Hệ thống camera nhận diện khuôn mặt tại thành phố Hồ Chí Minh: nên hay không nên?

- Quảng Cáo -

RFA

Trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 16/7, ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông thành phố khi nói về tình hình triển khai thực hiện đề án ‘Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh’ cho hay hệ thống camera an ninh tại thành phố lớn nhất phía Nam có thể nhận diện được khuôn mặt, tự gửi thông báo khi thấy người dân lấn chiếm vỉa hè.

Dự án ‘Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh’ được Sở Thông tin và Truyền thông trình lãnh đạo thành phố trong tháng 8/2019. Theo Sở này, đến năm 2025, thành phố sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên toàn thành phố với kinh phí thực hiện khoảng hơn 1.600 tỉ đồng lấy từ ngân sách thành phố.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2019-2021 và giai đoạn 2 từ năm 2021-2025. Trong đó, các camera giám sát được kết nối dữ liệu về trung tâm hình ảnh giám sát camera tập trung của thành phố.

- Quảng Cáo -

Được biết, hệ thống camera này còn có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Vì vậy, nó sẽ hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lí các tình huống như chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.

Trao đổi với RFA tối 16/7, Nhà hoạt động Trần Bang từ Sài Gòn cho hay:

“Camera nhà tôi họ lắp khá lâu, nhòm vào nhà, họ lắp camera để theo dõi từ khi tôi biểu tình, các xóm khác không có mà xóm này có, được 4-5 năm nay. Bây giờ thành phố Hồ Chí Minh lắp camera nhận diện khuôn mặt thì rõ ràng theo hướng người Trung Quốc. Nền tư pháp Việt Nam không độc lập, cơ quan hành pháp tức cơ quan giám sát tự tung tự tác. Đảng cầm quyền nắm cả hành pháp, tư pháp, lập pháp nên cơ quan công an là cơ quan theo dõi khuôn mặt dễ dẫn đến chuyện họ vi phạm quyền riêng tư, tự do của mọi người.”

Còn chị Hồng Lệ tại quận Bình Thạnh lại cho rằng quan trọng ai là người quản lý vì nếu đội quản lý thuộc về cảnh sát, những người làm việc đàng hoàng, không sử dụng vào mục đích cá nhân riêng thì hoàn toàn tốt, là một dấu hiệu tích cực.

“Thật ra quyền riêng tư của mình nằm trong pháp luật cho phép, nằm trong quyền công dân của mình. Cho dù nhận diện khuôn mặt thì cũng không ai được quyền xâm phạm. Nhưng mình không vi phạm gì, không phạm luật, cũng chẳng làm gì sai trái nên không ai làm gì được mình. Chị cảm thấy hoàn toàn ủng hộ, nghĩ theo hướng tích cực vẫn là đảm bảo an ninh an toàn cho xã hội, người dân. Thành phố mình cướp bóc, cướp giật nhiều nên có hệ thống camera như vậy một phần giới hạn tụi cướp hay tụi có ý đồ xấu tự động biết sợ và hạn chế những hành động xấu.”

Hình minh họa. Một người khách chụp hình hệ thống an ninh nhận dạng khuôn mặt ở triển lãm quốc tế về an toàn và an ninh ở Bắc Kinh hôm 24/10/2018
Nhà hoạt động Trần Bang bày tỏ quan điểm không đồng ý với việc lắp đặt nhiều camera giám sát vì ông cho rằng tư pháp Việt Nam không độc lập, bây giờ thêm sự hỗ trợ này sẽ càng làm mưa làm gió, muốn làm gì ai thì làm, đặc biệt đối với những người hoạt động dân chủ nhân quyền, những nhà giám sát, phản biện xã hội.

“Nếu như họ muốn cố tình gán ghép những người hoạt động vào tội gì thì họ rất dễ theo dõi, dễ bắt và dễ vu cáo người ta vi phạm các điều luật trong Bộ luật hình sự mà chúng tôi vẫn phản đối vì vi phạm tự do nhân quyền. Với luật an ninh mạng và những luật vi phạm nhân quyền, thậm chí vi hiến, cộng với hệ thống camera giám sát sẽ biến tất cả người dân Việt Nam thành tù nhân dự bị và có thể biến thành tội phạm bất cứ lúc nào mà công an muốn. Nên chắc chắn ảnh hưởng đến người hoạt động dân chủ nhân quyền, quyền tự do biểu đạt, quyền biểu tình, tự do ngôn luận hay quyền giám sát của người dân với công quyền, nhà nước.”

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận định rằng nhiều tỉnh thành của Việt Nam đang học tập, thậm chí bê nguyên xi công nghệ của Trung Quốc về để tăng cường giám sát người dân qua các công cụ nhận diện khuôn mặt mà Trung Quốc gọi tên rất mỹ miều là ‘thành phố thông minh’.

“Tôi lo ngại họ dùng từ mỹ miều như để đảm bảo an ninh xã hội để làm 2 việc. Một là họ sẽ sử dụng nó như một công cụ để giám sát người dân, hạn chế hoạt động của những người nói ý kiến trái chiều với họ như dân oan hay những nhà hoạt động, theo dõi, giám sát người ta. Cái lo ngại thứ hai lớn hơn là thông tin công nghệ sử dụng sẽ ăn cắp những thông tin về khuôn mặt đó sẽ được đẩy qua Trung Quốc, như vậy gần như người dân Việt Nam không còn quyền riêng tư gì nữa cả.”

Trung Quốc đã triển khai hệ thống giám sát Skynet hay còn gọi là ‘Thiên võng’ từ năm 2015 tại nhiều thành phố. Đây là hệ thống giám sát bằng công nghệ cao với quy mô khổng lồ bằng cách kết hợp camera an ninh trên đường phố với trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại Hội nghị Internet toàn cầu lần 6 diễn ra ở Chiết Giang, Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố đến năm 2020, chính quyền sẽ hoàn thành lắp đặt 626 triệu camera theo dõi trên cả nước và gần như cứ 2 người dân thì có một camera.

Tại thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam, tính đến hiện tại, có hơn 1.100 camera được tính hợp về Trung tâm điều hành thành phố. Trong đó có ít nhất 50 camera thông minh có khả năng nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…

Bày tỏ quan điểm của mình qua Facebook Messenger, chị Minh Ngọc cho rằng “thực tế hệ thống camera giám sát nếu được thực hiện tốt, sẽ giúp giảm những vi phạm trong xã hội, hỗ trợ phía công an truy tìm hung thủ, tội phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh phục vụ cho những mục đích trên sẽ là những hạn chế nhất định khi xác định danh tính những người biểu tình ôn hòa rồi bắt họ như trong vụ việc biểu tình chống hai dự luật diễn ra trước đây.

Vì vậy, để cân bằng được 2 việc và khiến người dân tâm phục khẩu phục còn phụ thuộc vào trách nhiệm nhà cầm quyền.”

Nhà cầm quyền có trách nhiệm là kỳ vọng hiện nay của dân chúng tại Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here