Truyền thông xã hội tại Thái Lan: Phương tiện đấu tranh?

- Quảng Cáo -

Phạm Phú Khải|

Phong trào Giới trẻ Thái Lan hiện nay, đặc biệt trong một tuần qua, đã tạo áp lực đáng kể lên chính quyền Prayut Chan-o-cha, và gây được sự chú ý của giới truyền thông trên toàn thế giới.

Suốt ba tháng qua, phong trào Giới trẻ Tự do (Free Youth) kiên quyết yêu cầu chính quyền Prayut từ nhiệm, một hiến pháp mới, chấm dứt sách nhiễu bất đồng chính kiến và, kể từ đầu tháng 8, cải tổ nền quân chủ để giới hạn quyền lực vương quyền. Tuy thế, chính quyền Prayut vẫn không nhượng bộ. Free Youth quyết tâm không nhường bước. Họ đã vận động được hàng chục ngàn người tham gia cuộc biểu tình vào ngày 14 tháng 10, đánh dấu kỷ niệm 47 năm cuộc nổi dậy vào ngày 14 tháng 10 năm 1973, đưa đến sự sụp đổ của chế độ Thanom-Praphas-Narong, một chế độ không được lòng dân [1]. Free Youth diễn hành đến Tòa nhà Chính phủ và quyết không rời, trừ phi ông Prayut từ nhiệm [2].

Ngày hôm sau, 15 tháng 10, Thủ tướng Prayut ban hành Lệnh Khẩn cấp (Emergency Decree), và liền sau đó cảnh sát phân tán đám đông và bắt giam hơn 20 người đứng đầu phong trào giới trẻ, trong đó có luật sư nhân quyền Arnon Nampa và nhà hoạt động Parit “Penguin” Chiwarak [3]. Cho đến hôm nay, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế thì có đến 65 cá nhân liên quan đến các cuộc biểu tình trong năm qua đã bị chính quyền Thái gán tội hình sự [4].

- Quảng Cáo -

Nhưng điều này không làm cho giới trẻ Thái lo lắng hay chùn bước. Ngược lại, họ bất chấp lệnh khẩn cấp, và cho dù các lãnh đạo phong trào giới trẻ đều bị bắt, hàng chục đến hàng trăm ngàn người vẫn tự động xuống đường biểu tình. Họ không chỉ chống lại chính quyền Prayut, mà còn thách thức lệnh khẩn cấp và công khai chống lại vương quyền Maha Vajiralongkorn. Giới trẻ Thái đã nghiên cứu và học hỏi tinh thần đấu tranh vô lãnh đạo (leaderless) và linh động này từ phong trào đấu tranh tại Hồng Kông [5]. Xin mở ngoặc ở đây, là vào ngày 19 tháng 10, Joshua Wong và các nhà hoạt động tại Hồng Kông đã đến trước lãnh sự quán của Thái Lan để biểu dương sự ủng hộ cho cuộc đấu tranh của Thái Lan và lên án hành vi bạo động bắt bớ tại Thái [6].

Tình hình mỗi ngày là đều có có hàng chục ngàn người biểu tình trong những ngày qua, đã đưa Thái Lan đến một khủng hoảng chính trị mới. Hôm qua, 1.118 học giả trí thức Thái Lan đã ký vào thỉnh nguyện thư kêu gọi Thủ tướng Prayut từ chức [7]. Thỉnh nguyện thư lên án lệnh khẩn cấp ban hành, lên án sự gia tăng đàn áp và bắt bớ của chính quyền vào ngày 16 tháng 10, và yêu cầu chính quyền ngưng sử dụng Luật Hình sự Điện toán (Computer Crime Act) như là công cụ để loại trừ những người bất đồng chính kiến. Họ cũng yêu cầu chính phủ Prayut trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người đang bị bắt hiện nay [8]. Các đảng đối lập tại Thái, như Pheu Thai Party, hôm thứ Ba 20 tháng 10, yêu cầu Tòa Dân sự bãi bỏ lệnh khẩn cấp của chính quyền Prayut ngăn cấm tụ tập hơn 4 người, vì nó vi phạm nhân quyền [9].

Giới trẻ tự do Thái đã chứng tỏ sự quyết tâm và kiên trì cao độ trong ba tháng qua, nhất là suốt tuần qua. Họ đã đặt chính quyền Thái vào thế tiến thoái lưỡng nan. Đã ban hành thì phải thi hành. Tuy ban hành lệnh cấm, cảnh sát không thể nào thi hành luật này vì không thể bắt cả hàng chục ngàn người biểu tình không chỉ tại Bangkok mà còn trên nhiều nơi ngoài Bangkok và trên các tỉnh thành khác.

Để đối phó, chính phủ Prayut tìm đến biện pháp bịt miệng các cơ quan truyền thông nào đưa tin tức bất lợi cho chính quyền. Họ còn tìm cách cấm đoán Telegram, phương tiện mà giới đấu tranh của Thái, cũng như của Hồng Kông trước đây, sử dụng để liên lạc trao đổi thông tin với nhau.

Bốn cơ quan truyền thông mà chính quyền Prayut nhắm đến là Voice TV, Prachatai, The Reporters, The Standard. Trang Free Youth trên Facebook cũng bị “chiếu cố”. Lệnh này được ban hành vào ngày 16 tháng 10, mà mục tiêu là để điều tra nếu các cơ quan truyền thông này có vi phạm Lệnh Khẩn cấp không [10]. Voice TV là một phần thuộc sở hữu của gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Giám đốc Makin Petplai của Voice TV phủ nhận việc đưa thông tin về biểu tình đã gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia: “Trong 11 năm, Voice TV đã cam kết thực hiện nền dân chủ, mang lại không gian cho ý kiến của mọi người từ mọi phía với sự cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm với sự thật” [11].

Chính quyền dân chủ hay độc tài nào cũng quan ngại truyền thông. Tuy nhiên, các chính thể dân chủ chấp nhận truyền thông như là cột sống dân chủ, một thứ đệ tứ quyền, vì chỉ có truyền thông độc lập và tự do mới giúp cho người dân có đầy đủ thông tin để góp phần làm chủ đất nước, buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình. Ngược lại, các chính thể độc tài không chấp nhận các cơ quan truyền thông độc lập. Đối với truyền thông, họ luôn tìm mọi cách để trở thành công cụ của mình và phục vụ cho mình. Chính thể độc tài luôn gây mọi khó khăn, và luôn tìm cách dán nhãn hiệu “kẻ thù của nhân dân”, để loại trừ, và cấm đoán toàn diện, truyền thông tự do và độc lập, nếu có thể. Độc quyền sự thật là công cụ cho độc quyền chính trị.

Hiện nay vẫn chưa rõ các cơ quan truyền thông độc lập dùng ngôn ngữ Thái chiếm bao nhiêu phần trăm tổng thể truyền thông tại đây. Còn những cơ quan truyền thông độc lập dùng tiếng Anh thì họ rõ ràng đóng chức năng đưa thông tin đa chiều. Điển hình nhất là những cơ quan truyền thông: Bangkok Post; Nation Thailand; The Thaiger; Coconuts; Thailand News; Pattaya News; Prachatai; v.v… Ngoài ra còn có các thông tấn xã Reuters, AP, AFP. Vô số các cơ quan truyền thông khác như BBC, RFA, VOA, Economist, New York Times, Bloomberg, Al Jazeera, v.v… hoặc có phóng viên của mình, hay có nhân sự cộng tác từ các cơ quan truyền thông bạn. Những vấn đề thời sự quan trọng tại Thái Lan đều được đưa tin và bình luận nhanh chóng và đa chiều. Tuy Thái Lan chưa có dân chủ đích thực, và nền truyền thông ở đây cũng chưa hoàn toàn tự do, nhưng nếu so với cách chính quyền Việt Nam đối xử với người dân và truyền thông tại Việt Nam, thì Thái Lan vẫn cách xa một trời một vực.

Chính phủ Prayut không thể cấm đoán các phương tiện như Facebook, vì hơn 50 triệu người, tức 70 phần trăm dân số Thái, đang dùng phương tiện này [12]. Người Thái giao tiếp, mua bán, và theo dõi tin tức trên Facebook. Theo học giả David Streckfuss về chính trị Đông Nam Á, thì chính quyền Thái có thể đóng cửa truyền thông xã hội, nhưng cái giá phải trả sẽ rất cao. Trong khi đó, các nhà hoạt động dân chủ tin tưởng rằng, càng bị áp bức bắt bớ thì càng có nhiều người Thái tham gia xuống đường hơn. Giới trẻ biết khai dụng phương tiện truyền thông xã hội cho mọi hoạt động đấu tranh của mình, và nay họ đã chứng minh cho chính phủ Prayut biết rằng, không có lãnh đạo thì họ vẫn đấu tranh, vì ai cũng là lãnh đạo cả.

Hai phong trào đấu tranh Hồng Kông và Thái Lan đã thật sự truyền cảm hứng cho khát vọng dân chủ đến tất cả những nơi còn chìm đắm trong độc tài. Mong rằng phong trào đấu tranh tại Việt Nam, nhất là các bạn trẻ hôm nay, nghiên cứu học hỏi để một ngày nào đó cũng đứng lên làm chủ tương lai của mình và vận mạng của đất nước. Nếu mong muốn sống trong tự do, dân chủ và nhân phẩm thì không ai có thể làm việc này thay cho họ cả.

Tài liu tham kho:

  1. To Understand Thailand’s Latest Pro-Democracy Movement, Go Back to 1976”, Voice of America/VOA, 6 October 2020.
  2. Thousands of Protesters Demand Thailand PM’s Resignation”, VOA, 14 October 2020.
  3. Thailand Under State of Emergency After Massive Anti-Government Protests”, VOA, 15 October 2020.
  4. Press Release, “Thailand: Media outlet’s shutdown a scare tactic amid growing protests”, Amnesty International, 20 October 2020.
  5. Thailand protests: how Hong Kong and the Hunger Games inspired revolution of Thais”, South China Morning Post/SCMP, 25 July 2020.
  6. Phila Siu, “Hong Kong’s Joshua Wong leads calls for global support for Thai pro-democracy protests”, South China Morning Post/SCMP, 19 October 2020; “Hong Kong activists rally in support of Thai protesters”, The Bangkok Post, 19 October 2020.
  7. Over 1,000 academics sign petition calling on Prayut to resign”, The Nation, 20 October 2020.
  8. Govt told ‘to stop the use of violence’”, The Bangkok Post, 21 October 2020.
  9. Court asked to revoke state of emergency”, The Bangkok Post, 19 October 2020.
  10. Four online media outlets threatened with suspension over protest coverage” Prachathai, 20 October 2020.
  11. Agence France-Presse, “Thailand protests: court orders news outlet to close as PM accuses it of ‘inciting unrest’”, The Guardian, 21 October 2020; “Thai court orders Voice TV to shut down all online operations”, Coconuts Bangkok, 20 October 2020.
  12. Randy Thanthong-Knight, “How Thai Protesters Are Using Emoticons to Stay Ahead of Police”, Bloomberg News, 21 October 2020.

#giớitrẻTháiLan #sứcmạnhtruyềnthông

- Quảng Cáo -