Việt Nam vẫn ‘giậm chân tại chỗ’trong cuộc chiến chống tham nhũng

- Quảng Cáo -

Việt Nam vẫn ‘giậm chân tại chỗ’trong cuộc chiến chống tham nhũng

thamnhungTrong bản phúc trình “Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014”, Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, năm 2014.

Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Điểm số của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.

- Quảng Cáo -

Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia và Miến Điện.

Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, công cuộc đấu tranh và đẩy lùi nạn tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt được những bước tiến cần thiết.

Cơ quan này khuyến nghị Việt Nam nên “tập trung xây dựng và củng cố các chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, đồng thời “tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động đấu tranh chống tham nhũng”. Ngoài ra, Việt Nam “cần có những cơ chế thiết thực và hiệu quả hơn để khích lệ người dân sẵn sàng tố cáo” cũng như bảo vệ họ.

Tổ chức Minh Bạch Quốc tế cũng thúc giục Việt Nam tăng cường tính minh bạch bằng cách “sớm ban hành và đảm bảo thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin”, “đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền”.

Thời gian qua, chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam lại nóng lên với quyết định thu hồi nhà đất của một giới chức từng làm tổng tranh tra của chính phủ, sau khi công chúng đặt nghi vấn về tài sản được báo chí trong nước nói rằng lên tới nhiều triệu đôla.

Năm 2014 xảy ra 415 vụ án tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi, nộp ngân sách trên 1.500 tỉ đồng.

 

Chế độ độc tài bị đe dọa vì giá dầu giảm

dauhoaTrong 5 tháng vừa qua giá dầu hỏa trên thế giới đã bị tụt giảm hơn 1 phần 3, và nay xuống chỉ còn khoảng $70 mỹ kim một thùng. Nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức này thì sẽ ảnh hưởng to lớn – cả tốt lẫn xấu – đến nhiều quốc gia trên thế giới. Và, nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp hơn nữa thì những hậu quả địa lý chính trị trên một số quốc gia xuất cảng dầu có thể cực kỳ trầm trọng.

Giá dầu tùy thuộc vào sự dự đoán về tương lai cung và cầu của các tác nhân. Yếu tố dự đoán là đặc thù của thị trường dầu hoả, không giống như hầu hết những thị trường khác. Chẳng hạn, trên thị trường rau quả tươi, giá cả phải dựa trên sự quân bình giữa cung và cầu của lượng thu gặt hiện tại. Trong khi đó, những nhà sản xuất dầu hoả có thể ngừng cung cấp dầu nếu họ nghĩ rằng giá dầu sẽ tăng, và ngược lại có thể tung ra thị trường nhiều hơn nếu họ dự đoán rằng giá dầu sẽ đi xuống.

Giá dầu đang xuống thấp hiện nay phản ánh mức cầu tương lai thấp và mức cung gia tăng, và phản ánh sự yếu kém của kinh tế, đặc biệt tại Âu Châu và Trung Quốc; và quan trọng hơn nữa, là sự thay đổi dài hạn của kỹ thuật làm gia tăng hiệu năng tiêu thụ dầu của xe hơi và việc sử dụng năng lượng mặt trời cũng như những nguồn năng lượng khác với dầu hoả.

Giá dầu xuống thấp có lợi cho Hoa Kỳ nhưng thiệt hại cho các quốc gia không phải là bạn của Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Nga, Iran và Venezuela. Những nước này tùy thuộc nặng nề vào thu nhập từ việc bán dầu hoả để có tiền trang trải những chi phí của chính phủ trong những chương trình có tính cách mị dân để duy trì sự ủng hộ của dân chúng. Ngay cả nếu giá dầu nằm ở mức $75 hay $80 đô một thùng thì các quốc gia này cũng đã gặp nhiều khó khăn.

Saudi Arabia và vài quốc gia vùng Vịnh, tuy là những nước sản xuất dầu quan trọng, lại không gặp trở ngại lớn vì tốn phí sản xuất dầu của họ rất thấp khiến họ vẫn có thể có lời khi bán dầu ở giá thấp hiện nay, thậm chí thấp hơn nữa. Thêm vào đó, với lượng tài chánh dự trữ khổng lồ họ có trong tay, họ có thể duy trì các sinh hoạt trong nước và trên trường quốc tế trong một thời gian dài vì họ đang chuyển đổi kinh tế để giảm thiểu sự lệ thuộc vào thu nhập đến từ dầu hoả.

Nếu giá dầu xuống thấp hơn nữa, chẳng hạn $60 đô một thùng, thì sẽ có hệ quả trầm trọng đối với 3 nước Nga, Iran và Venezuela vì họ sẽ không còn có đủ tài chánh để duy trì sự hỗ trợ của quần chúng.

Người ta tự hỏi là 3 chế độ độc tài này có thể tồn tại hay không nếu giá dầu tiếp tục xuống nữa. Đây là tình trạng chung của những chế độ độc tài đang nạo vét tài nguyên quốc gia đem bán để nuôi sống guồng máy cai trị — loại guồng máy không cần tài năng và tinh thần trách nhiệm mà chỉ cần tư tưởng “còn đảng còn mình”.

 

Công nhân đình công, ngăn chặn giám đốc tẩu tán tài sản

dinhcongHôm 2 tháng 12, 2014, khoảng 600 công nhân Công ty May mặc Alta Mode Việt Nam toạ lạc tại phường Trường Thọ, quận 9, Sài Gòn đã mở cuộc đình công để ngăn chặn âm mưu tẩu tán tài sản có thể xảy ra tại công ty này.

Chủ nhân của công ty Alta Mode Việt Nam là một người Phi Luật Tân, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, sản xuất hàng may mặc, trước đó báo tin công ty sẽ đóng cửa kể từ ngày 31 tháng 12, 2014.

Theo các  công nhân thì ngày 1-12, họ nhận được thông báo về việc công ty sẽ đóng cửa, ngưng hoạt động, chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả các công nhân vào ngày 31-12-2014 với lý do công ty gặp khó khăn trong kinh doanh. Tuy nhiên, công ty vẫn yêu cầu tất cả công nhân làm việc đến hết tháng 12. Lương tháng 12 sẽ được công ty trả vào ngày 7-1-2015, lương tháng 13 sẽ được trả vào ngày 20-1-2015.

Nhiều công nhân than phiền vì lương tháng 11 vẫn chưa được nhận nếu làm tiếp hết tháng 12, công ty đóng cửa, họ không biết đi đâu, liên lạc với ai để đòi tiền lương. Một số công nhân khác còn cho biết các chế độ thai sản, trợ cấp bệnh tật công ty vẫn còn nợ, chưa giải quyết cho công nhân.

Cho rằng kế hoạch chi trả lương của chủ công ty là không rõ ràng, và phần khác vì sợ bị quịt lương, 600 công nhân Alta Mode Việt Nam ngay lập tức mở cuộc đình công, đòi giám đốc phải lên kế hoạch trả lương, cũng như các phúc lợi xã hội cho công nhân một cách sòng phẳng trước khi đóng cửa nhà máy. Một số công nhân cũng cho hay, sẽ tiếp tục bao vây nhà máy để ngăn ngừa việc giám đốc công ty có thể bí mật chuyển tài sản đi nơi khác để tẩu tán.

Việc thương lượng giữa giám đốc công ty và đại diện công nhân vẫn còn đang tiếp tục, với sự giám sát của chính quyền địa phương.

 

Triều Tiên ‘thanh trừng nội bộ’ đợt hai

tiep_tuc_thanh_trung_thuoc_cap_jang_song-thaek_pvwlTheo tờ báo Hàn Quốc Joongang Daily, nhà lãnh đạo Triều Tiên lại vừa mở thêm một chiến dịch “thanh lọc hàng ngũ” nhắm đến những ai thân thiết với ông Jang Song-thaek. Ông Jang từng là người dượng quyền lực của ông Kim Jong-un, chồng của em gái cố lãnh đạo Kim Jong-il. Vào tháng 12-2013, ông đã bị kết tội phản quốc, bị bắt giữ ngay giữa cuộc họp có mặt nhiều quan chức cấp cao và bị tuyên án tử hình.

Theo báo cáo ngày 1-12 của Viện An ninh Chiến lược Quốc gia, trực thuộc Cục Tình báo Hàn Quốc, trong đợt thanh trừng lần thứ hai này, đã có hàng chục thành viên cấp cao trong bộ máy lãnh đạo Triều Tiên có mối quan hệ gần gũi với ông Jang bị tuyên án tử hình hoặc bị tuyên bố bãi nhiệm. Vài người trong số đó bị cáo buộc tội danh “phản quốc”.

Giới tình báo Hàn Quốc ước đoán, cuộc thanh trừng lần thứ hai đã được khởi động vào tháng 5-2014, sau khi một tòa nhà chung cư 23 tầng tại Bình Nhưỡng đổ sụp làm thiệt mạng hơn 400 người. Nhà lãnh đạo 31 tuổi đã cáo buộc “bè lũ Jang Song-thaek” phải chịu trách nhiệm cho vụ sập nhà, với lý do căn nhà được xây dựng bởi Bộ Công an Triều Tiên, cơ quan nằm dưới sự quản lý ông Jang.

Theo báo cáo, đã có khoảng 20 quan chức bị xử bắn hoặc trục xuất khỏi Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Bộ Công an Triều Tiên Choe Pu-li, người từng dạy bóng rổ cho ông Kim Jong-un thuở nhỏ, đã bị giáng chức và “mất tích” khỏi ống kính truyền hình suốt từ tháng 7-2014 đến nay.

Vào tháng 9-2014, gần 20 thành viên của Ban Tuyên truyền và Ban Hướng dẫn của Đảng Lao động Triều Tiên cũng bị xử bắn vì những tội danh như “chống đảng”, hối lộ, quan hệ bất chính, sử dụng ma túy.

Hồi tháng 10-2014, gần 10 đảng viên cũng bị xử bắn vì có liên hệ với người dượng của ông Kim Jong-un. Cũng trong tháng này, một ủy viên cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên cũng đã bị xử bắn vì tội …xem phim truyền hình Hàn Quốc. Một số khác thì bị xử tử vì dám … chế lời bài hát miệt thị nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong các quán karaoke.

Báo Korea Joonggang bình luận: Hàng loạt các vụ thanh trừng nói trên đang khiến các đảng viên của đảng Lao động Triều Tiên run sợ.

Trích lời một chuyên gia, tờ báo này cho biết thêm: Bản thân đương kim Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Su Yong cũng đang lo sợ cho tính mạng của mình. Tuy đã từng dẫn dắt lãnh tụ Kim Jong Un trong thời gian cậu ấm của triều đại họ Kim du học tại Thụy Sĩ, nhưng vừa qua ông Ri đã không ngăn cản được Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đòi đưa một số lãnh đạo Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án hình sự Quốc tế vì phạm tội ác chống nhân loại.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here