“Trường hợp đặc biệt” và trò chơi quyền lực

- Quảng Cáo -

Ngọc Vân (VNTB)|

Quyền lực hay đôi khi bạo lực là vị trọng tài tối cao trong những cuộc tranh chấp quyền lực

Tại Đại Hội XII, ông Trọng phá vỡ một thông lệ (một dạng định chế) của Đảng Cộng Sản Việt Nam là các ứng viên vào Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng không quá 65 tuổi. Nghe nói ông hứa chỉ ở lại nửa nhiệm kỳ (một dạng định chế khác) nhưng ông lại không nghỉ. Đến nay, trước thềm Đại Hội 13, lại nghe ông có khả năng lần thứ hai phá vỡ quy định tuổi khi tiếp tục tranh chức Tổng Bí Thư; phá vỡ thêm một tiền lệ là chỉ được giữ chức vụ này trong hai nhiệm kỳ. Một trường hợp khác có thể vi phạm quy định tuổi là ông Nguyễn Xuân Phúc. Ở đây, không bàn việc phá vỡ các định chế là sai hay đúng, tôi chỉ trình bày nguyên nhân tại sao các định chế trong những chế độ như ở Việt Nam hiện nay không ổn định.

Theo giáo sư Milan Svolik của Khoa Chính Trị tại Đại Học Yale, do không có các bên thứ ba làm trọng tài trong các cuộc tranh chấp quyền lực, các định chế chính trị thường không có giá trị thực tiễn. (1) Bên thứ ba là ai? Tôi xin dùng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua làm ví dụ. Khi cựu tổng thống Donald Trump thấy mình thua số phiếu đại cử tri và có nguy cơ mất chức về tay ông Biden, ông đã nộp đơn kiện tại một số bang nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Bên thứ ba ở đây là tòa án. Vì tòa án độc lập với hành pháp, họ đã mạnh dạn ra quyết định của mình và bác đơn của ông Trump. Sau đó, cựu tổng thống gây áp lực lên Quốc Hội. Tuy vậy, cũng với sự độc lập của mình, Lưỡng Viện đã khước từ yêu cầu của ông Trump. Bên thứ ba ở đây là Quốc Hội.

- Quảng Cáo -

Có thể một số bạn đọc sẽ hỏi vậy cái gì sẽ quyết định kết quả tranh chấp quyền lực giữa các phe? Ở Việt Nam, một số người cho đó là quyền và tiền. Điều này có lẽ không sai. Vẫn theo giáo sư Svolik, quyền lực (tiền + quyền) là một trong những yếu tố quyết định, nhưng bạo lực là vị trọng tài tối cao trong những cuộc tranh chấp này.

Trong tình hình Việt Nam hiện nay, tiền và quyền ảnh hưởng như thế nào? Tạm giả định là ở Việt Nam đang có hai phe, một phe do ông Trọng đứng đầu, phe còn lại, ông Phúc. Các vị này, có lẽ đã dùng quyền và tiền để mua sự ủng hộ của các phe cánh trong quân đội, công an, đại diện của các địa phương, và các lực lượng khác. Ví dụ, nếu chú bầu cho anh, anh sẽ cho chú xây sân gôn. Chú bầu cho tôi, tôi sẽ giúp chú có ghế bộ trưởng Bộ Công An. Ai mua được nhiều phiếu thì người đó thắng.

Còn bạo lực thì sao? Bạn cần nhớ rằng bạo lực không phải bao giờ cũng là súng, đạn. Bạo lực, trong tình hình hiện nay, thường được thực thi bởi tòa án và nhà tù. Các vụ việc liên quan đến việc kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, xử ông Nguyễn Đức Chung, nhiều khả năng là các biểu hiện của bạo lực trong cuộc tranh chấp các ghế tứ trụ đang diễn ra. Dùng tòa án, và Ban Kỷ luật TƯ Đảng để chống lại đối thủ. Tuy vậy, cũng có nhiều đồn đoán về các biện pháp bạo lực ghê rợn hơn. Nhiều người nghi ngờ rằng ông Nguyễn Bá Thanh đã bị hạ độc.

Tóm lại, trong các chế độ phi dân chủ, quyền lực, và trong trường hợp cực đoan, bạo lực, quyết định kết quả của các tranh chấp phe phái.

_______________

Tham khảo:

1 Svolik, M. W. (2012). The politics of authoritarian rule. Cambridge University Press.

#nguyễnphútrọng #đảngcsvn #đạihội13

- Quảng Cáo -