Xác sống ở Hà Nội

- Quảng Cáo -

Fb. Đỗ Cao Cường|

Mặc dù có khá nhiều báo, đài trong nước cho tới nước ngoài, như anh Mạnh Kim, Chân Như (Rfa), chị Hellen… mong muốn tôi viết bài, cộng tác. Nhưng trước mắt, tôi chỉ muốn thực hiện những phóng sự điều tra độc lập của mình.

Xét cho cùng, Việt Nam có tới gần ngàn cơ quan báo chí, nhưng cuối cùng, tất cả vẫn phải bất lực trước ban Tuyên giáo, bất lực trước hàng loạt các vấn nạn nan giải của xã hội. Dân oan vẫn cứ oan, người chết ngày càng nhiều, chỉ có một số ít dân giàu mới được giúp đỡ và giải quyết triệt để.

Thôi thì, chọn cách sống cô độc, lang thang một mình, vừa đi bán cà phê nguyên chất, vừa làm người viết sử thông qua hình.

- Quảng Cáo -

Có thể, đôi khi các tác phẩm của tôi là sự cẩu thả, cảm tính, nhưng dù ít dù nhiều, nó cũng chất chứa sự đồng cảm, dấn thân… Nó động chạm tới nhiều nhóm lợi ích, có thể chết giữa đường giữa chợ, nhưng tôi quan niệm cuộc đời sẽ thật thú vị khi được chết theo ý muốn của mình.

Và tôi đang trên đường tới thủ đô!

Hà Nội, được coi là thủ đô cổ kính, với những đứa con thanh lịch, những con sông mát rượi, những hàng cây cổ thụ đi vào lịch sử, thi ca.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, những hàng cây cao tuổi, quý hiếm đã được thay thế bằng nhưng cây mỡ rẻ tiền (không phải vàng tâm), những con sông huyền thoại như Tô Lịch, sông Nhuệ… đã đen ngòm và bốc mùi hôi thối hơn bao giờ hết.

Cũng theo nhiều tổ chức quốc tế, Hà Nội đã lọt top các thành phố đáng báo động nhất thế giới về mức độ ô nhiễm khói bụi, Hà Nội đang song hành cùng Bắc Kinh, cả hai đang dắt tay nhau tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Cùng với thực phẩm bẩn, rẻ, độc “du nhập” từ Trung Quốc, nhiều sinh viên “du nhập” từ các vùng lũ, sau nhiều năm học tập tại Hà Nội cũng chết tức tưởi trước ngày thi tốt nghiệp, với rất nhiều căn bệnh mà chỉ có ở Hà Nội.

Tôi cũng linh cảm rằng, sự ra đi của cụ rùa như là một điểm gở cho một tương lai đầy bất ổn. Không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp, những ghế đá, công viên công cộng cũng được tính bằng tiền. Đằng sau nhiều dự án, nhiều tòa nhà chọc trời là thân phận khốn cùng của biết bao người Hà Nội gốc, nhiều người đã bị tước đoạt chính mảnh đất của mình mà bao đời cha ông họ đã sinh tồn, với giá đền bù rẻ như cho, có khi chỉ bằng mớ rau, mà có khi còn bị cướp trắng.

Ví dụ như ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, khi dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang 1 được triển khai, cũng là lúc nhiều người Hà Nội thanh lịch mất nhà, mất đất, họ rơi vào cảnh “sống không bằng chết”, và cuối cùng, họ chả biết kêu ai.

Mất mấy ngày để thâm nhập địa bàn và nghiên cứu hồ sơ, tôi biết được rằng các hộ dân Triều Khúc đều bị thu hồi đất nông nghiệp tới 100%, nhưng cho tới nay nhiều người vẫn chưa được hưởng đền bù, tái định cư. Mà khốn nạn ở chỗ, toàn tập trung vào những chị Dậu nghèo nhất làng.

Cùng một dự án, cùng một nguồn gốc đất rõ ràng như nhau mà người được người không. Trong khi đó, theo nghị định 84 của chính phủ, thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp thì chủ đất phải được tái định cư.

Cao Thị Thỏa, một người đàn bà không chồng, không con, không biết chữ, quanh năm chỉ biết trồng trọt tại nhà, nay lại phải đi ở nhờ, mưu sinh bằng nghề nhặt rác, với bàn tay dị tật không có tiền chạy chữa, tôi thấy bà Thỏa cầm rác còn không vững.

Nguyễn Thị Bình, cuộc sống của bà vốn đã lam lũ, vất vả, chật vật kể từ ngày bị cướp đất, nay chồng bà lại bị tai biến, không còn chỗ nào dám cho gia đình bà vay mượn nữa.
Một mặt, UBND huyện Thanh Trì có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin ý kiến về việc tái định cư cho những hộ dân khốn khổ này, nhưng không hiểu sao UBND TP Hà Nội lại không đồng ý. Mặt khác, UBND huyện Thanh Trì báo cáo với lãnh đạo thành phố Hà Nội là bà con Triều Khúc thường xuyên kéo lên cơ quan công quyền gây rối, làm mất trật tự, an ninh.Trong khi, họ tay không tấc sắt, họ chỉ đấu tranh ôn hòa!

Vì cố giữ đất cha ông, cố không phải ngủ ngoài đường ngoài chợ, được tái định cư giống như những người cùng nguồn gốc đất giống mình, để có được một căn nhà che mưa che nắng, khỏi phải đi ở nhờ, không phải dùng bàn tay tàn tật để đi bới rác nữa…
Nhưng cuối cùng, họ có thể bị quy thành tội phạm, thậm chí, họ sẽ bị trả thù.
Trong khi đó, những kẻ như ông Vũ Văn Chính, cán bộ xã Tân Triều xây dựng biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp thì tất cả để yên.

Chắc chắn, làng Triều Khúc – Tân Triều, rồi cả cái thủ đô Hà Nội này, sẽ còn rất nhiều thân phận nông dân mất đất, sẽ có thêm nhiều Đồng Tâm, Thủ Thiêm, họ chết không có chỗ chôn, nhiều tòa nhà chọc trời được mọc lên, và nếu soi xét kỹ, rất có thể đằng sau những tòa nhà nguy nga, tráng lệ đó là oan hồn của những chủ nhân lô đất, là những xác sống biết đi, những tòa nhà ấy đã được xây dựng trên thân xác đồng bào mình./.

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

  1. Hà Nội là thủ đô… là cái nôi của csvn mà còn như vậy thì ở nơi khác sẽ ra sao?
    Bao nhiêu xương máu hy sinh cho đảng giờ được trả ơn bằng sự báo oán

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here