Pha lật kèo phút 89 của chính quyền Hà Nội đối với dự án BT

Khu đô thị Mỹ Hưng
- Quảng Cáo -

Anh Hoàng

Trong nhiều năm qua, chính phủ Việt Nam đã triển khai các dự án BT (Build Transfer- Xây dựng, Chuyển giao) nhằm mục đích khuyến khích đầu tư từ xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế mô hình thu hút đầu tư từ nguồn vốn các doanh nghiệp này đang gây thiệt hai nghiêm trọng cho nhà nước.

Cụ thể, các tỉnh thành phố sử dụng hình thức chỉ định thầu cho các doanh nghiệp chứ không phải đấu thầu công khai để chọn ra nhà thầu có đầy đủ năng lực và tài chính cũng như đưa ra mức giá thầu hợp lý nhất để thực hiện dự án. Cụ thể, trong năm 2008, chính quyền tỉnh Hà Tây đã chỉ định thầu là một doanh nghiệp nhà nước – Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 triển khai dự án đường trục phía Nam dài 41 km. Đổi lại nhà nước sẽ cấp cho 1.820.433 m2 đất để xây dựng khu đô thị mới Mỹ Hưng.

Để thực hiện chủ trương đầu tư theo hình thức BT, Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) đã thành lập công ty con là Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5.

- Quảng Cáo -

Tuy nhiên, do thiếu vốn để giải phóng mặt bằng, dự án này đã bị treo trong vòng 7 năm liên tiếp, chỉ khi năm 2014, Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 được cổ phần hóa, dự án mới được thực hiện. Lúc này Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5 thuộc sở hữu của tập đoàn Mường Thanh với 97% cổ phần nắm giữ, và triển khai hoàn thành dự án trục đường phía Nam. Công ty này đang chờ hái trái ngọt từ khu đô thị Mỹ Hưng thì ngày 25/11/2020 ông Nguyễn Quốc Hùng thay Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 5269/QĐ-UBND tặng món quà Noel sớm 1 tháng cho Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 CTCP khi chuyển quyền sở hữu khu đô thị cho công ty này. Lúc này, Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 CTCP đang thuộc quyền sở hữu của Tổng công ty Xây dựng Hải Phát với vốn sở hữu 38,7 % sẽ hưởng lợi từ quyết định này.

Pha lật kèo này đã tạo ra câu hỏi lớn liệu có sự khuất tất gì giữa chính quyền Hà Nội và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 CTCP, khi công ty này không có một đồng vốn nào nghiễm nhiêm hưởng lợi từ dự án khu đô thị Mỹ Hưng. Đồng thời, lột bỏ mặt trái của các dự án BT, bởi lẽ đất đai trả cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập vì lúc đó mới biết rõ giá trị cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP cho phép thực hiện ngay trong lúc đang triển khai xây dựng công trình hạ tầng tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư dự án BT. Thêm nữa, không có quy định chi tiết về đánh giá chất lượng và định giá giá trị công trình hạ tầng và định giá khu đất để trả cho nhà đầu tư là một khoảng trống pháp luật rất lớn. Điều này đang khiến nhà nước mất hoàn toàn những mảnh đất vàng không thể thu hồi, trong khi giá trị thu về trong các dự án vẫn đang bỏ ngỏ khi nhiều công trình đang không đảm bảo về chất lượng.

Các dự án BT, BOT đã chính thức bị chính phủ khai trừ, nhưng dư âm của nó thì sẽ vẫn còn tồn đọng lâu dài. Đồng thời pha lật kèo này đang biến chính quyền Hà Nội thành một hình mẫu chuyên quyền khi có thể dễ dàng đổi trắng thay đen dẫn đến làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp với chính quyền, ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội.

- Quảng Cáo -