Cần bỏ Nghị Định 64/2008 khi trói tay cá nhân làm từ thiện!

Người dân xếp hàng để được tặng những thùng mì gói cứu trợ tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào ngày 16/10/2020. Ảnh: AFP
- Quảng Cáo -

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 21 tháng Mười, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên UB Tài chính Ngân sách cho rằng, việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung thì ai cũng ủng hộ, không ai phản đối, nhất là trong bối cảnh thiên tai bão lũ đang xảy ra. Theo ông Lê Thanh Vân, không nên máy móc chỉ có tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội mới có quyền huy động kêu gọi quyên góp tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà nên quy định cá nhân cũng có quyền.

Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội – lại cho rằng, việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi đóng góp, chia sẻ với người dân vùng lũ lụt là một hành động tốt, nhưng “một người điều hành 100 tỷ không thể bằng cả tổ chức được.”

Hiện nay ở Việt Nam đang có nhiều cá nhân hoặc từng nhóm đứng ra quyên góp hiện vật, hiện kim để giúp bà con vùng lũ. Hình ảnh cô ca sĩ Thủy Tiên xắn quần lội nước, đem tiền, hàng cứu trợ đến tận tay nạn nhân, cùng thông tin cô quyên góp được khoảng 105 tỷ đồng được báo chí chính thống loan tải liên tiếp những ngày qua.

Bên cạnh đó, nhiều người quan tâm đặt câu hỏi trên mạng xã hội rằng, liệu cô Thủy Tiên có vi phạm luật pháp Việt Nam khi làm từ thiện không thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam;… theo Nghị định 64/2008 hay không.

- Quảng Cáo -

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông:

“Thứ nhất nội dung Nghị định 64/2008 hoàn toàn không phù hợp với hoạt động từ thiện của xã hội. Hoạt động từ thiện không phải là trách nhiệm riêng của nhà nước mà nó là trách nhiệm của tất cả những ai đang quan tâm. Vì vậy, việc cứ ôm đồm việc này chỉ riêng cho cơ quan nhà nước sẽ làm mất đi hiệu quả từ công tác từ thiện do xã hội mang lại.

Và mặc dù nó là pháp luật, nhưng nội dung của nghị định này lại không phù hợp với văn bản luật cao hơn nó. Đó là Bộ luật Dân sự. Nếu áp dụng trường hợp cô Thủy Tiên thì chỉ cần áp dụng ở chỗ, đây là một sự ủy thác. Những người gửi tiền cho cô Thủy Tiên và cô này có một hợp đồng ủy thác, tức cô Thủy Tiên sẽ mang số tiền này để cho, tặng cho người mà cô ấy có toàn quyền quyết định.”

Nghị định 64/2008/NĐ-CP được cựu Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ ký ban hành vào ngày 14 tháng Năm, 2008. Đây là nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Điều 5 Nghị định này nêu rõ, các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương và một số tổ chức đơn vị ở trung ương.

Nghị định nhấn mạnh, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Nếu các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Luật sư Đặng Trọng Dũng chuyên về các vụ án luật lao động và từng công tác tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố HCM, nêu nhận định của ông:

“Tôi theo dõi rất kỹ tình hình luật pháp cũng như những vụ cứu trợ gần đây ở Việt Nam do cô Thủy Tiên và nhiều người khác làm thì tôi thấy Nghị định 64/2008 nó trái pháp luật. Nó trái pháp luật bởi nghị định này cấm người ta, ngăn cản người ta, gây khó dễ cho người ta trong việc tặng, cho tài sản, tiền bạc cho người khác. Nghị định này nằm dưới Bộ luật Dân sự, mà Bộ luật Dân sự đâu có cấm việc tặng, cho người khác tài sản.

Thật ra năm 2008 là năm mà nhà nước thấy rằng bà con trong và ngoài nước giúp đỡ cho người dân trong nước nhiều. Đáng nhẽ phải hoan nghênh, tạo điều kiện cho họ thì nhà nước lại ngăn chặn. Họ sai từ năm 2008 rồi nhưng theo tôi, khi nghị định này ban hành thì các liên đoàn luật sư hay các luật sư nên xem xét tính hợp pháp của nó, chứ không phải đương nhiên chấp nhận.”

Có nên bãi bỏ Nghị định 64/2008?

Theo các luật sư, Nghị định 64/2008 đã mâu thuẫn hoặc trái với những quy định trong Bộ luật dân sự. Mà theo cấp độ trật tự trong văn bản thì luật dân sự phải cao hơn những nghị định.

Đã có một số văn bản, nghị định không phù hợp với thực tế buộc phải sửa đổi hoặc bãi bỏ hàng loạt những quy định trong đó. Chẳng hạn như việc bãi bỏ hàng loạt quy định liên quan đến cán bộ công chức, hướng dẫn kỷ luật công chức đã nghỉ hưu vi phạm kỷ luật trong Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, hồi tháng Chín vừa qua là một ví dụ.

Theo ghi nhận của RFA, dường như người dân tỏ ra tin tưởng vào các cá nhân như cô Thủy Tiên hôm nay hay MC Phan Anh trước đây. Số tiền MC Phan Anh năm 2016 quyên góp được lên đến 24 tỷ đồng. Đó là con số kỷ lục đối với một cá nhân thời điểm đó. Con số Thủy Tiên quyên góp đến hôm nay cũng đang là con số kỷ lục của một cá nhân.

Tuy vậy, cách làm của các cá nhân này đang vướng Nghị định 64. Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu ý kiến của cá nhân ông:

“Cá nhân tôi thấy việc cô Thủy Tiên làm nó chứng minh một điều, rõ ràng những công tác hoạt động xã hội từ thiện thì ai cũng có thể làm. Từ tổ chức nhà nước, tổ chức chuyên nghiệp như Hồng Thập Tự cho đến cá nhân… Không nên hạn chế, vì càng nhiều người làm thì những người bị hoạn nạn càng có nhiều cơ hội được giúp đỡ.

Nó hợp pháp, nó không có gì sai cả. Hiệu lực của Nghị định 64 thấp hơn Bộ luật dân sự và nó đang trái luật. Vì thế, đây là văn bản cần được đề nghị bãi bỏ. Thứ nhất vì nó trái với Bộ luật dân sự; thứ hai là nó không phù hợp với nhu cầu của xã hội.”

Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng, việc bãi bỏ Nghị định 64 là điều cần thiết để mọi người giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư. Đừng để họ giúp nhau mà cứ sợ bóng sợ gió. Cái gì cũng phải căn cứ theo luật pháp. Ông nói tiếp:

“Tôi nghĩ chưa có sự việc nào xảy ra mà phải áp dụng đến Nghị định 64 này, chứ nếu có xảy ra thì nó sẽ là to chuyện. Lúc đó các luật sư sẽ kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét việc áp dụng nghị định đó có phù hợp với luật pháp và hiến pháp hay không. Lúc đó Hội đồng xét xử phải yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích luật. Rõ ràng nghị định này không phù hợp với Bô luật dân sự. Do đó, việc bỏ Nghị định 64 này rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.”

Theo vị luật sư này, nghị định ban hành với mục đích để người dân dồn việc quyên góp vào các cơ quan chính quyền. Mà các cơ quan chính quyền thì ít nhiều đã đánh mất niềm tin trong dân chúng.

#nghịđịnh642008

- Quảng Cáo -