Giáo dục: Sao không nghĩ cách làm cho trẻ em vui?

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

Thầy cô giáo khổ. Biết rồi. Lương thấp, áp lực công việc cao. Nhưng phải nói đúng rằng, công việc không phải chuyên môn mà toàn tào lao. Chuyên môn thì cứ sách mẫu, giáo án mẫu, cóp chép đối phó là xong, dù có hàng trăm cuộc thay mẫu đẻ ra từ cái não của quan Bộ. Công việc tào lao ở đây là ngoài cóp chép “mẫu giáo án” rồi “giáo án mẫu”, còn có bao nhiêu thứ không phải chuyên môn làm loạn não thầy cô.

Tào lao nhất là giáo viên mầm non. Họ được đào tạo ra để dạy trẻ, nhưng phải kiêm luôn chuyện cho trẻ ăn uống, ỉa đái, làm luôn cả lao công như quét dọn, lau rửa. Đầu năm có trường còn bắt các cô giáo phải sơn sửa và cả xây trét phòng ốc. Giáo viên mầm non mỗi ngày làm hơn 10 tiếng, như lao động khổ sai.

Lương chỉ 3 triệu, buộc phải chi 1 triệu làm đồ chơi, có khi thức tới sáng mới làm xong, trẻ em không bị no đòn thì họ đã giỏi hơn Kép Tư Bền rồi.

- Quảng Cáo -

Giáo viên tiểu học, trung học thì không đến mức khổ sai như giáo viên mầm non. Nhưng công việc tào lao cũng hành hạ suốt ngày lẫn đêm. Rất dễ thấy họ chẳng chăm lo gì về chuyên môn ngoài cóp chép giáo án mẫu để đối phó, toàn lo bao nhiêu việc bao đồng khác như ghi chép cả đống hồ sơ, sổ sách, từ lý lịch học sinh đến vào điểm, đánh giá, xếp loại, kể cả đòi nợ thuê cho các loại học phí, lệ phí, bảo hiểm. Những thứ tào lao ngoài chuyên môn như vậy mà làm có hứng thú để gọi là yêu nghề, tôi chắc chắn đó không phải là giáo viên!

Luật ghi rõ chức năng giáo viên, nhưng giáo viên bị buộc phải làm việc ngoài chức năng nhiều hơn. Những việc tào lao ấy chỉ có loạn não, nên cả đời làm nghề giáo, người yêu nghề thật ắt chỉ biết cáu gắt hơn là vui cười.

Luật cũng ghi rõ, giáo viên được nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ phép. Nhưng hè thì từ coi thi chấm thi đến tập huấn, học thi đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ là hết thời gian. Các ngành được nghỉ lễ, còn ngành giáo nghỉ lễ thì phải dạy bù thứ bảy, chủ nhật. Gặp thiên tai thì bù… cho đến bù đầu. Người nào được nghỉ phép có lẽ là loại đang bệnh tật sắp chết.

Cả năm làm việc hơn cả con trâu cày như vậy, không thể vui được. Đó là chưa nói đồng lương ăn cỏ còn bị bòn rút cho các loại học thi chứng chỉ. Khốn nạn hơn trâu.

Cảm xúc luôn có tính cộng hưởng. Giáo viên không vui thì học trò cũng không thể vui được. Chỉ có đứa vô tâm và tham lam mới chờ đến ngày 20 tháng 11 phát động và hưởng ứng phong trào kêu quà quà cho giáo viên vui.

Ừ thì có không ít giáo viên vui khi được nhận quà 20 tháng 11. Có kẻ còn kể công đã nghĩ ra ngày này để giúp vui cho giáo viên. Lại còn khoe nhờ 20 tháng 11 mới giữ truyền thống Tôn sư trọng đạo. Đạo tối thiểu là làm đúng chức trách người thầy nhưng đã không giữ được, không chỉ làm việc tào lao mà nhiều kẻ thành đạo tặc thì tôn cái gì?

Nói thật, giáo viên khổ tôi chẳng động lòng. Họ chịu nhục 365 ngày để được ban phát 1 ngày vui là bởi họ thích hay bằng lòng điều đó. Đó là chưa nói không ít thầy cô đã bán linh hồn cho ma quỷ thì chắc gì họ đã thấy khổ mà ta động lòng?

Cá nhân tôi chỉ nghĩ, điều quan trọng cần làm hiện nay là cho trẻ em vui. Cũng như bậc cha mẹ, người thầy nhìn học trò khỏe mạnh, vui vẻ ắt đã là món quà lớn nhất cho mình. Nhận quà 20 tháng 11 mà làm khổ phụ huynh lẫn học sinh thì vui được sao?

Tại sao không ai chịu quan sát và động lòng trước con trẻ, khi mỗi sáng sớm mắt nhắm mắt mở đến trường, chiều tối mịt về nhà trong bộ dạng phờ phạc, thất thần, rồi thức cả đêm đối phó với cả đống bài vở? Những ông Thuyết, ông Thống và các quan cho con cháu mình tị nạn giáo dục ở nước văn minh, cho nên không nhìn thấy mà động lòng, chứ bậc phụ huynh nào có trái tim cũng đều nhìn con trẻ mà ruột đau như cắt. Phát động phong trào làm thầy cô vui ở thiên đường, còn con trẻ vẫn bị đày ở địa ngục thì đất nước có tương lai sao?

Chu Mộng Long

- Quảng Cáo -