Khủng hoảng y tế hay khủng hoảng đạo đức, chính trị ở xã hội Việt Nam?

Khủng hoảng thiếu hụt trầm trọng thuốc men, vật tư y tế khắp cả nước. Điển hình trong đồ họa là ở trạm y tế phường Tân Quý ở Sài Gòn, tháng 6/2022. Ảnh: Tiền Phong
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

Ngày 17 tháng Sáu, 2022, Bộ Y Tế Việt Nam cho biết nhiều địa phương tại Việt Nam đang thiếu các vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, từ các loại thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của địa phương đến thuốc đặc chủng, đặc trị, gây ảnh hưởng việc khám chữa bệnh cho người dân. Nguyên nhân được Bộ Y Tế đưa ra khi đó là do việc đấu thầu, mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập.

Truyền thông CSVN đăng tin bài về tình trạng thiếu hụt thuốc chữa bệnh thông thường và vật tư y tế dẫn đến việc khủng hoảng dịch vụ khám chữa bệnh của hệ thống y tế công. Lý do được cho rằng cán bộ sợ làm sai, sợ trách nhiệm sau vụ Việt Á khiến nhiều quan chức trong ngành bị bắt và sa vòng lao lý. Mới đây, ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc lại điều này.

Hôm 29 tháng Sáu, các tờ báo mạng như VnExpress, Công Lý, Lao Động, v.v. cho hay gần 900 nhân viên y tế ở Hà Nội xin nghỉ việc trong 18 tháng qua. Theo như những tờ báo này thì mức đãi ngộ thấp, áp lực công việc cao trong ngành khiến nhân viên y tế bỏ việc nhiều. Các bệnh viện hiện nay như “súng không có đạn” vì không được cung ứng thuốc và vật tư y tế, nên không hoạt động được…

- Quảng Cáo -

Cứ như thể, hóa ra việc “đốt lò” khiến cho cán bộ “nản,” không dám làm gì nữa. Vậy nguyên nhân thực sự đằng sau cuộc khủng hoảng này là một cuộc đình công ngầm phản đối cuộc “đốt lò” vụ án Việt Á. Nếu quả thực như vậy, chẳng phải, nhóm lợi ích đằng sau Bộ Y Tế đang lấy sinh mạng của người dân ra để gây sức ép ngược lại phe “đốt lò” hay sao?

Cần phân tích rõ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này có phải từ nguyên nhân khách quan, năng lực sản xuất và cung ứng thuốc men, vật tư y tế trong nước quá yếu kém, phụ thuộc vào nhập khẩu và bị đứt đoạn vì sự thay đổi của các thị trường cung cấp hay không? Còn nếu nguyên nhân từ việc Bộ Y ngầm gây áp lực với cơ quan điều tra, gây ra sự thiếu hụt này thì thiết nghĩ, “cái lò ông Trọng” cần phải quyết đoán và đốt thêm nhiều củi Y Tế hơn nữa để triệt cái nọc “cá cậy vây, cua cậy càng.” Không thể, sinh mạng của người dân hết bị đem ra làm tiền, ngoáy mũi xét nghiệm để hơn 4 vạn người chết oan, xong giờ lại bị đem làm con tin như thế được.

Khách quan đánh giá thì trình độ sản xuất, bào chế tân dược, vật tư y tế của Việt Nam còn rất yếu kém. Với 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc), các công ty trong nước chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng và các loại thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền), cung ứng khoảng 52% nhu cầu nội địa. Trong khi đó, 90% nguyên liệu đầu vào cả sản xuất tân dược và đông dược phải nhập khẩu.

Như vậy, nền sản xuất dược phẩm và vật tư y tế Việt Nam giống như gia công giày dép mà thôi. Chưa kể, tình trạng sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng là rất nhiều. Đơn cử chỉ một vụ án như VN Pharma bán thuốc điều trị ung thư giả cho thấy có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng trong việc đấu thầu bệnh viện cũng như sự móc ngoặc quan chức y tế với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và phân phối dược phẩm.

Tình trạng thiếu hụt thuốc và vật tư y tế hiện nay là có thực và nghiêm trọng, được ghi nhận ở hệ thống bệnh viện lớn tuyến trên cho đến cấp quận huyện, trạm y tế toàn quốc chứ không phải chỉ một vài địa phương. Thậm chí, vật tư thông thường như chỉ khâu, băng gạc, thuốc sát trùng ở một số bệnh viện công cũng không còn, bệnh nhân cũng phải tìm mua ở ngoài cửa hàng thuốc tư nhân. Dân sinh vốn đã cùng kiệt bởi dịch bệnh, thu nhập giảm và giá cả lạm phát chóng mặt trong thời gian qua, lại càng thêm khốn khó nếu ốm đau phải vào bệnh viện.

Nhưng các vật tư tiêu hao và dược phẩm thông dụng trong danh mục Bảo Hiểm Y Tế thì rất khó có thể thiếu hụt với nguyên nhân “đứt gãy cung ứng” vì dịch bệnh cũng đã giảm bớt và việc giao thương đã nối lại. Đồng thời những dược phẩm và vật tư thông dụng không bị thiếu ngay cả trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh. Còn hiện nay, các bệnh viện không tiếp tục hợp đồng với các doanh nghiệp trước này vẫn cung ứng với lý do “sợ sai, sợ trách nhiệm” thì rõ ràng là tất cả các hợp đồng và qui trình trước đó đều có vấn đề.

Đã có thời gian rất dài, quan chức y tế từ cấp khoa phòng bệnh viện đến thứ, bộ trưởng đã “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt,” việc các doanh nghiệp cung ứng thuốc, vật tư, máy móc y tế cấu kết với các bệnh viện nâng giá gấp hàng chục lần, rồi “lại quả” đã diễn ra từ hàng thập kỷ qua.

Sức khỏe và sinh mạng của người dân từ lâu đã trở thành mồi ngon để đám “lương y như đồ tể” hút máu, xẻ thịt. Những câu chuyện về việc nâng giá thiết bị ở bệnh viện mắt, tim mạch, thần kinh để chặt chém người bệnh đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện.” Người viết không muốn nói là tất cả; nhưng một số lượng lớn viên chức y tế trong hệ thống công hiện nay đều kiếm tiền từ phong bì, từ việc bắt tay với doanh nghiệp như vậy. Bản thân gia đình người viết cũng không ít lần phải đút lót cho bác sĩ để người nhà được mổ cấp cứu kịp thời. Đó như một thứ luật bất thành văn ở cái “thiên đường XHCN” nhầy nhụa, tối tăm này.

Cho đến nay, riêng một vụ Việt Á đã khiến cho 2 cựu bộ trưởng và hơn 60 quan chức ở các cấp đã bị khởi tố, bắt giam. Chắc chắn, đây chưa phải là con số cuối cùng. Và không chỉ riêng ngành y mà rất nhiều quan chức các bộ ngành liên quan “đã trót nhúng tràm” sẽ phải sống trong sợ hãi. Bộ Công An của Tô Lâm sẽ lần theo đường dây Việt Á, đến gõ cửa nhà các quan “phụ mẫu” rất lớn. Có lẽ, trong nỗ lực phản pháo lại phe “đốt lò,” đã có một cuộc đình công trong hệ thống y tế.

Hệ thống truyền thông bẩn vốn được sử dụng để ủng hộ Việt Á, tâng bốc phe quân đội, tâng bốc những quyết định “chống dịch như chống giặc” ngu xuẩn để “thần tốc xét nghiệm,” khoanh vùng, quây bắt F0, F1… nay lại được “trùm cuối” sử dụng để tạo sức ép dư luận, tấn công lại nỗ lực “đốt lò” trong vụ Việt Á.

Nếu như ông Trọng không dẹp được truyền thông bẩn và đánh dập đầu những con rắn như Phạm Công Khế, Hoàng Hải Vân, cũng như lôi đầu được “trùm cuối” vụ này… thì xem chừng chính ông sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo, nối gót những “tiền nhân” đã ngậm hờn nơi chín suối như Trần Đại Quang, Nguyễn Bá Thanh.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế cũng như cán bộ ngành y bỏ việc như hiện nay ở Việt Nam xuất phát không những từ sự yếu kém trong hệ thống sản xuất, cung ứng, tệ nạn tham nhũng nghiêm trọng ngành mà nó còn cho thấy có một cuộc khủng hoảng khác lớn hơn đó là khủng hoảng đạo đức và chính trị.

Khi sức khỏe và sinh mạng của người dân bị coi như những miếng thịt, con mồi để cán bộ viên chức CSVN tha hồ xà xẻo, làm tiền. Sinh mạng và sức khỏe của người dân thậm chí trở thành con tin để các phe phái ngã giá, gây sức ép với nhau đó là lúc nền chính trị của đất nước này đã tha hóa, vô lương đến cùng cực, không thể sửa đổi.

Tân Phong

- Quảng Cáo -