Israel rút ra bài học xương máu từ vụ tấn công của Hamas

- Quảng Cáo -

Lê Tây Sơn

Việc quân đội Israel tập trung quá nhiều vào tình báo, sức mạnh không quân và công nghệ đã khiến nước này dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công mặt đất công nghệ thấp.

Quá tập trung vào công nghệ cao phòng thủ biên giới

Israel đã dành ba năm để xây dựng một hàng rào an ninh công nghệ cao, hiện đại, dài 40 dặm dọc theo Dải Gaza, với radar và cảm biến có thể phát hiện tức thì các cuộc xâm nhập lén lút nhằm có thể thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ vào Israel.

- Quảng Cáo -

Nhưng trong cuộc tấn công tổng lực bất ngờ ngày thứ Bảy tuần trước, Hamas đã sử dụng máy ủi và các phương tiện thô sơ khác xuyên thủng hàng rào cao 20 feet để xe bán tải, xe gắn máy và các chiến binh chạy bộ thực hiện một cuộc tấn công trực diện quy mô lớn tại nhiều điểm vào miền Nam Israel.

Đây là vụ xâm nhập biên giới Israel lớn nhất kể từ cuộc Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 và là minh họa rõ ràng nữa về những hạn chế an ninh khi quân đội Israel chuyển trọng tâm sang năng lực mạng, thu thập thông tin tình báo, vũ khí tiên tiến và đặt ưu tiên chống khủng bố thay vì chiến tranh trên bộ.

Hệ quả, các lực lượng vũ trang Israel gần như hoàn toàn mất cảnh giác trước một cuộc tấn công mặt đất dùng công nghệ thấp. Giờ đây, quân đội Israel đang chuẩn bị chuyển hướng khi sắp tiến hành một chiến dịch quy mô lớn ở Dải Gaza, nơi họ sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào bộ binh và pháo binh thông thường (vốn không còn được xem là ưu tiên trong những năm gần đây) trong một cuộc chiến tranh đô thị giành từng con phố đầy cạm bẫy.

Avi Jager, nhà nghiên cứu tại Viện Chống khủng bố Quốc tế (International Institute for Counter-Terrorism) có trụ sở tại Israel, nhận định: “Thực tế vừa qua cho thấy, quân đội Israel đã đặt những ưu tiên sai lầm khi chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra”.

Trong khi quân đội Israel quá chú ý đến Bờ Tây và triển khai nhiều tiểu đoàn để dập tắt cuộc nổi dậy của dân quân Palestine ở đây, tình báo Israel không ngừng cảnh báo về khả năng chiến tranh có thể xảy ra ở phía Bắc. Cho đến trước khi xảy ra cuộc tấn công của Hamas, Israel tin rằng kiểu tấn công xuyên biên giới không còn xảy ra. Họ đã sai. Cuộc tấn công của Hamas kết hợp hỏa tiễn, tàu hải quân, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu có vũ trang đã vươn tới tận thành phố Ofakim, sâu bên trong Israel 20 dặm.

Daniel Levy, nhà cựu đàm phán hòa bình Israel-Palestine và là chủ tịch Dự án Mỹ/Trung Đông (US/Middle East Project, dự án tìm cách giải quyết xung đột Israel-Palestine), nêu rõ: “Israel đã phải hứng chịu một bất ngờ chiến lược, bất chấp nước này có các công nghệ cao, vũ khí hiện đại, phần mềm gián điệp và cơ quan tình báo nổi tiếng thế giới. Rõ ràng, Israel không còn đảm bảo được an toàn cho người dân nữa. Thất bại này sẽ khó phục hồi”.

Quân đội Israel từng tự tin rằng với hệ thống hỏa tiễn bắn chặn Iron Dome, họ có thể mang lại cho an toàn cho quốc gia và không tin rằng Hamas có thể thực hiện một chiến dịch quân sự tràn qua biên giới.

Đã dẫn đến định hướng sai và ưu tiên sai

Năm 2011, Israel triển khai hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) giúp đánh chặn các hỏa tiễn tầm ngắn và đầu tư phát triển các hệ thống chống hỏa tiễn tầm xa. Khi Iran bước vào cuộc nội chiến ở Syria, các phi công Israel tiến hành hàng ngàn cuộc không kích ở Syria, khiến Tehran gặp khó khăn trong việc cung cấp hỏa tiễn tiên tiến cho các đồng minh Hezbollah ở Lebanon.

Đơn vị tình báo tín hiệu 8200 của Israel (một trong những đơn vị lớn nhất và nổi tiếng nhất của quân đội) đã giúp thúc đẩy nền kinh tế đất nước bằng cách cung cấp nhiều kỹ thuật viên máy tính tài năng. Tuy nhiên, năm 2014, Hamas đã gây bất ngờ cho quân đội Israel khi phát động cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel từ Gaza, thông qua mạng lưới đường hầm xuyên bức tường an ninh. Hai bên giao tranh trong 50 ngày khi Israel mở chiến dịch trên bộ phá hủy các đường hầm bên trong Dải Gaza.

Để lấp lỗ hổng an ninh biên giới, quân đội Israel tiếp tục trông cậy vào công nghệ cao bằng cách phát triển một hệ thống gọi là “Chướng ngại vật” (Obstacle) giúp phát hiện các đường hầm và sau đó cho ra đời hệ thống hàng rào biên giới. Bộ trưởng Quốc phòng Israel lúc đó, Benny Gantz, tự tin tuyên bố “hàng rào này đã tạo nên một bức tường sắt xung quanh Gaza, bảo vệ người dân khỏi các chiến binh của Hamas”, giống như hệ thống chống tên lửa nổi tiếng Iron Dome làm lá chắn trên không. Hiệu quả của hàng rào đã cho phép quân đội Israel thực hiện kế hoạch cắt giảm quân chiến đấu và quân dự bị. Số hạ sĩ quan giảm 10% xuống còn 40,000 người và thời gian nhập ngũ của nam giới được rút ngắn bốn tháng chỉ còn 32 tháng.

Khi quân đội Israel phát triển công nghệ cao hơn, Hamas và Hezbollah, vốn đã chiến đấu suốt một thập niên trong cuộc nội chiến ở Syria, bắt đầu hoạt động giống như một quân đội thông thường hơn là những kẻ nổi dậy ranh ma. Hamas, kiểm soát Dải Gaza trong hơn một thập niên, đã xây dựng nhiều căn cứ kiên cố dưới lòng đất làm trung tâm chỉ huy cho cuộc xung đột tương lai và tăng độ chính xác lên mức cao hơn của những hỏa tiễn bắn vào Israel.

Năm 2021, Iron Dome một lần nữa được chú ý khi đánh chặn được hàng ngàn quả hỏa tiễn bắn vào Israel. Đòn giáng trả mạnh mẽ của quân đội Israel bằng các cuộc không kích đánh sập một số cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas càng làm các quan chức Israel chủ quan tin rằng Hamas đã mệt mỏi với những vòng đối đầu lặp đi lặp lại với Israel. Nhưng Israel đã lầm.

Những kẻ khát máu Hamas không từ bỏ bạo lực mà chỉ tìm cách đánh lừa nhận thức của đối phương. Sự gia tăng bạo lực ở Bờ Tây cũng là do Hamas gây ra để chuyển hướng chú ý của Israel ra khỏi Dải Gaza. Chính phủ Benjamin Netanyahu, được hỗ trợ bởi các lãnh đạo định cư sống ở Bờ Tây, ưu tiên việc làm giảm các cuộc tấn công của người Palestine ở đó. Cụ thể, Tháng Sáu, quân đội Israel đã tăng số tiểu đoàn trên bộ ở Bờ Tây từ 13 lên 25 trong 18 tháng (tương đương với hàng ngàn binh sĩ). Bây giờ, những người chỉ trích xem việc đưa quá nhiều binh lính đến Bờ Tây đã dẫn đến phản ứng chậm chạp khi Hamas vượt qua biên giới Gaza./.

- Quảng Cáo -