Cộng đồng Mạng và 3 sự kiện: 3 Sinh Viên Luật, Văn Giang sau 1 năm và ngày 30 tháng 4

- Quảng Cáo -

Thanh Nhàn: Vào những ngày qua, cộng đồng mạng đã quan tâm nhiều đến sự kiện 3 sinh viên trường Luật thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng ủng hộ ông Đoàn Văn Vươn, đồng thời cộng đồng mạng cũng đã dành nhiều thời giờ để chia sẻ những suy tư, những kỷ niệm về 2 biến cố quan trọng đó là vụ cưỡng chế Văn Giang 1 năm về trước và vụ cưỡng chiếm miền Nam của 38 năm về trước. Xin mời quí thính giả cùng theo dõi.

Phạm Lộc: Vào ngày 31 tháng 3, tức vài ngày trước phiên xử ông anh em ông Đoàn Văn Vươn, ba sinh viên luật thuộc trường Luật TP HCM, gồm Nguyễn Trang Nhung, Bùi Quang Viễn, và Phạm Lê Vương Các, đã khởi xướng Tuyên ngôn kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ hai anh em ông Vươn trong vụ nổ súng để bảo vệ đất tại Tiên Lãng hồi đầu năm ngoái. Việc làm này của 3 bạn sinh viên đã được cộng đồng mạng đón nhận tích cực và số chữ ký ủng hộ tính đến nay, ngày 29 tháng 4, đã có gần 3000 người ủng hộ. Dĩ nhiên là sau đó, nhóm khởi xướng đã bị Phòng Công tác Chính trị và Phòng Đào tạo của trường mời làm việc và Đoàn Thanh niên Cộng sản của trường đã tung lên mạng bài viết bôi bẩn cá nhân họ với nhan đề “Thực hư về những người khởi xướng Tuyên bố Công lý cho Đoàn Văn Vươn”. Phản ứng lại các cáo buộc này, 3 sinh viên đã ra thông báo đòi họ gỡ bỏ bài báo và đoài Đoàn phải xin lỗi về những vu khống của Đoàn, nhưng họ đã không được hồi đáp.

Thanh Nhàn: Phản hồi về sự im lặng của Đoàn trường, sinh viên Trang Nhung cho rằng:  “Sự im lặng của Đoàn trường cho thấy hoặc là họ cố chấp hoặc là họ buộc phải làm như vậy vì không còn cách nào khác bởi nếu họ gỡ bỏ bài viết xuống hay xin lỗi nhóm thì cho thấy họ đã làm sai…”

Và tiến xa hơn nữa, nhóm 3 thanh niên này đã ra gửi thư đến Đoàn trường, yêu cầu tổ chức  tranh luận với tác giả Trung Nhân về bài báo bôi bẩn danh dự của họ. Bạn ​Trang Nhung nói: “Nếu Đoàn trường có lý lẽ và cảm thấy mình đúng, họ nên đồng ý tổ chức buổi tranh luận này. Còn ngược lại thì điều đó cho thấy họ đuối lý. Phản ứng của Đoàn trường sẽ cho thấy lý lẽ thuộc về bên nào.”

“Điều mà chúng tôi muốn hướng tới là để cho dư luận thấy rằng lẽ phải có thuộc về Đoàn trường hay không.”

Và dĩ nhiên, Đoàn trường vẫn tiếp tục im lặng. Chưa biết 3 sinh viên luật này sẽ có những bước kế tiếp là gì, nhưng có thể đoán trước là họ khó có thể thắng nổi cái quyền lực của một nhà nước độc tài. Điều chúng ta cần nói tới là cái dũng trong việc làm của họ, biết khó thành mà vẫn làm, và cái tâm lành của họ, đó là không thể làm ngơ trước cái ác. Các bạn đã là luật sư cho lẽ phải và công lý trước khi ra trường. Chúng tôi ngưỡng phục việc làm của các bạn.

Phạm Lộc: Ngày 24 tháng 4 vừa qua, vừa đúng 1 năm ngày mà nông dân Văn Giang đã anh dũng chống chỏi lại lực lượng hàng ngàn công an có vũ trang hùng hậu trong một trận đàn áp với lửa khói mịt mù không khác chi một trận đánh xáp lá cà với quân thù. Vụ cưỡng chế Tiên Lãng bất thành và các vụ khiếu kiện vẫn chưa được giải quyết. Để đánh dấu 1 năm sự kiện Văn Giang, vào ngày 24 tháng 4, hơn 1200 bà con tại ba xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan đã cùng ký một thông cáo kêu gọi các lãnh đạo Việt Nam phải giải quyết vụ này, đồng thời kêu gọi dư luận trong và ngoài nước ủng hộ cho cuộc đấu tranh của nông dân. Bản thông cáo khẳng định là “vì công lý bà con nông dân Văn Giang sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ “quyền người cày có ruộng”.

Vào những ngày này thì cộng đồng mạng đã post lại những hình ảnh của vụ cưỡng chế, kèm theo những cảm xúc mà họ đã trãi qua trong thời gian đó. Có người chỉ hồi hộp theo dõi qua mạng, nhưng cũng có nhiều người đã trực tiếp tham gia để thu thập thông tin và đưa lên mạng những hình ảnh thật sống động để những người ở nơi khác có thể theo dõi trực tiếp. Phải nói đây là những giây phút căng thẳng nhưng cũng đầy kỷ niệm của họ, như Người Buôn Gió, anh đã phải giả dạng làm nông dân hoà đồng vào người dân Văn Giang để săn tin, những tấm hình này và những chia sẻ vui buồn đã được đưa lên mạng để nhắc nhở biến cố đau thương ở Văn Giang năm rồi.

Thanh Nhàn: Theo blogger Nguyễn Tường Thụy thì từ rất sớm, nông dân bị cướp đất ở 3 xã: Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công và cả dân oan ở các tỉnh cũng đã đổ về nhà văn hóa thôn 1 xã Xuân Quan với đủ các băng rôn, biểu ngữ. Trang blog của Nguyễn Tường Thụy, cũng ghi lại nhiều hình ảnh bà con tụ tập trong trật tự với nhiều biểu ngữ cầm tay lớn nhỏ và 2 băng rôn lớn có ghi dòng chữ: “Nông dân phải có ruộng cày”.

Qua các hình ảnh mà anh Nguyễn Tường Thụy ghi nhận được, chúng tôi thấy có rất nhiều những bloggers tên tuổi đều đã đến với đồng bào Văn Giang trong ngày hôm đó, như  Anh Chí, JB Nguyễn Hữu Vinh, Phương Bích, Sông Quê, nhà báo Phi Khanh, v.v…và dĩ nhiên là không thể thiếu bóng dáng của người chiến sỹ chống tà quyền Bùi Thị Minh Hằng.

Những tấm hình khác cũng đầy xúc động là những mãnh ruộng lúa nhỏ mà bà con nông dân đã giành lại từ tay nhà nước và đã tiếp tục canh tác. Lúa non nay đang xanh mướt như sức sống, sức vươn lên từ mồ hôi, nước mắt của người dân. Blogger Nguyễn Tường Thụy đã viết ở cuối bài tường trình chuyến đi Văn Giang của anh như sau: “Chia tay với bà con Văn Giang, chúng tôi hẹn khi nào vào vụ gặt, thế nào chúng tôi cũng về để ăn cơm gạo mới cùng bà con. Lúc đó, cảm giác khi đưa miếng cơm vào miệng nó như thế nào nhỉ. Nó thơm, dẻo chan chứa tình nghĩa đã đành nhưng chắc chắn có vị mặn của những giọt mồ hôi và máu.”

Phạm Lộc: Mỗi dịp Tháng Tư về là dịp để người Việt Nam chúng ta ôn lại một giai đoạn quan trọng của lịch sử. Đối với đảng CSVN, nó là một chiến thắng nhưng với đại đa số dân chúng miền Nam, nó là một sự kiện đau buồn, một cuộc đổi đời bi thảm ảnh hưởng lên cả tương lai của gia đình họ. Vào ngày này cộng đồng mạng đã tràn ngập những hình ảnh, video về cuộc chiến đấu hào hùng của quân lực VNCH, về cuộc chạy nạn của người dân trên đại lộ kinh hoàng, những cuộc di tản vĩ đại bằng thuyền đến được bến bờ tự do.

Bên cạnh đó, nhóm du học sinh Việt cũng hô hào mở chiến dịch nhuộm đỏ Faceblook bằng cách treo lá cờ đỏ sao vàng để ăn mừng cái gọi là “Ngày chiến thắng miền Nam”. Chiến dịch này đã bị chống đối bởi những bogger chống cộng, họ phản ứng lại bằng cách treo cờ vàng ba sọc đỏ. Thôi thì trên mạng cứ lời qua tiếng lại với đỏ và vàng.

Thanh Nhàn: Một điều chúng tôi ghi nhận là có nhiều blogger đã từng sinh ra và lớn lên dưới chế độ CS cũng không đồng tình với việc làm này. Họ chủ trương là không nên đem ra bàn cãi lá cờ nào vào thời điểm này, chỉ gây thêm chia rẽ trong lòng người dân mà thôi.

Gió Lang Thang (https://www.facebook.com/giogiolangthang?hc_location=timeline ), một người rất trẻ đã viết trên Facebook của anh: “Hồn đất nước này ở giọng nói, truyền thống, lịch sử, mảnh đất và con người quá khứ và hiện tại. Nó không nằm ở lá cờ. Với tôi, nó chỉ là mảnh vải, thế thôi.”

Lạc Việt (https://www.facebook.com/lac.viet.9?ref=tn_tnmn) Đồng ý với Gió Lang Thang một phần lớn, tuy nhiên, mãnh vải đó là biểu tượng của những tiêu chuẩn trên nên nó cũng cần được tôn trọng. Quan trọng là đừng để mãnh vải trở thành chuyện sống chết và chia rẻ một dân tộc. Mãnh vải có thể thay đổi màu sắc tuỳ theo thẩm mỹ quan của dân tộc đó và đây là chuyện không nên lôi ra bây giờ khi mà đất nước vẫn chưa có dân chủ, người dân chưa có tiếng nói được tôn trọng.

Tu Nghiem (https://www.facebook.com/tu.nghiem.7?fref=ts) Chúng ta có quyền giới thiệu, gợi ý, nhưng không ám thị nhồi sọ thế hệ trẻ, con em chúng ta! Thế hệ trẻ này sẽ nhận lãnh vai trò lịch-sử của họ một cách tự quyết tuyệt đối về quốc-hiệu, quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, quốc hồn quốc túy cũng như thể chế chính trị trong thời hậu cộng-sản sắp xảy đến! Tương lai con cháu chúng ta, chúng ta hãy tôn trọng quyền tự quyết định lấy vận mệnh của họ!

Phạm Lộc: Ngoài ra, trên Facebook, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều hình ảnh biểu tình với rừng cờ vàng của cộng đồng người Việt hải ngoại như ở Little Saigon, ở Paris, Canbera,… Đặc biệt tại Frankfurt, Đức quốc, có sự tham dự của cộng đồng những người Tây Tạng.

Facebooker Nguyễn Phan (https://www.facebook.com/phan.nguyen.355?fref=ts ) đã viết lên niềm xúc động của mình trên trang Facebook của anh như sau: “Xem cách họ hát, hô khẩu hiệu một cách nhiệt tình pha lẫn đau đớn, tôi chợt thấy xúc động mạnh. Không chỉ cho người Tibet đã mất nước, dân họ vẫn chết hàng ngày dưới sự cai trị tàn bạo của bàn tay sắt ngoại bang hoặc phải tự thiêu để mong thắp sáng lương tâm thế giới.”

Và anh thấy lo sợ cho tương lai Việt Nam khi mà đảng CSVN tiếp tục thái độ ươn hèn với Cộng sản Trung quốc, anh nói: “Bây giờ chúng ta vẫn còn chưa mất nước – Chỉ có lãnh đạo ĐCSVN là đang rắp tâm bán nước vì quyền lợi riêng tư của họ và phe nhóm họ. Hãy có thái độ trước khi quá muộn!”

Thanh Nhàn: Vâng, hãy có thái độ trước khi quá muộn, chúng tôi xin mượn lời này của bạn Nguyễn Phan để kết thúc chương trình hôm nay. Thanh Nhàn và Phạm Lộc xin kính chúc quí thính giả một ngày an vui và xin hẹn gặp lại trong lần phát thanh kỳ tới.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here