Tại sao có “núi cao vực sâu” trong giáo dục?

- Quảng Cáo -

Nguyễn Đình Cống

Ngày 20 tháng 11, báo Dân Trí đăng bài: Vượt qua “núi cao, vực sâu” trong giáo dục, của Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch BCH Hội Nhà Văn.

Sau khi trình bày một số kỷ niệm đẹp, không thể nào quên thời học sinh, ông Thiều trích một đoạn trong lời phát biểu khi về dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường THPT Mỹ Đức B, Hà Nội: “Trong mọi nền giáo dục, có một thứ không thể thay đổi, không được phép thay đổi. Vì nếu điều ấy thay đổi thì nền giáo dục sẽ bị phá sản. Đó là tình yêu thương của thầy cô dành cho học trò, là lòng tôn kính của học trò dành cho thầy cô, là những hạt giống của giấc mơ đẹp mà thầy cô bền bỉ gieo vào tâm hồn học trò của mình. Và những học trò mang giấc mơ ấy lớn lên và hành động cho giấc mơ ấy vì con người“.

Rồi ông trích dẫn lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn , phát biểu nhân ngày 20 tháng 11: “Chúng ta không hướng người học chỉ tập trung vào kiến thức sách vở mà đồng thời phải dạy cho học trò có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội… Đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của tất cả chúng ta. Nhưng hành trình này là núi cao, vực sâu, đầy gian nan, vất vả, không có con đường nhung lụa“.

- Quảng Cáo -

Phải chăng ông Thiều tự bịt mắt, bưng tai để không nhìn, không nghe, không biết thực trạng của nền giáo dục nước CHXHCNVN, đã và đang bị phá sản nghiêm trọng. Những điều tốt đẹp ông dẫn ra chỉ còn trong ký ức, trong mơ ước, còn trong thực tế hiện nay, những điều như vậy thật sự quá quý hiếm. Cái thứ không thể thay đổi, không được phép thay đổi (theo ý ông Thiều) đã bị lật đổ lộn nhào.

Rồi núi cao, vực sâu trong giáo dục, hành trình của giáo dục đầy gian nan vất vả. Đây là lời ngụy biện thô bỉ. Con đường giáo dục vốn rộng mở thênh thang, không có núi, không có vực nào cả. Thử hỏi xem trên thế giới có bao nhiêu nước gặp phải khổ nạn về giáo dục (kể cả ở Bắc và Nam Việt Nam trước đây). Núi cao, vực sâu là do con người, vì độc đoán và ngu dốt tạo nên, một phần do vô tình, phần khác là cố ý.

Hỏi và trả lời cho rõ ràng: Ai đã tạo ra núi cao vực sâu trong giáo dục? Ai làm phá sản nền giáo dục? Phải chăng là các thầy cô giáo, là học sinh và cha mẹ học sinh. Không phải, tất cả họ đều là nạn nhân. Thủ phạm chính là những người lãnh đạo cao cấp của đất nước, của những người đề ra đường lối giáo dục phục vụ chính trị. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục, vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.

Thực trạng thê thảm của giáo dục đã được nhiều tác giả phản ảnh, phân tích, tôi thấy không cần bổ sung. Nhân bài báo và lời phát biểu của hai nhân vật có danh vị, nên tôi viết đôi lời để rộng đường dư luận./.

- Quảng Cáo -