Pháp quyền và lạm quyền

- Quảng Cáo -

Đỗ Văn Ngà|

Điều 1 chương 9 của Hiến Pháp Hoa Kỳ qui định thì “Không một ai nắm giữ chức vụ trong chính phủ được phép nhận mà không có sự đồng ý của quốc hội, bất cứ loại quà tặng, tiền bạc, chức, tước gì từ bất cứ vị vua, hoàng tử hay một chính phủ nước ngoài nào.”

Chuyện tham nhũng ẩn dưới dạng quà biếu là chuyện xảy ra từ ngàn xưa chứ không phải chỉ mới thời kỳ hiện đại. Nếu không luật hóa những trò này thì làm sao chống được tham nhũng? Ở Úc, năm 2014 ông Barry O’Farrell, Thủ hiến bang New South Wales kiêm thủ lĩnh Đảng Tự do của bang này đã phải từ chức vì nhận quà tặng mà không khai báo.

Chuyện là thế này, năm 2011 ông Barry O’Farrell khi mới đắc cử chức thủ hiến bang New South Wales thì được một doanh nhân có tên Nick Di Girolamo tặng chai rượu vang hiệu Penfolds Grange Hermitage đời 1959 trị giá 3000 đô. 4 năm sau, năm 2014 thì Ủy Ban Ðộc Lập Chống Tham Nhũng (ICAC) đã đủ bằng chứng để cáo buộc ngài thủ hiến có nhận món quà đó. Và ngay tức thì, ông Barry O’Farrell đã phải từ chức vì món quà trời ơi đó.

- Quảng Cáo -

Có thể món quà chỉ 3000 đô không phải là của hối lộ. Với chiếc ghế thủ hiến bang New South Wales, không ai dại gì đánh đổi vì món quà như thế được. Nhưng đó là luật, mà luật thì không thể cãi, không thanh minh thanh nga gì cả. Vậy thôi. Cái lỗi của ông thủ hiến là, lên làm lãnh đạo mà bị lỗ hổng về luật, mà đặc biệt là những điều luật có ảnh hưởng đến chiếc ghế quyền lực của mình. Xét về góc độ này, ông O’Farrell trả giá cho cái ghế của mình cũng là xứng đáng.

Quay lại chuyện đề nghị lại quả 25% trên giá trị hợp đồng mua vũ khí, phía Mỹ từ chối thương vụ mua bán với phía Việt Nam thì điều đó chứng tỏ những quan chức chính phủ Hoa Kỳ ý thức pháp luật rất cao. Họ hiểu điều gì hợp pháp điều gì phi pháp ở đất nước họ. Tất nhiên qua cách họ từ chối phía Việt Nam, ta hiểu chắc chắn trong luật pháp của Hoa Kỳ có quy định cấm điều ấy chứ chưa hẳn vì đạo đức. Đó là hình ảnh đất nước có tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ở tại Việt Nam, luật pháp đang được đặt ở đâu? Ở dưới Nghị Quyết Đảng, mà Nghị Quyết Đảng là ý chí của Bộ Chính Trị. Cho nên ở Việt Nam, người ta nói Bộ Chính Trị là một ông vua tập thể là vậy. Ngày xưa thời Phong kiến, vua ban ra luật, luật đó gọi là Quân Pháp, vua đứng trên luật. Thì Nghị Quyết Đảng là một dạng quân pháp. Riêng bộ chính trị đứng trên tất cả. Và như thế, cái bộ này nó tự tác oai tác quái làm đất nước tang hoang mà không hề chịu trách nhiệm. Ở mỹ, Tổng Thống nhận quà phải khai báo, ở Úc cũng vậy, luật pháp không từ một ai. Còn ở Việt Nam, Bộ Chính Trị tàn phá đất nước ai chịu trách nhiệm?

Vụ Bauxit Tây Nguyên cũng là sai phạm cực kỳ nghiêm trọng, dự án này do Nguyễn Tấn Dũng ký vào văn bản Quyết Định Đầu Tư, nhưng thực chất quyết định đầu tư này là Bộ Chính Trị. Cho nên năm 2009 tại một cuộc họp Quốc hội, nhiều đại biểu chất vấn, bí thế Nguyễn tấn Dũng nói toạc móng heo rằng “Đây là chủ Trương Lớn Của Đảng” thế là tất cả im re, và dự án đã sai sờ sờ cũng đạp lên sự phản đối của nhân dân mà tiến hành. Dự án Bauxit sai sờ sờ đó, Nguyễn Phú Trọng có dám khởi tố không?

Dự án đầu tư sang Venezuela cũng được quyết định bởi Bộ Chính Trị và Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định triển khai, lộ trình y hệt dự án Bauxit Tây Nguyên, nhưng sao vụ này khởi tố vụ kia không khởi tố? Vì đơn giản, vụ đầu tư sang Venezuela không có gì để chứng minh đó là quyết định của Bộ Chính Trị cả. Văn bản quyết định của Bộ Chính Trị thì được đóng dấu mật, và trong dự án này Nguyễn Tấn Dũng không có cơ hội đứng trước Quốc hội để đổ lỗi cho Bộ Chính Trị như dự án Bauxit Tây Nguyên được. Thế là hôm nay, người đứng đầu Bộ Chính Trị quyết định khởi tố chỉ 1 vụ án.

Như vậy qua chúng ta thấy gì? Bộ Chính Trị đứng trên luật nhưng chuyên ném đá giấu tay. Cú ném cục đá Bauxit Tây Nguyên không thể giấu tay được vì chính Nguyễn Tấn Dũng đã moi tay ném đá của Bộ Chính Trị phơi ra trước mặt nhân dân. Còn vụ đầu tư sang Venezuela này thì tay Bộ Chính Trị vẫn đang giấu kỹ. Và hôm nay, người đứng đầu Bộ Chính Trị đã cho khởi tố vụ án này mà không khởi tố vụ án kia là vậy.

Đất nước này có pháp luật không? Trên danh nghĩa là có, nhưng thực tế thì Bộ Chính Trị đã hành động như một tổ chức vô pháp để điều hành đất nước./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here