Lạm phát, khó khăn, nhiều người chuẩn bị cho một cái Tết ảm đạm

- Quảng Cáo -

Nguyễn Lại

“Ảm đạm lắm, ảm đạm lắm. Bây giờ đã bao nhiêu công ty vỡ rồi. Công nhân về nhà quê hết cả. Bao nhiêu công ty vỡ, bao nhiêu chủ công ty nước ngoài họ liên doanh với bên này chảy nước mắt chia tay rồi đấy. Chứng khoán cũng vỡ nhé. Rồi tiền thì chôn vùi vào bất động sản xong rồi nâng giá lên, toàn vào tay bọn chủ lớn cả. Rồi bây giờ hàng loạt lại bị bắt đấy. Bao nhiêu là chuyện.” Đó là lời tâm sự của chị N.H.T một nhà văn, nhà báo tự do sinh sống tại Hà Nội chia sẻ với VOA về tình hình đời sống kinh tế – xã hội trong khi Tết Nguyên đán cận kề. Chị cho biết một số bạn bè chị đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản đang đứng trước nguy cơ mất sạch số tiền dành dụm nhiều năm mà không biết kêu ai. Theo chị, với tình hình chung hiện tại thì cái Tết tới đây sẽ là một cái Tết buồn và ảm đạm dù mọi người giờ không còn bị hạn chế ra đường như thời đại dịch Covid nữa.

Nhà báo này cho biết doanh nghiệp khó khăn kéo theo nhiều hệ luỵ. Điển hình là nguồn thu từ quảng cáo của tòa báo mà chị thường xuyên cộng tác cũng eo hẹp và điều đó khiến cho cuộc sống của những người chuyên sống bằng nghề viết như chị cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn trước dịp Tết nguyên đán sắp tới.

“Trước đây bọn mình in một truyện ngắn người ta trả cho những người như mình là 1,5 triệu, những người khác thì họ trả 1,2 triệu. Thế mà giờ đây họ cắt xuống còn có 800 nghìn đồng,” chị T than thở và cho biết thu nhập giảm gần một nửa trong thời điểm lạm phát cao càng khiến chị cảm thấy mệt mỏi và chẳng buồn nghĩ tới Tết nữa. Chị bảo giờ chỉ biết cắm đầu vào viết, càng nhiều càng tốt, với hy vọng có thêm chút thu nhập để hai mẹ con có được một cái Tết dù là eo hẹp.

- Quảng Cáo -

Bà Trần Thanh Thư, một giáo viên sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết gia đình bà đã chuẩn bị sẵn tâm lý Tết này chỉ dọn dẹp lại nhà cửa cho sạch sẽ, trang trí một chút gọi là cho có không khí năm mới. Còn những khoản chi tiêu cho ăn uống, mừng tuổi, gặp gỡ bạn bè, người thân sẽ phải thắt chặt lại để làm sao có một cái Tết tiết kiệm, vừa đủ.

“Sau Covid thì mọi gia đình đều khó khăn hơn. Tôi thì tôi không biết ngoài xã hội như thế nào nhưng trong gia đình mình và những người xung quanh mình thì người ta cũng khó khăn hơn. Ngày xưa còn rầm rộ ăn uống, nhưng bây giờ thì bỏ rồi. Ngày xưa cứ 30 Tết là còn hay tụ tập chứ giờ có tụ tập gì nữa đâu,” bà nói.

Theo bà Thư, phần lớn mọi gia đình bình dân như bà đều ý thức rất rõ về những khó khăn kinh tế hiện đang phải đối mặt khi việc làm không nhiều, tiền không kiếm ra mà lạm phát lại phi mã. Con gái bà làm viên chức một cơ quan nhà nước lương hàng tháng cũng chưa được chục triệu. Với tình hình lạm phát hiện tại, bà nói, may là con còn sống chung và dựa vào bà chứ không thì thu nhập đấy chẳng đủ ăn tiêu chứ nói gì đến chuyện mua sắm Tết.

“Đắt dã man luôn. So với trước thì cái gì cũng phải tăng gấp đôi thậm chí là gấp ba,” chị Nguyễn Thu Hương, con gái bà Thư, cho biết thêm và nói Tết này chị sẽ ở nhà nghỉ ngơi chứ không hẹn hò bạn bè hay đi chơi đâu xa nữa.

Tình hình kinh tế ảm đạm tất nhiên không chỉ ảnh hưởng tới những người lao động bình dân mà ngay cả những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang tính tới một cái Tết tiết kiệm nhất có thể, như chia sẻ của anh Đỗ Thành Trung, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở quận Hoàn Kiếm.

“Mọi cái đều đắt gấp đôi hay gấp rưỡi ngày trước, từ mắm muối cho tới tương cà… Việt Nam thì cứ kêu là lạm phát có 3-4% trong khi tăng trưởng là 8-9% mà thật sự thì không biết thế nào đây,” anh Trung hoài nghi.

Anh chia sẻ thêm rằng dù cuối năm nhu cầu đối với mặt hàng mà doanh nghiệp anh sản xuất bắt đầu tăng lên một chút, nhưng anh cũng chẳng thể tăng cường sản xuất vì không dám vay tiền ngân hàng khi lãi suất cho doanh nghiệp vay hiện đã ở mức từ 10-14%. Ở mức lãi suất này, theo anh, ‘dù làm có bao nhiêu đi nữa cũng chỉ đủ trả lãi ngân hàng là cùng’.

Một chủ doanh nghiệp khác tên Nguyễn Thanh Phương cho VOA biết dù gần Tết nhưng anh cũng đang phải thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ việc bớt bởi chi phí đầu vào tăng cao. Những tháng cuối năm, anh nói, nhu cầu trên thị trường có nhích lên một chút nhưng anh không dại gì đặt cược vào bài toán vay ngân hàng.

“Vay làm gì khi lãi suất khủng như thế. Đúng là cắt cổ ấy chứ,” anh Phương than vãn.

Theo Tổng cục Thống kê, giá nguyên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu để sản xuất.

Việc nhập khẩu nguyên liệu giá cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát kinh tế.

Dù báo cáo của chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XVI, dự kiến cả năm nay Việt Nam sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bao gồm tăng trưởng GDP khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5% trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn hơn so với khi xây dựng kế hoạch, nhưng việc kìm giữ lạm phát dưới 4% theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra đang gặp rất nhiều áp lực./.

- Quảng Cáo -