Về đi thôi ĐỪNG ĐỂ QUÁ TRỄ!

- Quảng Cáo -

Thưa quý thính giả, trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới, chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết nhan đề : “Về đi thôi ĐỪNG ĐỂ QUÁ TRỄ!”, bài của Nguyệt Quỳnh. Sau đây, mời quý vị nghe phần một của bài viết.

 

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

- Quảng Cáo -

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Đó là 4 câu thơ trích từ bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến. Câu cuối cùng: “Trong hồn người có ngọn sóng nào không?” có lẽ là câu hỏi nhức nhối của bất kỳ người Việt Nam nào trước cảnh tượng nhà nước cho tổ chức nhảy đầm, múa hát dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ trong ngày tưởng niệm 35 năm cuộc chiến biên giới. Cả báo chí ngoại quốc, tờ Washington Post cũng đăng tải hình ảnh đáng xấu hổ này. Hành động thiếu lương tâm, chỉ cốt làm vui lòng Bắc Kinh mà không quan tâm gì đến nỗi đau của người dân, của thân nhân các liệt sĩ là một thái độ khá tàn nhẫn của lãnh đạo Hà Nội. Nó không những làm tủi hổ vong linh các chiến sĩ đã khuất mà còn sỉ nhục đến danh dự của nhân dân Việt Nam. Đây là giọt nước làm tràn ly, có bao nhiêu người nữa đang âm thầm rời bỏ đảng trong những ngày sắp tới?

Doi Hoang Sa
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

Rõ ràng vận mạng đất nước đang nằm trong tay của mỗi chúng ta, người trong lẫn ngoài nước, kể cả những đảng viên CS. Và rõ ràng vận mạng đó đang như chỉ mành treo chuông.

Thử hỏi ta có còn kiểm soát được những cánh rừng đầu nguồn ở biên giới phía Bắc và các vùng trọng yếu ở Tây Nguyên nữa không? Thử hỏi quân đội đã làm được gì khi biển đảo của ta bị xâm chiếm dần dần? Thử hỏi do đâu mà trên khắp đất nước của mình lại có hàng trăm những khu hoàn toàn biệt lập của “công nhân” Trung Quốc? Chỉ cần nhìn những dữ kiện nhức nhối và tự mình đặt các câu hỏi trên, bất cứ ai cũng phải giật mình kinh sợ trước hiểm hoạ mất nước, đâu cần phải chờ để nhìn thấy chiến xa của Trung Quốc ở ngưỡng cửa biên giới.

Nhưng đâu phải chỉ có dân tộc và nhân dân VIỆT NAM mới phải đối diện với hoạ ngoại xâm. Năm 1969 khi hồng quân Liên Xô tràn sang Tiệp Khắc, chàng thanh niên ái quốc Jan Palach chỉ vừa tròn 20 tuổi. Anh và một nhóm sinh viên đã tình nguyện hy sinh tính mạng để phản đối cuộc xâm lăng trên. Nhưng Jan Palach tự thiêu không chỉ để phản đối việc chiếm đóng của quân đội Xô Viết trên quê hương anh, mục đích của anh còn nhằm phản đối sự nản chí, thờ ơ, và buông xuôi của nhân dân Tiệp Khắc. Người y sĩ trị bỏng cho anh ở bịnh viện cho biết – Jan Palach nhìn thấy sự im lặng, những cặp mắt buồn thiu của người dân Tiệp trên đường phố, anh cảm thấy mọi người dường như đang sắp sửa thoả hiệp và anh tự thiêu để phản đối sự buông xuôi đó.

Chúng ta thấy gì qua những suy tư của Jan Palach, chúng ta có nhìn thấu những nỗ lực trong cô đơn của người trẻ hôm nay? Chín năm tù cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, mười ba năm tù cho Hồ Đức Hoà, Đặng Xuân Diệu… Người dân Việt có thờ ơ với những gì đang xảy ra trên quê hương mình hay không? Có thể không hoàn toàn như vậy, nhưng cay đắng hay bất bình thì vẫn chưa đủ, vẫn chẳng giúp ích được gì cho một đất nước đang mấp mé trên bờ vực. Đọc tâm sự của những đảng viên vừa rời bỏ đảng chúng ta có thể phóng chiếu để nhìn thấy những thao thức của hầu hết các đảng viên hiện thời. Ở lại hay ra đi, tất cả đều tin rằng sự sụp đổ của chế độ là chắc chắn và không thể tránh khỏi. Tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian nhanh hay chậm. Nhưng tại sao còn do dự khi những cái phao mà chúng ta đang bám víu vào thật mong manh so với tình hình thực tế hiện nay. Và càng thụ động thì đau thương của dân tộc càng kéo dài và thảm hoạ mất nước càng đến gần.

Tôi vẫn tin rằng quê hương là nơi chốn buộc chặt trái tim của con người. Những nhân vật Cộng sản hàng đầu như cố thủ tướng Nagy Imre của Hungary và Tổng bí thư Dubcek của Tiệp Khắc đã vì tổ quốc mà làm nên những đổi thay lịch sử cho đất nước họ. Khi quân đội Liên Xô tràn sang Tiệp Khắc bắt giam Dubcek để ngăn chận những cải cách theo hướng tự do hoá chính phủ của ông, tên của Dubcek được ghép thành lời ca “Dubcek! Svoboda!” và được hát lên trong các cuộc tuần hành của sinh viên trên đường phố. Cuộc cách mạng năm 1956 tại Hungary và cuộc cách mạng năm 1986 tại Tiệp Khắc đã ghi đậm hình ảnh những đảng viên Cộng sản dám đứng về phía nhân dân, về phía dân tộc trước quân xâm lược. Họ đã vĩnh viễn đi vào sử sách với lòng biết ơn của toàn dân và sự kính phục của thế giới.

Vậy thì đâu rồi những người con ái quốc của mẹ Việt Nam? Suốt một chiều dài lịch sử đầy gian nan họ chưa từng vắng mặt. Phải chăng đây chính là thời điểm mà những đảng viên còn lương tâm phải mạnh dạn rời bỏ đảng để về với dân tộc. Trước kia chúng ta không có đủ thông tin để nhận ra được rằng Đảng đang đi ngược lại quyền lợi của tổ quốc, đang dần đưa đất nước thân yêu đến những thảm hoạ khôn lường. Nhưng đến nay thì mọi việc đã quá rõ ràng. Cơ chế hiện thời không bảo vệ được quê hương. Những ai không coi mình là kẻ bàng quan, những ai thực sự quan tâm đều phải có một chọn lựa dứt khoát. Và phải hành động để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chính mình và các thế hệ tương lai.

 

Kính thưa quý thính giả, với câu hỏi nhức nhối được thể hiện trong  bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến: “Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”, chưa nói đến những ngọn sóng lớn, với những người trong tâm hồn có chút lăn tăn gợn sóng về thực trạng xã hội và đất nước hẳn cũng đã nhiều lần  nghĩ đến những chọn lựa hoặc hành động nào đó để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chính mình và các thế hệ tương lai, nhưng vẫn chưa thể dứt khoát vì nhiều lý do. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những hệ luỵ nhân quả, cũng như nhìn vào không ít những tấm gương của sự dứt khoát đó, người ta sẽ hiểu rằng, sự dứt khoát từ bỏ cái xấu, cái tai hại, chỉ là hành động tất yếu mà thôi. Đây là điều sẽ được bàn đến rộng và sâu hơn trong phần hai bài viết của tác giả Nguyệt Quỳnh, sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới. Mời quý vị đón nghe.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here