PARIS (CTM Media) – Vụ cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh miền trung Việt Nam, dù đã sau gần một tháng nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Tuy nghi phạm lớn nhất là nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tỉnh xả thải chất độc ra biển. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của quốc tế.
Vào ngày 4 Tháng Năm 2016, trả lời phỏng vấn của đài RFI, ông Jean Hetzel, một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững của Pháp, hiện là chủ tịch công ty tư vấn JOHANSON International và đã tham gia xử lý các thảm họa môi trường như vụ Sandoz-sông Rhein năm 1986, cho biết vụ ô nhiêm trải dài hơn 200 km tại các tỉnh miền Trung VN là một vụ ô nhiễm nghiêm trọng và khá hiếm, vì hiện tượng tương tự thường xảy ra ở các vùng sông.
Theo ông Jean Hetzel thì ngoài việc cá chết, các loài rong, tảo là nguồn thức ăn của cá, khi không chịu nổi chất gây ô nhiễm cũng sẽ chết. Hậu quả có thể là ngắn và trung hạn, nhưng cũng có thể là dài hạn, tùy thuộc vào các chất bị thải ra. Cụ thể hơn, thời gian có thể kéo dài từ 2 đến 50 năm. Những chất có thể hòa tan trong nước thì 2-3 năm, nhưng những chất kỵ nước thì nó sẽ còn tồn tại và tiếp tục chu trình luân chuyển.
Khó khăn lớn đối với Việt nam là vụ việc xảy ra ở biển, rất khó dừng ô nhiễm ở biển, vì nó lan nhanh xuống các tầng nước sâu. Khi xuống tầng nước sâu thì khó tìm được dấu vết.
Về câu hỏi phải xử lý sự việc này ra sao, theo ông Hetzel cho biết phải thu thập các mẫu vật, như là xác loài vật chết, các loài chim trong vùng, tảo biển. Phải thực hiện biện pháp bảo vệ khẩn cấp như là dừng các hoạt động liên quan ngành thủy hải sản, dừng đánh bắt ở những vùng lân cận.
Chia xẻ việc bảo vệ môi trường tại Pháp, ông Hitzel cho biết ngoài phía các cơ quan chính phủ, quan trọng hơn vẫn là hành động của người dân. Cụ thể là hoạt động ở quy mô địa phương của các hội đoàn độc lập, cũng như các tổ chức phi chính phủ, như hội những người đánh cá, hội những người đi săn v.v.., vì các tổ chức này có chuyên môn để thúc đẩy chuyện này.