Vén bức màn hậu trường chính trị Việt Nam (bài 1)

- Quảng Cáo -

Nguyễn Công Bằng

Vì sao Võ Văn Thưởng bị hạ bệ

Chính trường Việt Nam đang “nóng, nóng như cái lò” khi vừa qua, ông Võ Văn Thưởng đã bị “buộc” phải xin thôi chức Chủ tịch nước.

Mặc dù chưa phải là Chủ tịch nước có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử của nước Việt Nam cộng sản, nhưng việc Võ Văn Thưởng mới chỉ tại vị được 1 năm 21 ngày đã bị truất phế, sự kiện này đã gây rúng động cho những người quan sát không chỉ ở Việt Nam mà còn trên tầm vóc thế giới.

- Quảng Cáo -

Trước Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc cũng bị buộc phải rời ghế Chủ tịch nước sau 1 năm 288 ngày trên cương vị này. Thậm chí, trước lúc “ra đi”, Phúc còn cay đắng tuyên bố rằng “gia đình tôi và tôi không có liên quan đến Việt Á”. Ngay sau đó, lời biện minh này đã bị xoá trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc xoá bỏ dấu vết này là tác phẩm của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Vậy tại sao Võ Văn Thưởng lại bị hạ bệ? Tại sao hai Chủ tịch nước nối tiếp nhau “ngã ngựa giữa dòng” như vậy? Đây chắc sẽ là những câu hỏi mà giới quan sát chính trị trên thế giới sẽ rất quan tâm.

Nói cho cùng, việc cả hai Chủ tịch nước đã phải dứt áo ra đi cho dù mới chỉ ngồi ghế chưa nóng đít đã cho thấy sự khốc liệt trong cuộc đua tranh chính trị cho đại hội đảng lần thứ 14, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 1/2026.

Một Giáo sư người Pháp bình luận trên RFI nhận xét cuộc đấu đá này liên quan tới sức khoẻ của Tổng bí thư Trọng, ông ta cho rằng: “Nếu tình trạng sức khỏe của tổng bí thư Đảng không suy yếu như hiện nay thì chuyện lẽ ra phải xảy ra trong năm 2025 thì lại đến sớm hơn, ngay từ bây giờ. Cuộc chiến kế thừa sẽ không chờ đến tháng 01/2026 vào kỳ Đại hội Đảng sắp tới.”[1]

Vị Giáo sư này chắc chưa hiểu sâu về tình hình chính trị cũng như văn hoá chính trị ở Việt Nam.

Mặc dù đại hội đảng 14 sẽ bắt đầu vào tháng 1 năm 2026, thế nhưng thời gian để quyết định ai sẽ nắm ghế nào, đặc biệt là “tứ trụ” thì sẽ bắt đầu từ rất sớm. Việc ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải “ra đi trong cay đắng” từ đầu năm 2023 đã chứng minh cho điều đó. Theo truyền thống chính trị Việt Nam, năm 2024 này sẽ là năm quyết định ai sẽ giành được chiếc ghế Tổng bí thư cùng “tam trụ”. Năm 2025 sẽ là sắp xếp các nhân sự còn lại, còn năm 2026 là thời điểm các nhân sự nắm vị trí quan trọng sẽ tuyên thệ nhậm chức mà thôi.

Mặc dù vậy, vị Giáo sư người Pháp đã đúng khi nhận định rằng “quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng đã bị suy yếu”. Hẳn nhiều người còn nhớ trước Tết Âm lịch toàn bộ xã hội Việt Nam xôn xao khi ông Trọng vắng bóng quá lâu. Với một người ở tuổi 80, lại đã từng bị tai biến một lần, nhiều người đã suy đoán rằng, có lẽ ông Trọng khó mà sống lâu được. Hơn ai hết, ông Trọng biết rất rõ về sức khoẻ của mình. Chả thế mà hôm đón tiếp Tập Cận Bình sang Hà Nội, ông Trọng đã phải than thở “đồng chí Tập Cận Bình còn trẻ hơn tôi, tôi nay đã già rồi, rất muốn chuyển giao cho thế hệ kế tiếp”.

Tuy vậy, ông Trọng lại chưa thể yên tâm khi chưa chuyển giao quyền lực cho những người mà ông tin tưởng.

Nhiều chuyên gia bên ngoài đánh giá ông Trọng là người “siêu quyền lực” ở Việt Nam. Có lẽ, họ thấy điều đó khi thấy ông Trọng cùng ê kíp của mình đã lật đổ ông Nguyễn Xuân Phúc. Thế nhưng họ lại không thấy rằng, chính việc sử dụng cơ chế bỏ phiếu tập thể, cùng với việc giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, ông Trọng lại trở thành “Vua Lear” (*) trong bi kịch của chính mình.

Tất cả những người mà ông Trọng tin tưởng, đều đã không vượt được qua vòng gửi xe để tiến sâu hơn. Ở Đại hội đảng 13, người thân thiết với ông Trọng – Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng đã ra đi không kèn không trống. Phương án Vương Đình Huệ làm Thủ tướng cũng đã được ông Trọng đưa ra nhưng cũng bị vô hiệu hoá khi không đủ số phiếu cần thiết trong Bộ Chính trị.

Ông Võ Văn Thưởng cũng là người được ông Trọng tin dùng. Một người từ trong Nam ra, còn rất trẻ, trưởng thành từ cán bộ Đoàn, đã kinh qua các chức vụ Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi, Phó bí thư thường trực TPHCM, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban bí thư.

Chức vụ Thường trực Ban bí thư được dân Hà Nội nói vui là “Phó Tổng bí thư”. Điều này cho thấy sự quan trọng của vị trí Thường trực Ban bí thư ra sao, khi rất gần gũi với nhân vật quyền lực nhất Việt Nam là Tổng bí thư Trọng.

Việc hạ bệ Võ Văn Thưởng có lẽ đã có dấu hiệu từ khá lâu, với tin đồn Nguyễn Công Khế – Cựu Tổng biên tập báo Thanh niên bị công an mời lên làm việc. Nhưng mãi đến ngày 16/1/2024, ông Nguyễn Công Khế mới chính thức bị bắt. Nếu ai biết nhiều về chuyện cung đình thì chắc sẽ hiểu, bắt Khế là để cảnh báo Thưởng. Tờ báo Thanh niên mà Khế làm Tổng biên tập, nằm trực tiếp dưới sự quản lý của Trung ương Đoàn mà ông Võ Văn Thưởng đã từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn từ tháng 1/2007 đến tháng 8/2011. Vì thế sai phạm của ông Khế có sự liên quan trực tiếp của ông Võ Văn Thưởng.

Ông Võ Văn Thưởng bị “tiêu diệt” bởi vì ba lý do. Thứ nhất, ông ta là ứng viên sáng giá cho chức Tổng bí thư nên phải bị loại trừ. Ở Việt Nam, khi đề cử vào chức vụ Tổng bí thư, người ta sẽ ưu tiên lấy từ “tam trụ”. Theo thứ tự của “tứ trụ” thì Tổng bí thư sẽ là nhân vật số 1, Chủ tịch nước là số 2, Thủ tướng là thứ 3 và Chủ tịch Quốc hội là số 4. Chính vì vậy, ông Thưởng lúc đang là đương kim Chủ tịch nước, tuổi lại trẻ nhất trong Bộ Chính trị, vì thế ông ấy là ứng viên sáng giá cho chức Tổng bí thư. Vì thế người ta phải “tiêu diệt” ông ấy để đảm bảo cuộc đua vào vị trí Tổng bí thư sẽ không còn một đối thủ. Và ông ấy đã bị rơi vào tầm ngắm.

Lý do thứ hai, lá phiếu của ông Thưởng trong Bộ chính trị cũng rất quan trọng, và vì thế, khi đã bị cảnh cáo mà ông Thưởng vẫn chưa “sáng mắt” ra thì ông ấy cũng phải bị thay thế, để lá phiếu của ông ấy cũng không thể ủng hộ một người mà một số người trong Bộ Chính trị không muốn.

Lý do cuối cùng và cũng quan trọng nhất, ông Thưởng không đủ sức mạnh để đối đầu với những “sĩ phu Bắc Hà” vốn lão luyện kinh nghiệm chính trị và có đủ các sức mạnh cần thiết. Sức mạnh ấy là tiền, là thế lực, là bạo lực.

Ông Thưởng xuất thân từ cán bộ Đoàn, sau làm tới Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, nhưng chức vụ này chỉ là hư danh, không đẻ được ra tiền. Thêm nữa, ông từ Nam ra Bắc thì lấy đâu ra người ủng hộ, lính lác để ông ấy sai khiến.

Chính vì thế, ông Thưởng đã bị người ta hạ bệ dễ dàng.

Vậy người ta ở đây là thế lực nào?

Chúng tôi sẽ trình bày trong bài kế tiếp.

(*) Vua Lear (tiếng Anh: King Lear) là một vở bi kịch của William Shakespeare. Nó miêu tả quá trình điên rồ của nhân vật chính sau khi chia vương quốc của mình cho hai trong số ba người con gái dựa trên những lời khen của các con, và điều mang lại những hậu quả bi thảm cho tất cả.

[1] https://www.rfi.fr/vi/tạp-chí/tạp-chí-việt-nam/20240325-viet-nam-chu-tich-nuoc-bi-cach-chuc-tong-bi-thu-bi-tiem-quyen

- Quảng Cáo -