Giá điện ‘cõng’ lỗ của EVN: Lỗi định hướng sao bắt dân chịu?

- Quảng Cáo -

RFA

Dự thảo mới do Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp được truyền thông Nhà nước đăng tải hôm giữa tuần cho thấy, giá bán lẻ điện được tính thêm các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Định hướng sai, tức sẽ lỗ

Theo Bộ Công Thương, năm 2022 EVN thua lỗ 26.000 tỷ đồng, do đó việc đề nghị tăng giá bán lẻ điện nhằm để bù vào khoản lỗ được EVN đưa ra là do giá than, khí và các chi phí đầu vào tăng.

“Cái lỗi của thượng tầng, tức là lỗi của người định hướng, là định hướng sai, nhưng nhân dân phải chịu. Nhân dân phải chịu đựng cái không đáng phải chịu đựng, thì cái đó không hợp lý.”

- Quảng Cáo -

Đó là nhận xét của Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 1/9/2023 về việc Bộ Công Thương đề xuất giá điện ‘cõng’ các khoản lỗ của EVN.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm giải thích vì sao ông lại nhận định như vậy:

“Không hợp lý ở chỗ Bộ Công thương và EVN trước đây định nghĩa nhiệt điện than giá rẻ. Cho nên người ta đưa vào để phát điện với tỷ lệ cao nhất, cụ thể năm vừa qua sản lượng nhiệt điện than chiếm gần 50%. Do người ta không ngờ, người ta tính không hết là nhiên liệu cho nhiệt điện tăng cao. Xưa nay là luôn luôn định nghĩa nhiệt điện than giá thấp hơn các nguồn điện khác, nên mới đưa vào sử dụng nhiều, nhưng hiện nay phần lớn nhiên liệu cho nhiệt điện là nhập giá tăng lên, nên nhiệt điện than không còn rẻ nữa, nên bị lỗ.”

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nếu đưa vào phần lỗ của nhiệt điện than, mà sau này cứ như vậy mãi cho những năm sau, với tỷ lệ nhiệt điện than chiếm cao, thì giá sẽ rất cao và nhân dân phải chịu đựng… Ông Lâm cho rằng điều đó là không hợp lý. Ông Lâm nói tiếp:

“Đúng ra là điện nào giá thấp thì mới đưa vào nhiều. Nếu như nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ cao như thế, trong khi còn những cái khác có khả năng đưa vào tốt hơn, ví dụ so sánh với thủy điện hoặc là năng lượng tái tạo, trong hoàn cảnh giá hợp lý hơn, thì không nên sử dụng nhiệt điện than.”

Thống kê về sản lượng điện được tải lên lưới điện của toàn hệ thống năm 2022 của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam công bố vào tháng 1 năm 2023 cho thấy: Nhiệt điện than chiếm 39,09%; Nhiệt điện khí đốt 11,01%; Nhiệt điện dầu 0,02%; Thuỷ điện chiếm 35,41%; Nhập khẩu điện 1,26%; Điện gió 3,30%; Điện mặt trời 9,51%; Sinh khối 0,14% và nguồn khác là 0,26%.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho rằng phải tính toán kỹ về đề xuất giá điện ‘cõng’ các khoản lỗ của EVN. Bởi lẽ, chuyên gia năng lượng này nói tiếp, nếu chỉ tức thời trong một thời điểm, thì sau này không được áp dụng nữa. Tức là, theo ông Lâm, không được áp dụng tỷ lệ sử dụng điện than đó nữa. Trong khi hiện tỷ lệ điện than chiếm rất cao, 40% – 50% của tổng sản lượng điện và đó là bất hợp lý. Ông Lâm phân tích:

“Nếu chỉ căn cứ theo những điều trong quy định trước đó mà làm, nhưng những quy định ấy được định hướng đã không đúng, mà nhân dân phải chịu đựng, thì định hướng đó phải thay đổi. Không nên áp dụng tỷ lệ điện than nhiều như thế nữa.”

Bắt dân “gánh” lỗ: phi lý

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – khi trả lời báo Nhà nước hôm 1/9/2023 cho rằng, khoản lỗ 26.000 tỷ đồng trong năm 2022 do tác động của giá than, giá khí và các chi phí đầu vào trong khâu sản xuất điện tăng cao là đúng… Nhưng cần làm rõ vai trò của EVN trong đánh giá, dự báo về xu hướng giá, hoạt động quản lý, đàm phán mua điện của các nhà cung cấp để góp phần giảm lỗ…

Ngoài ra, nhiều chuyên gia phân tích đề xuất dân ‘cõng’ giá điện có khoản lỗ của EVN cho rằng, cần tăng tính minh bạch và giám sát thị trường trong việc đưa ra cơ chế xác định giá phù hợp với sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới.

Song song đó, nhiều người dân thông qua mạng xã hội cũng đã bày tỏ sự bức xúc của mình về đề xuất tăng giá điện của Bộ Công thương. Ông Thiệu, hiện sinh sống ở Sài Gòn cho RFA biết ý kiến hôm 1/9/2023:

“Báo chí Nhà nước khi đăng tin đó thì tôi có lướt trên mạng xã hội thấy dư luận rất bức xúc, vì nó hết sức nghịch lý, riêng cá nhân tôi là người sử dụng điện cũng thấy rất nghịch lý. Tại sao Việt Nam đầu tư các nơi lời thì họ ăn chia với nhau, còn lỗ thì bắt dân chịu, rất là phi lý. Nhưng bây giờ họ có áp giá điện như thế nào thì người dân cũng phải chịu, chứ không có cách gì khác, chẳng lẽ bây giờ không xài điện nữa, đâu có được, đó là nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống hiện nay. EVN là doanh nghiệp độc quyền Nhà nước, rất được ưu tiên, họ được ban phát nhiều đặc ân, cho nên họ áp đặt cái gì thì cuối cùng người dân cũng phải chịu, mặc dù rất bức xúc.”

Trước đó vào ngày 23/8/2023, khi góp ý Dự thảo mới về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN đã đồng ý phương án Bộ Công Thương đưa ra, đó là giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh ba tháng/lần thay vì sáu tháng, theo biến động đầu vào của tất cả các khâu như: phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ… Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu từ sáu tháng xuống ba tháng một lần theo Bộ Công Thương và EVN là để ‘phản ánh kịp thời biến động đầu vào’.

Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính, trả lời RFA khi đó cho rằng dự thảo mới này không khả thi.

Còn Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy hôm 1/9/2023 cho rằng, trong chế độ độc đảng như hiện nay, khi các tiếng nói trái chiều đều bị dập tắt, thì việc một công ty quốc doanh độc quyền nắm giữ một mặt hàng chủ lực và tuỳ nghi định giá là một điều dễ hiểu. Ông Vũ nói thêm:

“Để tối ưu hoá quyền lợi của người dân và tài nguyên của đất nước, Việt Nam có thể học theo cách làm của châu Âu đó là cho phép các nhà cung cấp điện được quyền đấu giá để cung cấp điện theo những cung giờ nhất định. Doanh nghiệp cung cấp điện nào hoạt động hiệu quả sẽ tồn tại và phát triển. Điều này vừa giúp người dân có cơ hội tiêu thụ điện với giá tối thiểu, vừa giúp chính quyền khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả lớn mạnh.”

- Quảng Cáo -