Bắc Kinh: Tòa Trọng Tài thiên vị vì có thẩm phán người Nhật

Bethany Allen-Ebrahimian - Foreign Policy

Ông Shunji Yanai, nguyên Chủ tịch Tòa Trọng Tài về Luật Biển vào thời điểm Phi Luật Tân nộp đơn kiện Trung Quốc, và là người thay mặt cho bên Trung Quốc chọn ra hai người thẩm phán theo quy luật đã định.
- Quảng Cáo -

Mọi người đang chờ phán quyết của Tòa Trọng Tài về vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc tại Biển Đông. Tòa Trọng Tài tại The Hague, Hà Lan được trông đợi là sẽ ra phán quyết có lợi cho Phi Luật Tân. Trong khi đó Trung Quốc luôn khẳng định là họ sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa, và gần đây tìm cách vận động để có nhiều quốc gia trên thế giới hậu thuẫn cho lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông. Mới đây Bắc Kinh lại đưa ra một lý do chống đối khá đặc biệt trong suốt lịch sử hoạt động của Tòa Trọng Tài: đó là quốc tịch của người giám thị thành lập thành phần xét xử của tòa.

Vào tháng Giêng năm 2013, Phi Luật Tân nộp đơn kiện với Tòa Trọng Tài về Luật Biển để chống đối một số hoạt động và tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Thông thường trong những vụ xét xử như thế này, mỗi bên có quyền chọn ra hai vị thẩm phán và chủ tịch tòa án chọn người thẩm phán thứ năm. Nhưng Trung Quốc từ chối không tham dự vụ xét xử, do đó mất quyền chọn lựa hai trong số năm người thẩm phán. Vì thế, người Chủ tịch tòa lúc bấy giờ là Thẩm phán Shunji Yanai, có quốc tịch Nhật Bản, thay mặt cho bên Trung Quốc để chọn ra hai người thẩm phán, theo đúng quy luật đã định.

Mặc dầu từ chối không chịu tham dự vào vụ xử, giới chức Trung Quốc lại chống đối việc ông Yanai làm công việc chọn thẩm phán, cho rằng vì Nhật Bản cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc tại vùng Biển Đông Hải, cho nên một người có quốc tịch Nhật không đủ tư cách để đóng vai trò chọn thẩm phán. Cần nói rõ là ông Yanai chỉ chọn ra hai thẩm phán cho bên Trung Quốc, tự ông Yanai không có trong thành phần năm người thẩm phán xét xử.

Lập luận chống đối quốc tịch Nhật của ông Yanai xuất hiện lần đầu vào năm 2013, và gần đây trồi dậy nhiều hơn. Trong một bài bình luận ngày 11 Tháng Năm vừa qua trên Nhân Dân Nhật Báo, cái loa của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho rằng “với sự tranh chấp Biển Đông Hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản thì ông Shunji Yanai nên tránh can dự vào việc chọn lựa thẩm phán. Nhưng ông ta cố tình lờ đi và rõ ràng là vi phạm vào các điều luật của tòa.” Tuy nhiên bài bình luận này không nói rõ là điều luật nào bị vi phạm. Vào ngày 8 Trong tháng Sáu, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia cũng có đăng ý kiến trên báo tiếng Anh Jakarta Post chỉ trích cách thành lập tòa án 5 người bao gồm 4 người Châu Âu và một người từ Ghana.

Năm vị Thẩm phán của Tòa Trọng Tài về Luật Biển.
Năm vị Thẩm phán của Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Ảnh: amti.csis.org
- Quảng Cáo -

Nhấn mạnh đến quốc tịch Nhật của ông Yanai có thể dùng để làm mất tính hợp pháp của tòa dưới con mắt của quần chúng Trung Quốc, vẫn còn ác cảm với các hành vi tàn bạo của Nhật trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Theo ông James Kraska, giáo sư về luật quốc tế và Giám đốc nghiên cứu tại Trung Tâm Stockton Nghiên Cứu Về Luật Quốc Tế, thuộc Đại Học Chiến Tranh Hải Quân Hoa Kỳ ở Rhode Island, lập luận cho rằng vì ông Yanai là người Nhật cho nên việc chọn lựa thẩm phán có phần thiên vị là không nghiêm chỉnh.

Kể từ khi Tòa Trọng Tài về Luật Biển cho ra phán quyết đầu tiên vào năm 1997 đến nay đã có 25 vụ xử; nhưng đây là lần đầu tiên quốc tịch của một vị thẩm phán bị coi là có vấn đề thiên vị.

Giáo sư Kraska không thấy một bằng chứng nào về 5 vị thẩm phán của tòa thiên vị về bất cứ bên nào. Ông nói, “trong suốt quá trình hoạt động của họ, không có ai biểu lộ bất cứ một hành vi thiên lệch chính trị nào cả. Họ là những người chuyên gia về pháp lý. Cả đời họ bênh vực và bảo vệ cho pháp quyền trên mặt biển.”

Các phân tích gia đã dự đoán là tòa sẽ phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Lập luận chỉ trích ông Yanai là một nỗ lực “vớt vát” cuối cùng để làm mất uy tín của tòa và phán quyết, theo nhận định của bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế tại Washington. Bà Glaser đã nghe đến lập luận chỉ trích này từ năm 2013 lúc tòa vừa mới được thành lập nhưng đến nay mới thấy lập luận này được đề cập đến nhiều hơn.

Bà cho biết, “Trung Quốc đã tìm đủ mọi góc cạnh để chống đối tòa án. Đầu tiên họ thách đố thẩm quyền của tòa. Kế đến họ cho rằng đây là một vi phạm vào bản Tuyên Bố về Cách Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông – một hiệp ước ký kết giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc lập luận rằng hiệp ước loại bỏ những dàn xếp tranh chấp do đó họ không có bổn phận phải tham dự vào vụ xét xử. Không lập luận nào có tính cách thuyết phục cả.” Vì thế mà Trung Quốc dùng đến đòn cuối cùng mà bà Glaser cho là “tởm nhất”. Theo bà đánh giá thì các thẩm phán của tòa trọng tài là những vị thẩm phán giỏi nhất trên thế giới.

Ông Yanai đã hoạt động trong lãnh vực pháp lý quốc tế 45 năm. Ông trở thành thành viên của Tòa Trọng Tài về Luật Biển năm 2005 và là Chủ tịch của tòa từ năm 2011 đến 2014. Trước đó ông làm trong ngành ngoại giao. Ông làm việc cho Bộ Ngoại Giao Nhật Bản từ năm 1961, là đại sứ Nhật tại Hoa Kỳ từ năm 1999 đến 2001. Ông cũng đồng thời dạy về luật pháp quốc tế tại Đại Học Chuo, Tokyo và giảng dạy về giải quyết tranh chấp về biển.

Hình: rappler.com
Hình: rappler.com

Bất kể phán quyết của tòa trọng tài như thế nào đi nữa, Trung Quốc luôn nhấn mạnh là họ sẽ không nhìn nhận tính hợp pháp của phán quyết. Tòa trọng tài thì không có cách nào để thi hành phán quyết, do đó Trung Quốc nhiều phần sẽ không thay đổi hành vi tại Biển Đông. Cái giá phải trả của Trung Quốc có thể là sự chỉ trích của quốc tế và từ đó quyền lực mềm bị sứt mẻ. Bắc Kinh hy vọng là nếu họ ráng làm cho tòa mất uy tín nhiều chừng nào thì hệ lụy của phán quyết sẽ giảm xuống chừng đó.

Hoàng Thuyên lược dịch

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here