Phiếm đàm đầu năm Trâu

- Quảng Cáo -

Nguyễn Chánh (VNTB)|

Nhiều người nói vui năm con trâu nên sẽ “cày” như trâu thay cho một năm con chuột te tua. Nhưng mà muốn “cày” thì cũng phải có việc để “cày”…

Một, chuyện bông – trái

Người miền Nam ngoài thờ ông bà còn có tục rất lạ là cúng các loại trái, bông hàm chứa, hàm ẩn, hàm tiếu giấc mơ đời sống. Cúng thì mâm quả, Cầu, Dừa, Đủ, Xài những loại trái hái trong vườn.

- Quảng Cáo -

Bản vật của trái sẽ tàn lụi trong ba ngày xuân, nhưng bản vị của chữ, Cầu, Dừa, Đủ, Xài thì bất biến trong giấc mơ sinh tồn. Bông Vạn Thọ cũng vậy. Vạn là tiền muôn bạc Vạn. Thọ là sống lâu trăm tuổi. Vạn Thọ là cả đời giàu có.

Hai, không tin thì nói cho tin

Sống một nơi mấy đời mới được coi nơi đó là quê hương? Thời số hóa chắc thứ gì cũng quy thành số. Nội cái chuyện tính tuổi đã là phiền. Còn cả kiêng kỵ hỏi tuổi nhau nhất là khi mặt trời xế bóng.

Tôi hay bị hỏi tuổi lúc lấy xe ra khỏi bãi hay ở ngoài chợ. Kiểu, chú năm nay nhiêu rồi? Tôi hay gặng lại, mày thấy tao nhiêu? Năm chục. Cho mày nói lại đó. Thường là tụi nhỏ đoán sai, tôi lại khoái.

Sau vài kinh nghiệm khoái chí vì bị đoán sai, tôi nảy ra sáng kiến định tuổi theo ý muốn. Vì sinh ra đã bị động rồi nên phải lấy lại chủ động bằng cách chọn tuổi theo ý muốn. Ai hỏi tôi cũng tỉnh bơ, 47. Hình như đa số đều tin.

Không tin thì nói cho tin. Còn tin thì nói cho chừa. Nói kiểu ông Thiệu dễ mất chế độ lắm đó. Mấy đồng chí ém nhẹm tuổi phục vụ nhân dân thêm nhiệm kỳ, đừng bắt chước tôi nghe. Hãy nhìn gương ông Thiệu đó. Mất chế độ như chơi.

Ba, chuột Sài Gòn khác chuột Bạc Liêu

Trở lại quê hương. Ba chục năm ở Sài Gòn vậy mà gặp thằng đẻ Sài Gòn, nó nói tôi ở dưới quê lên. Coi có tức không. Bố nó và bố tôi đều Bắc Kỳ Rốn. Nó giọng Nam tôi cũng giọng Nam, vậy mà nó chưa chịu bình đẳng. Đúng là thằng dốt nhân văn.

Có lần tôi chơi lại nó. Mày biết chuột Sài Gòn khác chuột Bạc Liêu sao không? Không để nó hé răng. Tôi ném luôn. Chuột Sài Gòn ở dưới cống, ăn đồ cặn. Chuột Bạc Liêu ở trong hang, ăn lúa đồng. Từ đó tới giờ chưa gặp lại nó. Lúc đó tôi khoái chí lắm nhưng hình như hai chuyện không ăn nhập nhau mấy. Kệ cha nó.

Nói vậy để thấy, quê hương không có ngọt ngào như người ta hay tưởng đâu. Giỡn hoài. Đâu cũng là quê hương. Hổng dám đâu. Là nói đại cho qua chuyện. Nhưng đụng độ, con người ta trở nên chi li ngay. Tính sổ văn hóa liền.

Bốn, mông lung hai chữ quê hương

Bây giờ tôi định vĩnh viễn ở Đất Đỏ. Có vô thắp nhang cho bà Võ Thị Sáu rồi, nhưng người Đất Đỏ ba đời ở đó đâu coi tôi như họ. Tôi vẫn là thằng trôi sông lạc chợ tới đây. Lại mông lung hai chữ quê hương. Nhất là chữ Tha Hương. Vào mùa xuân thêm chữ xuân cho thành, Xuân Tha Hương.

Sao là Tha Hương? Tôi làm biếng tra từ nguyên. Suy chơi. Tha là như thể con mèo tha con chuột. Tha Hương là tha con chuột quê hương theo bên mình. Hoặc là, Tha Hương là bị quê hương của kẻ lạ, xóa quê hương của mình. Tha kiểu này tức tha hóa. Cả hai nghĩa đều là tình trạng mủi lòng. Cho nên càng mủi lòng càng hăm hở la làng, toàn cầu hóa, toàn cầu hóa. Hãy đổi Xuân Tha Hương thành Xuân Toàn Cầu Hóa. Cho cả thế giới tụi mày mủi lòng một thể với tao chơi.

Năm, dân chủ ư, mơ đi bưởi

Trong thời chiến tranh lạnh, ngay cả Việt Nam Cộng Hòa, ông Thiệu cũng phải thực hành người cày có ruộng và bầu cử dân chủ. Người ứng cử dán hình ngoài đường như một hình thức vận động tranh cử. Nhưng khi Mỹ rút quân thì chỉ còn lại Rừng Núi Dang Tay. Cả Nhật, Hàn, Thái đều có Mỹ bảo trợ dân chủ mới không bị quân đội tiếm quyền.

Gần đây Thái cũng đâu còn dân chủ. Thử tưởng, Hàn, Nhật không có mấy chục ngàn quân Mỹ đồn trú, dân chủ chắc cũng đi ngủ từ sớm. Để thấy Miến Điện khó như thế nào. Sau khi được quân đội bảo kê, Aung San Suu Kyi mới trở thành điểm tựa của dân chủ. Nhưng khi quân đội thay đổi chiến thuật thì dân chủ bị thu hồi ngay.

Thử hình dung những nước đang phát triển dính liền với Trung Cộng, có nước nào dân chủ nổi đâu. Tàu đã bỏ ra khoảng 200 tỷ đô be bờ cho những nước Đông Nam Á làm sao mà nhúc nhích khỏi quỷ đạo của nó.

Sân sau của Trung Cộng làm dân quèn còn chưa xong ở đó mà mong làm dân chủ. Chỉ khi nào Tàu dân chủ may ra sân sau của nó sẽ lũ khũ theo sau. Còn bây giờ dựa vào Mỹ tìm dân chủ chả khác nào Thúy Kiều dựa Thúc Sinh để thoát lầu xanh. Tình thế Aung San hiện tại rất giống thân phận Thúy Kiều trong cậy vào Thúc Sinh…

Sáu, tào lao xịt bụp vui chút ở Tết con trâu thôi mà

Tôi chưa cà phê sáng. Hơi hấp tấp. Thấy cô bán bánh tét nhỏ và dài. Tôi hỏi bánh ở đâu về đây? Miền Tây chú ơi. Long An hay Gò Công? Long An.

Tôi mua một đòn. Vừa ăn một khúc. Nhưng không ngon và bỏ mứa. Thua xa bánh má tôi gói ở Bạc Liêu hồi nhỏ. Nếp chín dẻo còn nguyên hột. Nhưn đậu thịt mỡ vàng ươm tương phản với thân bánh màu xanh mạ non. Tuyệt đối không có vị ngọt ở thân và nhưn.

Khoanh bánh Long An bán chồm hổm chợ hẻm Vũng Tàu vướng vị ngọt ở thân. Mặc dù vẫn cảm kích người bán và người gói ba ngày Tết nhưng vẫn không thể ăn hết khoanh bánh. Cho xong bữa trưa 29 tết đành ăn tiếp nửa củ khoai luộc hôm qua.

Không hiểu sao lúc chuyển từ bánh tét sang khoai lang tôi lại nhớ ông Hồ.

Trong cái thời hớn hở toàn cầu, bỗng dưng ông Hồ trở nên thời thượng khi nhìn dòng người di tản như nước lũ từ Nam Mỹ vô Huê Kỳ. Nếu một mai ai viết lịch sử di dân Việt thời thực dân và sau thực dân, nhất là thời mà chủ nghĩa toàn cầu đang như nước vỡ bờ, ông Hồ không những là cha già của đảng CS Việt Nam mà còn là cha đẻ của lịch sử di dân.

Khi nào còn di dân, ông Hồ còn là tổ sư di dân. Chắc không một di dân nào lừng lẫy năm châu như ông. Nếu nhìn theo cách Nguyễn Công Trứ, làm người là phải có danh gì với núi sông, thì ông Hồ vang danh khắp thế giới. Nếu hỏi một người sinh ra vào thập niên 60 thế kỷ trước, từ Châu Phi sang Châu Âu, 10 người chắc hết 9 người biết tên ông.

Rồi tôi lại ước, phải chi ông di dân rồi đi luôn không trở về với cái áo gấm là chủ nghĩa CS, đỡ cho quê hương biết mấy.

Tào lao xịt bụp vui chút ở Tết con trâu thôi mà…/.

- Quảng Cáo -