Giáo xứ An Hòa khiếu nại vì đất của giáo xứ trước 1975 bị phân lô bán nền

Hình ảnh khu đất đang tranh chấp ngay bên cạnh nhà thờ giáo xứ An Hòa. Khu đất được rao bán trên mạng Internet với giá 40 triệu đồng trên một mét vuông. Ảnh: Batdongsan.com.vn.
- Quảng Cáo -

Thái Thanh

Giáo xứ An Hòa khiếu nại chính quyền TP. Đà Nẵng vì cho phép phân lô bán nền khu đất giáo xứ giao cho chính quyền sau năm 1975

Vào tháng 11/2021, giáo xứ An Hòa tiếp tục gửi đơn yêu cầu UBND phường An Khê và UBND quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng tạm dừng thi công trên khu đất tại số 223 đường Trường Chinh, ngay bên cạnh nhà thờ của giáo xứ. [1]

Theo giáo xứ, khu đất này thuộc quyền sở hữu của họ trước năm 1975. Sau năm 1975, giáo xứ đồng ý cho nhà nước trưng dụng với mục đích làm nơi sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, và tạo điều kiện cho một số giáo dân làm nông nghiệp.

- Quảng Cáo -

Ngày 20/5/2019, UBND phường An Khê đã mời đại diện giáo xứ An Hòa đến tham gia buổi lấy ý kiến về việc quy hoạch khu đất thành một khu dân cư. [2] Trong buổi họp này, đại diện giáo xứ không đồng ý với việc chuyển đổi mục đích của khu đất và khẳng định khu đất này vẫn thuộc quyền sở hữu của giáo xứ.

Ngày 13/6/2019, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã phản hồi giáo xứ An Hòa về yêu cầu hoàn trả khu đất cho giáo xứ. [3] Sở cho biết khu đất đã được UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một đơn vị khác vào năm 2007. Năm 2010, khu đất này được bán đấu giá cho một công ty. Năm 2017, khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất, kinh doanh sang đất thương mại dịch vụ sau khi được dùng làm vốn góp với một công ty bất động sản khác. Do đó, sở cho rằng yêu cầu hoàn trả khu đất của giáo xứ là không có cơ sở.

Phản hồi thông tin trên của Sở Tài Nguyên và Môi trường, giáo xứ An Hòa trong đơn khiếu nại ngày 19/6/2019 cho biết họ không được thông báo khi UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một đơn vị khác vào năm 2007. Giáo xứ tiếp tục yêu cầu chính quyền trả lại khu đất này cho giáo xứ. [4]

Vào ngày 29/3/2021, theo giáo xứ, một đơn vị tư nhân đã tiến hành thi công trên khu đất này. Giáo xứ đã làm đơn khiếu nại chính quyền yêu cầu tạm dừng thi công. Vào ngày 9/11/2021, giáo xứ phát hiện công trình vẫn tiếp tục được thi công trong khi tranh chấp chưa được giải quyết thấu đáo. [5]

Hiện nay, khu đất này đang được phân lô bán nền như đất thổ cư với giá 40 triệu đồng một mét vuông với tên gọi là Khu dân cư 223 Trường Chinh hay Athena Royal City. [6]

Sau năm 1975, Tổng giáo phận Sài Gòn và Giáo phận Huế đã quyết định cho nhà nước sử dụng các cơ sở của giáo hội cho việc giáo dục. Ở một số nơi khác, các giáo xứ có những thỏa thuận khác với chính quyền địa phương về việc cho mượn đất đai.

Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Theo đó, các cơ quan nhà nước tiếp tục sử dụng nhà đất của các cơ sở tôn giáo, nhưng phải đúng mục đích và hiệu quả, nếu không thì có thể giao cho cơ quan khác hoặc trả lại các tổ chức tôn giáo. [7]

Tuy nhiên, chính quyền ở một số địa phương nhiều năm qua đã âm thầm trao quyền sử dụng đất đã được giao, mượn của các giáo xứ cho một bên thứ ba mà không thông báo cho giáo xứ hay Giáo hội Công giáo./.

Nguồn: Luật Khoa

- Quảng Cáo -