Tại sao nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần, dù nhận ít tiền hơn?

- Quảng Cáo -

Lê Thiệt

Theo ghi nhận từ báo VNExpress, ngay từ giữa đêm ngày 7 Tháng Mười Hai, trước trụ sở Bảo hiểm Xã hội huyện Hóc Môn, đã có khoảng hàng chục người xếp hàng chờ đợi. Có người đến từ 2h sáng, cũng có người xếp hàng từ tối hôm trước, vì cơ sở chỉ nhận số lượng hồ sơ rất hạn chế trong một ngày.

Theo quy định, sau một năm nghỉ việc, người lao động không tìm được việc làm mới, không phát sinh đóng bảo hiểm xã hội sẽ đủ điều kiện làm thủ tục nhận trợ cấp một lần. Người lao động sẽ nhận tiền qua tài khoản sau 7 ngày hoàn thành hồ sơ. Tuy nhiên, để nộp được hồ sơ là cả môt vấn đề. Nó bào mòn sức khỏe và tâm trí của người lao động ghế gớm lắm.

Trong những người vật vã trước cổng Bảo hiểm Xã hội Hóc Môn đêm hôm đó, nhiều người mệt mỏi vì chờ đợi, một số người mang áo mưa trải dưới đất nằm ngủ. Để tránh tình trạng chen lấn khi tới giờ lấy số thứ tự vào làm hồ sơ, người dân tự thoả thuận viết vị trí xếp hàng vào mảnh giấy.

- Quảng Cáo -

Anh Võ Trường Sơn mang theo chai nước, bánh ngọt, sạc phone dự phòng ngồi trước cổng trụ sở Bảo hiểm Xã hội từ 23h hôm trước. Anh Sơn làm công nhân từ năm 2015, do dịch phải nghỉ việc, mất nguồn thu nhập nên rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống, mua sắm cho Tết sắp tới. Đây là lần thứ tư anh đến đây xếp hàng, anh nói ba lần trước đến đây lúc 3-5h đều hết số nên lần này anh phải đi thật sớm để làm hồ sơ.

Chị Hương, 36 tuổi, ngồi ăn lát bánh mì lót dạ trong lúc chờ. Chị cho biết một năm trước mất việc. Qua nơi làm mới chưa kịp đóng lại bảo hiểm, chị phải nghỉ tiếp vì công ty thiếu đơn hàng. Chị nói: “Bây giờ ít nơi nào nhận công nhân qua 35 tuổi nên tôi tính rút bảo hiểm một lần về quê buôn bán nhỏ”.

Trước trụ sở Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức lúc 5h cùng ngày, gần 200 người ngồi chờ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần.

Chị Võ Thị Hoàng Linh mang cơm cho mẹ ngồi xếp hàng giúp mình. Chị Linh là giáo viên dạy học được 13 năm, nghỉ việc nên đi rút bảo hiểm xã hội một lần. Không dám chạy xe một mình giữa khuya, chị rủ mẹ đi cùng, xếp hàng từ 2h chờ làm thủ tục.

Anh Lê Văn Thanh, 39 tuổi, ở TP Thủ Đức, cho biết xếp hàng chờ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội lúc 3h. Anh Thanh từng làm công nhân cho công ty làm thang máy. Năm qua công ty đóng cửa, anh không có việc làm nên đi rút bảo hiểm xã hội một lần để lấy tiền xoay sở. Cả năm mất việc, giờ anh chấp nhận rút tiền một lần để lo cho con cái ăn học.

Hiện, Bảo hiểm xã hội TP HCM chưa công bố số liệu gần nhất về người nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên đơn vị này ghi nhận một số địa phương ngoại thành như quận 12, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức, thường xuyên quá tải do lượng lớn lao động ở các tỉnh đến làm thủ tục.

Tiền bảo hiểm xã hội là tiền của chính người lao động đóng mỗi tháng, trừ trên bảng lương và doanh nghiệp đóng cho họ theo luật định. Chỉ riêng khoảng tiền bảo hiểm xã hội này, mỗi tháng người lao động làm việc phải đóng mất 31% lương vào nó (Doanh nghiệp tuyển dụng đóng 20,5% và người lao động đóng 10,5% trên bảng lương).

Vậy, đây là tiền của người lao động đóng vào, dù bây giờ nhận lại họ cũng chỉ nhận được một phần mà thôi. Hiện mức nhận khoảng 1,5 tháng lương/năm làm việc. Thực chất họ nhận được chẳng bao nhiêu so với số tiền đã đóng vào vài chục năm đi làm. Thế nhưng, cách hành xử của nhân viên Bảo hiểm Xã hội đối với họ y như “ban ơn” hay “bố thí”, khiến nhiều người phải khóc vì tủi nhục.

Có người uất ức gào lên giữa đám đông: “Sao lại gây khó khăn và làm khổ dân thế này? Tiền của tôi đóng mỗi tháng thì họ lấy dễ dàng, giờ lấy lại một phần mà họ hành xác tôi thế này sao?”

Trước câu hỏi “sao không chờ đến tuổi về hưu rồi lấy tiền đó “dưỡng già”, có người nói “không chờ nổi để già nữa!” rồi kể một câu chuyện như một bài học rút tiền sớm:

“Từ ngày tăng tuổi hưởng lương hưu cũng khiến mọi người không còn mặn mà chờ hưởng lương hưu nữa. Chỗ tôi có ông chú hàng xóm, vừa đủ tuổi lương hưu năm kia, năm nay đã về với ông bà, hưởng chả được bao nhiêu so với bao nhiêu năm đóng BHXH, nên tôi rút trước cho chắc ăn!”

- Quảng Cáo -