Vụ án Tịnh thất Bồng Lai: Công an ‘truy tìm’ ba luật sư bào chữa, gán tội ‘lợi dụng’…

- Quảng Cáo -

Lê Thiệt (SGN)

Ba luật sư bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai “bỗng dưng” thành tội phạm, khi bị Công an tỉnh Long An ra quyết định “truy tìm” (?!)

Theo tin từ báo Dân Trí, sáng 12 Tháng Sáu, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cho biết, đơn vị này vừa quyết định truy tìm ba luật sư Nguyễn Văn Miếng (57 tuổi), Đào Kim Lân (56 tuổi), Đặng Đình Mạnh (55 tuổi, cùng ở Sài Gòn). Ba người này tham gia bào chữa cho ông Lê Tùng Vân và năm bị cáo khác trong vụ án xảy ra ở Tịnh thất Bồng Lai.

Lý do “truy tìm” của Công an Long An rất đơn giản: Họ “triệu tập” tới ba lần mà các luật sư không chịu “lộ diện” nên họ ra quyết định “truy tìm”.

- Quảng Cáo -

“May là công an chưa ra quyết định ‘truy bắt’. Đừng có ‘giỡn mặt tử thần’!”, một người viết thế khi tin này được phổ biến trên mạng xã hội.

Trả lời phóng viên báo Dân Trí, luật sư Lân nói rằng ông vẫn sinh hoạt bình thường tại nhà riêng. Ngay khi có “giấy triệu tập” như triệu tập tội phạm của công an Long An, ông Lân đã có văn bản trả lời gởi lãnh đạo công an và VKSND tỉnh Long An, nêu rõ quan điểm của ông về vụ việc này. Không rõ quan điểm của ông như thế nào, mà ông chắc cũng không rõ quan điểm của “nhà nước Long An” như thế nào nên vào đầu Tháng Sáu, luật sư Lân phải làm đơn trình bày và kêu cứu đến các cơ quan Trung ương về sự “lộng quyền của nhà nước Long An”.

Ông Lân nói ông là người công khai tố cáo các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, và được các cơ quan trung ương tiếp nhận, chuyển về Long An nhưng đến nay chưa có câu trả lời. Thế nên, trong trường hợp cần “triệu tập” ông để làm rõ các vấn đề tố cáo, luật sư Lân cho rằng chỉ có Bộ Công an, hoặc Công an TP.HCM mới là các nơi có thẩm quyền, chứ Công an Long An không có quyền gì “triệu tập” ông cả.

Về phía Công an tỉnh Long An, họ dựa vào thông báo của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), để “triệu tập” các luật sư ba lần để giải quyết tin báo về tội phạm nhưng cả ba đều vắng mặt, không thông báo lý do.

Theo Công an Long An, ba luật sư “bị tình nghi có hành vi phát tán trên không gian mạng qua các đoạn clip, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật Hình sự”.

Chỉ cần dựa vào dấu hiệu lợi dụng mơ hồ, điều 331 của Bộ luật Hình sự luôn được phía công an, VKSND sử dụng như cái thòng lọng để “treo cổ” những người bất đồng chính kiến với nhà nước.

Chưa rõ ba luật sư này chống lại “những chiếc nón cối” của Công an Long An như thế nào?

 

- Quảng Cáo -