Chúng ta đang sống thế nào?

This image has been resized with Reshade. To find out more visit reshade.com
- Quảng Cáo -

Mai Quốc Ấn

Chỉ trong ít ngày mà tôi tiếp hơn 10 bệnh nhân ung thư. Tư vấn qua điện thoại còn nhiều hơn.

Chung một câu hỏi: Không gian sống của anh/chị có nhiều bụi không? Câu trả lời gần như giống nhau tuyệt đối: Rất nhiều!

Tôi từng đưa tin về cháy kho hoá chất Sakatainx Nhà Bè năm 2014. Khi về, phổi có những tổn thương nhất định và máu mũi chảy ra. Khi ấy rất thương anh em PCCC Tp.HCM và ông Lê Tấn Bửu (Giám đốc PCCC Tp.HCM khi ấy) trực tiếp chữa cháy. Lâu rồi không gặp nên không biết nhóm anh em căng mình chữa cháy khi ấy giờ ra sao.

- Quảng Cáo -

Cháy thủy ngân nhiệt sinh nhà máy bóng đèn Rạng Đông, cháy nhà máy hoá chất Đức Giang, cháy nhà máy hoá chất tại kho chi nhánh Công ty TNHH An Minh Thức với tôi đều là những thảm họa môi trường theo đúng nghĩa đen. Những người hít phải thứ không khí có mùi hoá chất cháy sẽ “có điều gì đó” về sau khi nhiễm độc tố hoá chất nhiệt sinh là tất yếu. Song chẳng có một nghiên cứu nào về hậu các biến cố kiểu này cả…

Nhưng tệ hơn là thứ khó nhìn thấy hơn một vụ cháy hoá chất. Việc phơi nhiễm các độc tố mang hình hài bụi mịn PM2.5 đã và sẽ còn là vấn nạn của quốc gia này. Các loại bệnh hô hấp, biến dị thai nhi, thai chết lưu, trẻ tự kỷ, ung thư… vì nhiễm độc bụi mịn đã được khoa học chứng minh.

Ai dẫu nghèo đến mấy cũng hoàn toàn có thể đánh giá được mức độ ô nhiễm mới mình sống với chỉ một tờ giấy trắng.

Những lãnh đạo quốc gia sao không thử đến những khu trọ, khu dân cư quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để hỏi dân sống ra sao? Nếu bận quá có thể gặp trực tiếp những bệnh nhân ung thư (những người đã gặp tôi) để chia sẻ, để họ nói về “những ngày không thở được”.

Và những lãnh đạo quốc gia có biết khi sản xuất ra loại khẩu trang mà tôi gọi là dân sự hoá một sản phẩm dành cho binh chủng hoá học của lực lượng vũ trang (hình ảnh) song không có máy đo để xác định. Thật cay đắng! Từ khi có tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về khẩu trang y tế năm 1970 mà đến 2021 gửi mẫu đi test khẩu trang phòng nhiễm độc hoá chất thì đơn vị kiểm định của Bộ Y tế trả lời không có máy test cho loại này (!)

Đưa ra tiêu chuẩn quốc gia suốt 51 năm mà không có máy test. Để doanh nghiệp làm thật, làm được phải bơ vơ giữa một rừng đồ dỏm và để quốc gia bị phụ thuộc nhập khẩu. Giờ muốn réo tên ông Nguyễn Thanh Long để hỏi với vai trò Bộ trưởng đã làm gì ngoài thứ trách nhiệm tệ hại như vụ Việt Á cũng chả được. Giờ muốn tìm gặp người có trách nhiệm như ông Nguyễn Trường Sơn mà đơn xin từ chức thứ trưởng của ông ấy là nỗi buồn của người biết nghề y.

Và viết những trăn trở ra rồi bị hỏi “động cơ của mày là gì”. Và mang khẩu trang đi tặng các nạn nhân ảnh hưởng cháy hoá chất để nghe câu nói với dân rằng “đừng nhận, coi chừng của phản động”.

Hỏi cũng chụp mũ. Tìm giải pháp và xắn tay làm cũng chụp mũ.

Rồi không biết mình sống trên nước mình ra sao mới phải?

M.Q.A.

Nguồn: Fb Quốc Ấn Mai

- Quảng Cáo -