Đã bảo đừng nghe lời tụi nó!…

- Quảng Cáo -

Ông Tư Sài Gòn

Sau sự việc Tân Hoàng Minh lừa dối khách hàng khi phát hành trái phiếu, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng.

Trước đó, qua hệ thống ngân hàng như SCB, nhiều người hăm hở mua cổ phiếu Vạn Thịnh Phát vì tỷ lệ trả tiền lời cao hơn hẳn so với ngân hàng.

Theo thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông, thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát – giai đoạn 2018-2019 phát hành 3 lô trái phiếu trị giá khoảng 25.000 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, dự kiến đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024.

- Quảng Cáo -

Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) là một trong những đơn vị tư vấn phát hành có vai trò đại lý đăng ký lưu ký, đại lý thanh toán, đại diện người chủ sở hữu trái phiếu. TVSI cho biết đang làm việc với các tổ chức phát hành, lên phương án đảm bảo thanh toán lãi và gốc cho nhà đầu tư trước ngày hoặc tại ngày đến hạn của lô trái phiếu.

Vào Tháng Mười, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, ông đã làm việc với các nhà phát hành trái phiếu và họ cam kết trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm khi được ông Phớc hứa chắc nịt như thế. Tuy nhiên, hồi đó một số nhà phân tích tài chính cho rằng ông Phớc không có quyền gì có thể bắt buộc các nhà phát hành trái phiếu cam kết trả nợ đúng hạn cả. Việc trả nợ đúng hạn là điều đương nhiên, còn nếu họ không thể trả nợ vì một lý do nào đó, nhà đầu tư có thể thưa họ ra tòa để đòi lại tiền.

Việc ông Phớc thay nhà đầu tư cam kết “trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư” có vẻ như “lợi dụng sự cả tin” hoặc cũng có thể nói ông Phớc “lợi dụng quyền hạn để tuyên bố những điều vô trách nhiệm”.

Thế nhưng lời “cam kết” của ông Phớc vẫn không làm người dân yên tâm khi họ “lỡ” tin lời đường mật của các ngân hàng mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát, hay An Đông.

Những tin tức xấu được đưa ra dồn dập khiến các nhà đầu tư bắt đầu rung sợ. Nhiều người biểu tình trước trụ sở Ủy ban chứng khoán nhà nước Việt Nam và một số chi nhánh ngân hàng vì họ lo sợ bị mất các khoản tiền đầu tư vào trái phiếu của một số doanh nghiệp.

Đến lúc này thì ông Phớc trở mặt khi cho Bộ Tài chính ra thông báo nói rằng nhà đầu tư cần phải tự đánh giá mức độ rủi ro và tự chịu trách nhiệm về quyết định của họ trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Lúc này cơ quan của ông Phớc mới giải thích rõ ràng rằng trái phiếu doanh nghiệp không phải là loại hình tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và có độ rủi ro cao hơn sản phẩm này. Phần chênh lệch lãi suất cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ý ông Phớc nói trắng ra là “quý vị ngu thì chịu một mình, chứ trách ai!”

Thực ra, điều đó là đúng. Ở các nước tư bản, ai mua trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp cũng biết điều này, và nó được giải thích rõ ràng ngay từ đầu. Ở Việt Nam thì không.

Các doanh nghiệp muốn bán được trái phiếu phải nhờ các ngân hàng “bảo lãnh” bán giùm. Ngân hàng quảng bá trái phiếu đó khiến người dân trái phiếu đó của ngân hàng nên yên tâm mua. Giờ mới vỡ lẽ, ngân hàng chỉ là trung gian ăn tiền “cò”.

Một người chia sẻ trên mạng câu chuyện của mình như thế này:

“Khi tôi hỏi mua trái phiếu chắc ăn không, cô nhân viên ngân hàng nói họ uy tín lắm bác, lại lời hơn ngân hàng nhiều. Động lòng tham tôi hỏi tới, cô nhân viên mới bày tôi cách kiếm tiền: “Bây giờ bác thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 5 tỷ đồng, trả tiền lời 7%/năm. Bác dùng tiền đó mua trái phiếu với tiền lãi 15%, thế thì ngồi không mỗi năm bác cũng kiếm được hơn 8% rồi”.

“Tôi tính một năm lời 400 triệu đồng, tính ra mỗi tháng có hơn 30 triệu đồng, còn hơn đi làm. Thế là tôi nghe lời cô ấy, dấu vợ mang sổ đỏ ra ngân hàng cầm rồi mua trái phiếu. Bây giờ chúng nó vỡ nợ, nhà nước đang điều tra chẳng biết trái phiếu đó còn giá trị không nữa, nhưng tiền lãi ngân hàng vẫn phải đóng. Vợ tôi thể nào cũng biết, chắc lúc đó ra đường ở!”

Điều an ủi của nạn nhân này là không chỉ mình ông bị ra đường ở, mà sẽ có nhiều người nữa theo chân ông./.

- Quảng Cáo -