùng đơn vị. Thêm nữa, bản chất trường học là nơi bán dịch vụ giáo dục, bệnh viện là nơi bán dịch vụ y tế, do đó, sẽ tốt hơn để những người mua và dùng sản phẩm đó là các phụ huynh, học sinh, bệnh nhân đánh giá về những viên chức bán những dịch vụ đó. Điều này mới tạo ra sự dân chủ và cho ra kết quả khách quan đối với năng lực của các viên chức đó.

Muốn thay đổi, để đạt hiệu quả tốt sự dân chủ, công bằng và yếu tố khách quan là yếu tố đi đầu để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng tại các đơn vị công thúc đẩy dịch vụ công phát triển khi Luật trên có hiệu lực.

Nguồn tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Luat-can-bo-cong-chuc-va-luat-vien-chuc-sua-doi-2019-405729.aspx

http://aum.edu.vn/tin-tuc/sinh-vien-su-pham-ra-nghiep-hay-xem-lai-ban.html

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tu-17-hieu-truong-khong-con-la-cong-chuc-giao-vien-khong-con-bien-che-suot-doi-post205880.gd

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here