Phận “Cơm Không” Giữa Sài Gòn

- Quảng Cáo -

Đường Nguyễn Thông (Q3) có tiếng bán rượu tây, đồ ngoại. Cũng con đường đó, lùi sâu vào hẻm gần ga Sài Gòn, nơi người đến kẻ đi, hàng chục năm qua đã tồn tại những bữa cơm không, “cơm với cơm” giá chỉ vài ngàn bạc lẻ. Phố cơm không đã hình thành như thế, là nơi những người nghèo khó tìm đến để có miếng ăn đắp đổi qua ngày.

 

“Ba ngàn tiền cơm ngon…”

Buổi trưa, nắng gay gắt kéo lên quá đỉnh đầu. Ga Sài Gòn huyên náo, sực nức đủ thứ mùi, tiếng tàu vào ga inh ỏi. Những khuôn mặt hân hoan, hăm hở, những khuôn mặt mệt mỏi, rã rời… Ở góc đường, ông cụ chừng bảy mươi tuổi, vạt áo xoăn tít bạc phếch màu nắng mưa, tay còn dang dở tập vé số, ngập ngừng đứng trước chiếc xe đẩy tuềnh toàng. Bà Nguyễn Thị Nga vừa ngồi xới tơi nồi cơm to đặt trên xe đẩy đang bốc hơi nghi ngút vừa luôn miệng nhắc đứa cháu cho thêm cơm vào bịch ni lông để sẵn. Nhác thấy ông cụ, như đã quen, bà hỏi, vẫn như cũ phải không cụ? – “Không, cho ba ngàn cơm ngon, bữa nay có thêm ông bạn nữa”. Lát sau, một bác xích lô đứng tuổi, mồ hôi nhễ nhại, dừng xe dõng dạc gọi vào trong: “Năm ngàn cơm thường” rồi cầm bịch cơm áp áp vào má, gò lưng đạp tới.

- Quảng Cáo -

Xe đẩy của bà Nga chỉ bán cơm không, không bán thức ăn, ngót 15 năm nay, vẫn góc phố ấy và những con người ấy. Ban đầu là mưu sinh, không cần cầu kỳ, không cần nhiều vốn liếng, bà nghĩ thử bán xem có được không. Nhưng càng bán mới biết với nhiều người, chỉ cơm không thôi đã là đủ bữa. Chiếc xe đẩy có che dù, trên đặt hai nồi cơm, bên cạnh là bình ga nhỏ đã tồn tại song hành cùng những bữa cơm của bao kiếp người, ngày nối ngày.

Cơm bán theo ký, bà chia làm hai loại, một loại giá tám ngàn đồng/kg mà người mua gọi là cơm thường, loại khác cao hơn được gọi là cơm ngon giá 10 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày bà bán hết chừng 450 – 500kg cơm, tính ra cũng khoảng 200kg gạo, lời lãi chừng trăm ngàn. Bà chia sẻ: “Cơm nấu bằng gạo bình dân thôi, vì người mua chỉ cốt ăn cho no bụng. Sáng dậy từ 4 giờ sửa soạn, vo gạo, nấu cơm, đợi cho khách mua bữa sáng, rồi bán cho đến trưa, đến tận 9 giờ tối…”.

Mở lâu năm nên phần lớn là khách quen, chỉ cần nhìn mặt là biết ăn cơm gì, mua bao nhiêu. Thường thì khách mua đông nhất vào quãng 10 giờ trưa trở đi. Vì “Nhiều người sáng không ăn, trưa ăn sớm chút để còn lấy sức làm chiều”. Cứ vài ngàn là được vài lạng cơm. Đủ để ăn cho căng bụng.

Xéo vào gần ga hơn, con hẻm 240 Cách Mạng Tháng Tám, từ lâu được giới “mộ cơm không” gọi là thủ phủ của cơm không. Khu này toàn những khu nhà trọ tồi tàn, chắp vá. Lại nối với ga, nằm trong trục đường giữa Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Thông nên dù có lắt léo, người ta vẫn cứ tìm ra, mò vào để mua cơm không. Đếm sơ sơ cũng 4, 5 hàng cơm trắng là những chiếc xe đẩy che dù, vài nồi cơm bằng nhôm to uỳnh oàng đặt phía trên. Cũng chẳng cần phải treo biển bán cơm không, bán cơm trắng, khách nhìn là nhận ra ngay. Bà Lâm Thị Hồng có thâm niên bán cơm không trong con hẻm này cũng trên 10 năm, trước chỉ có 2, 3 nồi, giờ đã phải tăng lên nấu thành 5 nồi, luôn tay xới cơm cho khách, cô chia sẻ: “Thời này một bữa cơm bình dân cũng gần 20 ngàn, mà một bữa cơm trắng chỉ tốn vài ngàn, ăn kèm với dưa món hay nước mắm cũng xong. Ở ngoài hàng, hỏi cơm trắng, cơm không họ không bán đâu”.
“Con ăn cơm với cơm”

Hàng cơm không, khách hàng phần đông là những người lao động nghèo, là bác xe ôm, là anh sinh viên tỉnh lẻ, là chị, là cụ bán vé số hay thằng bé đánh giầy, anh phu vác của nhà ga. Họa hoằn đôi bữa có vài vị khách lạ, là người quên bữa hay làm biếng nấu cơm mà thức ăn đã có sẵn trong tủ lạnh. Những người bán cơm không ở đây nói rằng, quanh đi quẩn lại, năm này tháng nọ, vẫn chỉ là những con người ấy, những khuôn mặt ấy, người này đi có người khác tới. Vậy mà tồn tại song hành hàng thập kỷ.

Ông Hùng, chạy xe ôm trước cổng ga Sài Gòn, sống với mẹ già trong gác trọ tồi tàn hẻm 240 từ lâu là khách quen của quán cô Hồng. Chạy xe bữa đực bữa cái nên mỗi bữa ông chỉ dám mua năm ngàn cơm không, ăn kèm dưa hay bữa nào đổi món là quả trứng luộc, thanh đậu phụ cho cả hai mẹ con. Giữa quãng nắng trưa đổ lửa, một thằng bé loắt choắt, đen nhẻm không tài nào đoán được tuổi đi tới, mua ba ngàn cơm không của cô Hồng. Tôi hỏi, bữa nay con ăn cơm với gì. Nó hồn nhiên trả lời “Con ăn cơm với cơm”. Ăn cơm với cơm tức là ăn cơm không, chỉ cơm không mà những người ngồi đó nói vui là “cơm không người lái”.

Chị Lụa, quê Phủ Lý, Hà Nam, cùng chồng vào Sài Gòn bán báo dạo đã 7, 8 năm nay. Mướn nhà tít Q8. Hôm nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, chị đều đặn đi bộ bán báo khắp ngõ ngách thành phố, cứ trưa là về khu Nguyễn Thông mua cơm trắng. Chị ngậm ngùi: “2, 3 ngàn cơm chan với nước mắm hay sang hơn thì mua thêm vài ngàn chả là được bữa cơm trưa. Ăn thế cũng no lắm, tiền dành gửi về quê, bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi học, lại ông bà già nữa…”.

Bán cơm mấy mươi năm nay, bà Nga kể, có bữa mấy cậu sinh viên trường sư phạm vẫn thường ăn cơm của bà, mang chứng minh, thẻ sinh viên ra xin cầm để mua vài ngàn cơm không. Thỉnh thoảng lại có cụ già đến khẽ khàng hỏi có bán một ngàn cơm không con, bữa nay cụ chỉ còn một ngàn…

Sài Gòn, tưởng cơm bụi đã là bét, là ngậm ngùi, là đắng cay. Mà còn đó cơm trắng, cơm không giữa thênh thang những thức ăn tứ xứ. Để nhờ đó, những phận người phiêu bạt, khốn khó mới có bữa nương thân, ấm bụng để lại ngược xuôi, tất tả mưu sinh. Nhìn cậu bé cầm bịch cơm không rồi chạy vọt đi, lẫn vào dòng xe cộ, tôi biết ngày mai sẽ lại nối tiếp, nối tiếp và tự hỏi, phận cơm không biết đến bao giờ…

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here