Thử thách nền dân chủ Israel

- Quảng Cáo -

Ngô Nhân Dụng

Từ khi lập quốc, Israel đã chọn làm quốc gia không đề cao một tôn giáo nào. Nhưng trong vòng một thế hệ qua các phái bảo thủ muốn đề cao Do Thái Giáo ngày càng mạnh. Cuộc tranh chấp đang diễn ra tại Israel là biểu hiện của cuộc đương đầu giữa hai quan niệm đối nghịch này.

Ba quốc gia nhỏ được nhiều người ngưỡng mộ. Thụy Sĩ tập hợp mấy sắc dân, sống hòa bình, nghệ thuật làm đồng hồ và hệ thống ngân hàng dẫn đầu thế giới. Singapore kinh tế phồn thịnh, dân kỷ luật, sạch sẽ, trọng chữ Tín, như một Thụy Sĩ ở châu Á. Và Israel bé hạt tiêu, 9 triệu dân; từ khi lập quốc, gần 3 phần tư thế kỷ, đã phải đương cự với mấy trăm triệu người Á Rập và các giáo sĩ Iran; luôn luôn sống trong tình trạng chiến tranh nhưng vẫn duy trì chế độ tự do dân chủ.

Hiện nay, nền Dân Chủ của Israel đang bị thử thách. Từ đầu năm nay, dân đi biểu tình mỗi ngày hàng chục ngàn người, phản đối Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang làm suy yếu nền tảng của chế độ dân chủ.

- Quảng Cáo -

Ông Netanyahu, thủ lãnh đảng Likud, phải liên hiệp với các đảng khác trong quốc hội (Knesset) mới đủ phiếu lập chính phủ. Ông đã hứa hẹn với mấy đảng cực hữu, nhất là đảng Do Thái Giáo Chính thống Cực đoan (ultra-Orthodox), muốn giảm bớt quyền hạn của ngành tư pháp. Các nhóm này bất mãn vì Tối cao Pháp viện đã ngăn cản những chính sách quá khích, đề cao chủng tộc và tôn giáo Do Thái mà họ chủ trương.

Tòa án Tối cao đã cấm không cho sáp nhập vào lãnh thổ Israel một số vùng đất của người Á Rập Palestine, bị chiếm đóng sau khi quân Israel thắng trận năm 1967. Tòa không cho phép dân Israel được tự do chiếm đất của người Palestine để lập trại định cư; cũng như không cho dân Israel chiếm đất của dân Á Rập trong thành phố Jerusalem, thánh địa của Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo.

Chính phủ liên hiệp của ông Netanyahu đã soạn các dự thảo luật nhắm vào hai điều: Một dự luật cho quốc hội có thể xóa bỏ các quyết định của Tối cao Pháp viện, chỉ cần trên 50% số phiếu. Một dự luật khác, dành cho quốc hội quyền tối hậu khi bổ nhiệm các thẩm phán. Những dự luật này sẽ thay đổi cán cân quyền lực giữa Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.

Ai cũng biết rằng chế độ Dân Chủ dựa trên quy tắc“Tam quyền phân lập,”ba ngành độc lập, có địa vị ngang nhau, và kiểm soát lẫn nhau. Nếu dự án của chính phủ Netanyahu được thực hiện, Lập pháp và Hành pháp có thể lấn quyền ngành Tư pháp. Trong thể chế Đại nghị, các đảng chiếm đa số trong quốc hội lập chính phủ, họ nắm quyền Lập pháp và cũng chiếm quyền Hành pháp; hai ngành không còn phân biệt nữa. Chỉ còn ngành Tư pháp để đóng vai cân bằng quyền lực. Nếu quốc hội có quyền xóa bỏ các phán quyết của Tối cao Pháp viện, thì cả ba quyền căn bản được thu vào một mối.

Đó là lý do hàng trăm ngàn dân Israel đã lần lượt đi biểu tình phản đối chính phủ Netanyahu.

Theo hiến pháp Mỹ, các quyền hành đều bị kiểm soát và giới hạn. Hai viện quốc hội hoạt động độc lập đối với nhau và cả hai độc lập với hành pháp. Các Thẩm phán Liên bang và Tối cao Pháp viện do Chính phủ đề cử và phải được Thượng viện chuẩn y. Thay đổi hiến pháp Mỹ rất khó, cần được 2 phần 3 đại biểu mỗi viện đồng ý, sau đó lại cần 3 phần tư các tiểu bang chấp nhận.

Từ khi ra đời, Israel không lập hiến pháp; thay thế bằng một đạo Luật Căn Bản. Chỉ cần đa số quá bán, quốc hội cũng có thể thay đổi Luật Căn Bản. Vì thế, quốc hội là nơi tập trung mọi quyền hành. Quốc hội có thể sử dụng quyền hành theo các quy tắc dân chủ, thí dụ đa số thắng thiểu số. Nhưng trong bất cứ chế độ tự do dân chủ nào, cũng có những giới hạn không cho phép phe đa số được vượt qua. Thí dụ, không ai được vi phạm nhân quyền, quyền sống xứng đáng làm người. Vì thế, sau khi có bản hiến pháp, nước Mỹ đã viết thêm Tu chính án số 1, nêu rõ các quyền tự do mà quốc hội không được xóa bỏ. Nước Canada, sau khi chuyển về nước bản hiến pháp do quốc hội Anh soạn, đã phải làm thêm một đạo luật bảo vệ Nhân quyền.

Tối cao Pháp viện Israel đã tự cho mình đóng vai bảo vệ quyền tự do của các sắc dân thiểu số, thí dụ như người Palestine gốc Á Rập, chiếm một phần 5 dân số, các người gốc Do Thái từ các nước Châu Phi xin về tị nạn, hoặc những người không phải công dân Israel.

Khi ông Netanyahu đưa ra các dự luật hạn chế quyền hạn của ngành Tư pháp và Tối cao Pháp viện, nhiều người lo rằng sẽ không còn định chế nào đóng vai kiểm soát và hạn chế quyền hành của quốc hội và chính phủ nữa. Luật sư đoàn Israel phản đối. Các bác sĩ đình công tượng trưng trong một ngày. Các nghiệp đoàn dọa sẽ đình công. Giới kinh doanh dọa sẽ đi đầu tư chỗ khác. Đồng shekel, tiền Israel, đã mất giá 10% so với đô la Mỹ. Lực lượng chống đối đáng kể nhất là các quân nhân trừ bị.

Quân đội Israel hùng mạnh, chiến đấu giỏi nhất vùng Trung Đông, có 169,000 quân đội chính quy và 465,000 binh sĩ trừ bị. Quân trừ bị được gọi vào tập luyện mỗi năm một lần, từ một ngày đến cả tháng. Tất cả các thanh niên đều nhập ngũ, trừ những người thuộc Do Thái Giáo Chính thống Cực đoan (ultra-Orthodox) được miễn dịch hoàn toàn. Nhiều binh sĩ trừ bị đã gửi thư cho cấp chỉ huy, báo trước rằng họ sẽ không trình diện khi được gọi.

Trước ngày quốc hội biểu quyết dự luật của chính phủ Netanyahu, nhiều cựu sĩ quan và chỉ huy các cơ quan an ninh, cựu giám đốc Mossad, cơ quan tình báo, và Shin Bet, an ninh quốc nội, đã lên tiếng ủng hộ các quân nhân trừ bị phản kháng. Họ viết thư cảnh cáo ông thủ tướng rằng nền móng đoàn kết trong xã hội sẽ hao mòn, giảm bớt sức mạnh của quân đội.

Trước những cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ, ông Netanyahu đã bầy mưu đối phó: Ngày Thứ Hai vừa qua, ông cho quốc hội, Knesset, biểu quyết một đạo luật giản dị và nhẹ nhàng, chỉ xóa bỏ một phần quyền can thiệp của ngành tư pháp: Tối cao Pháp viện sẽ không có quyền bác bỏ một chính sách của chính phủ chỉ vì lý do chính sách đó “không phải chăng” (unreasonable trong tiếng Anh). Đạo luật được thông qua với tỷ số 64 phiếu thuận, không phiếu chống, vì tất cả 56 đại biểu đối lập phản kháng bỏ phòng họp ra ngoài.

Nhưng thế nào là “không phải chăng?” Không ai có thể quyết đoán. Phe chính phủ nói rằng với ba chữ đó, Tối cao Pháp viện có thể lạm dụng quyền hành, bác bỏ các quyết định của những đại biểu do dân chúng bầu lên. Phe đối lập vạch ra rằng xưa nay Tòa Tối Cao chỉ áp dụng tiêu chuẩn “không phải chăng” trong một số trường hợp hãn hữu, như khi chính phủ quyết định những điều quá đáng, hoặc tuyển mộ phe đảng và sa thải các công chức bất đồng ý kiến. Nếu xóa bỏ tiêu chuẩn đó, các đảng cầm quyền có thể dễ tham nhũng, lộng quyền. Hiện nay, một người đang bị ông thủ tướng nhắm cách chức là bà bộ trưởng Tư pháp, bà đã cử các thẩm phán điều tra và xét xử ông Netanyahu về các hành vi “tham nhũng” trong thời gian làm thủ tướng trước đây. Ông là người nắm giữ chức vụ này nhiều lần, thời gian tổng cộng dài hơn tất cả các vị thủ tướng trong lịch sử Israel.

Phe đối lập cũng nêu lên các hành động lạm dụng quyền hành khác của chính phủ Netanyahu. Một thí dụ là trợ cấp quá nhiều cho các trường học theo phái Do Thái Giáo Chính thống. Những trường này chỉ chú trọng việc dạy Kinh Thánh, không lo đến những môn học cơ bản như Khoa học, Toán học, ngoại ngữ. Một thí dụ khác là ông Itamar Ben-Gvir, chính trị gia thuộc một đảng cực hữu quá khích được trao quyền chỉ huy lực lượng cảnh sát, ông đã đàn áp nhiều người Palestine, bênh vực những người Do Thái quá khích chiếm đất xây nhà.

Những hành động lạm quyền này chỉ có thể bị ngăn chặn nếu ngành tư pháp nước Israel còn giữ được vị thế độc lập. Khi vai trò của tòa án bị quốc hội khuynh loát, chính phủ Netanyahu có thể thi hành nhiều chính sách khác theo các đảng cực hữu và các giáo phái thủ cựu. Họ sẽ mở rộng các khu định cư của người gốc Do Thái trên vùng đất chiếm của người Á Rập. Người Do Thái Giáo sẽ được ưu tiên, nhiều nhóm thiểu số sẽ bị bỏ rơi. Các luật lệ về hôn nhân, li dị, bình đẳng nam nữ, giới tính, sẽ thay đổi theo quan điểm tôn giáo.

Từ khi lập quốc, Israel đã chọn làm một quốc gia không đề cao một tôn giáo nào. Nhưng trong vòng một thế hệ vừa qua các phái bảo thủ muốn đề cao Do Thái Giáo ngày càng mạnh. Cuộc tranh chấp đang diễn ra tại Israel, trong quốc hội và trên đường phố, là biểu hiện của cuộc đương đầu giữa hai quan niệm đối nghịch này.

Những cuộc nghiên cứu dư luận gần đây cho thấy nếu tổ chức bầu cử bây giờ, đảng Likud sẽ thua, từ 32 xuống 28 ghế; liên minh của chính phủ trong Knesset sẽ giảm từ 64 xuống 53 hoặc 54 ghế, trong tổng số 120 đại biểu.

Trong cuộc bầu cử sắp tới, dân Israel sẽ quyết định còn giữ bản chất quốc gia như khi mới thành lập hay không./.

- Quảng Cáo -