Trách nhiệm của tướng Tô Lâm trong vụ khủng bố Tây Nguyên 11-6

- Quảng Cáo -

Trường Sơn (VNTB)

Tô Lâm, người đứng đầu Bộ Công an phải chịu ‘trách nhiệm chính trị’ khi để xảy ra vụ khủng bố Tây Nguyên hôm 11-6-2023.

Bộ Công an đã xác nhận vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk hôm rạng sáng ngày 11-6 vừa qua là hành động khủng bố có vũ trang. Trách nhiệm cuối cùng trong chuyện xảy ra vụ việc này, không ai khác hơn là Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Tô Lâm.

Tướng Tô Lâm – ‘con sói’ của ngành an ninh

- Quảng Cáo -

Sở dĩ quy vấn đề trách nhiệm vào tướng Tô Lâm, ngoài lý do ông là người đứng đầu Bộ Công an, thì quan trọng hơn, ông Tô Lâm vốn là tướng công an rất am tường tình hình Tây Nguyên, nên khi xảy ra vụ khủng bố này, cho thấy không thể không tìm hiểu về khả năng quản trị trong vai trò Bộ trưởng của đại tướng Tô Lâm.

Theo lý lịch binh nghiệp của tướng Tô Lâm, thì ông xuất thân là con nhà nòi khi là con trai cả của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Tô Quyền, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hải Hưng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông và Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng.

Sau khi tốt nghiệp đại học về lĩnh vực an ninh, Tô Lâm bắt đầu sự nghiệp Công an nhân dân Việt Nam của mình. Tháng 10 năm 1979, ông được phân công vị trí công tác ở Cục Bảo vệ chính trị I, Bộ Nội vụ (tên gọi trước đây của Bộ Công an). Trong khoảng thời gian 10 năm 1979 – 1988, ông công tác ở đơn vị Cục Bảo vệ chính trị I, Tổng cục An ninh.

Tháng 12, năm 1988, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng của Cục, rồi trở thành Trưởng phòng thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ, giai đoạn 1993.

Thời kỳ 1993 – 2006, Tô Lâm giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị I (A63) rồi Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị III (A64) thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ rồi Bộ Công an.

Tại Cục Bảo vệ chính trị I, ông có nhiệm vụ chủ động phòng ngừa, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thực hiện tốt nhiệm vụ nắm chắc tình hình, phát hiện, ngăn chặn tội phạm xâm nhập, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tập trung chống gián điệp từ Hoa Kỳ và châu Mỹ.

Tại Cục Bảo vệ chính trị III, tiền thân là Phòng Trinh sát thuộc Vụ Bảo vệ chính trị, Bộ Công an, công tác của ông tập trung vào việc điều tra khám phá, đối phó và giải quyết những âm mưu phá hoại của các tổ chức, đối tượng thù địch ngoài nước từ châu Âu, nhằm xâm hại an ninh quốc gia.

Năm 2006, Tô Lâm được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Đến tháng 4 năm 2007, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong hàm Thiếu tướng. Năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm ông giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Bộ Công an.

Tháng 7 năm 2010, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong hàm Trung tướng, cùng đợt phong Thiếu tướng và Trung tướng với Phạm Minh Chính.

Sau đó, ngày 12 tháng 8 năm 2010, Tô Lâm được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an. Ông chính thức kết thúc sự nghiệp hơn 30 năm công tác ở Tổng cục An ninh.

Tướng Tô Lâm từng đặc trách Tây Nguyên

Chiều 30-7-2016, tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nguyên ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra “Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên”.

Lúc đó, dự buổi Lễ có ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo các địa phương Tây Nguyên.

Trước đó, ngày 17-7-2002, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Quyết định số 46-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong bối cảnh Tây Nguyên đang đứng trước nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên hoạt động và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ; có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách giải pháp để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng, các cơ quan chức năng đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động FULRO, xử lý những vấn đề đột xuất về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

‘Cáo chung’ sau 15 năm và giờ vẫn là trách nhiệm của tướng Tô Lâm

Tuy nhiên, sau 15 năm thành lập, các Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc được cho chủ trương kết thúc hoạt động. Theo đó, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa 12, bế mạc vào sáng 11-10-2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu: “Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ”.

Tính đến thời điểm đó, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Phó trưởng ban thường trực là ông Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng.

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có Trưởng ban chỉ đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó trưởng ban thường trực là ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng.

Ban chỉ đạo Tây Bắc có Trưởng ban chỉ đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó trưởng ban thường trực là ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng.

Như vậy, khi đã “kết thúc hoạt động” như chỉ đạo của Tổng bí thư, thì tất cả các công việc liên quan đến an ninh quốc gia ở cả 3 nơi từng có “Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ”, đều quy về Bộ Công an. Chính điều này cho thấy, chí ít thì tướng Tô Lâm phải dũng cảm trong chuyện “phê và tự phê” để đứng ra “nhận trách nhiệm chính trị” tương tự như lúc ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “từ nhiệm” chức vụ Thủ tướng chính phủ hồi cận tết nguyên đán Quý Mão 2023./.

- Quảng Cáo -