Chuyện về niềm tin

Hình minh họa
- Quảng Cáo -
CTMM: Đăng lại một câu chuyện cũ

PHẠM NGỌC TIẾN TRỌC
Thói đời con người ta thiếu thứ gì hay nhắc nhiều đến thứ ấy. Bây giờ niềm tin có lẽ là thứ thiếu nhất. Chưa bao giờ con người nghi kỵ nhau, chẳng tin đã đành còn soi mói suy xét rình rập nhau nữa. Buồn. Có một câu chuyện xảy cách đây nhiều năm nhưng vẫn luôn ám ảnh tôi. Một câu chuyện về niềm tin.
Hôm ấy chúng tôi có một chuyến công tác đi qua đèo Ngang. Mọi người ngắm cảnh bàn tán rôm rả về con đèo huyền tích này. Trên xe hôm đó có một vị tướng lừng danh dạo chiến tranh. Ông đã nghỉ hưu. Tất nhiên ông tham gia chuyện trò một cách hào hứng. Một vài kỷ niệm về đèo Ngang được ông nhắc lại.
Đến đỉnh đèo, có lẽ mây phủ, non cao khiến vị thiếu tướng già cảm kích trước vẻ hùng vĩ của thiên nhiên và cả phần nào những hồi ức chợt đến nên yêu cầu xe dừng. Đoàn công tác tỏa xuống. Đám đàn ông nghiện ngập tranh thủ hút thuốc.
Chợt có mấy đứa trẻ ùa đến. Trên tay chúng là một vài thứ quà vặt như phong kẹo cao su, mấy quả trứng, bao thuốc lẻ…Những cảnh như thế này xưa nay không còn là điều lạ ở những nơi công cộng nhất là nơi đô hội hay danh lam thắng cảnh. Có điều khác là ở đỉnh đèo Ngang hôm ấy rất lạnh. Mặc đủ ấm nhưng chúng tôi vẫn phải suýt soa. Rét đến tê mũi đờ da và nói phả thành bụm khói trắng đặc.
Những đứa trẻ bán rong kia chỉ chừng trên dưới chục tuổi. Chúng ăn mặc phong phanh và đi chân trần. Đang ngắm đèo mây vị tướng chợt nhìn khững xuống chân trần của mấy đứa trẻ. Ông khe khẽ thở dài rồi vẫy đứa bé gái đứng gần nhất. Nó bán trứng luộc. Có nhõn 3 quả trứng vịt vỏ xám xịt xanh lét.
Thấy thế mấy người trong đoàn cũng hưởng ứng gọi đám trẻ mua đồ cho chúng. Riêng vị tướng ông hỏi han đứa trẻ bán trứng rất lâu. Nhưng có lẽ vì trời rét hay lý do gì đó, đứa trẻ không hào hứng bắt chuyện. Nó đối thoại một cách e dè và cụt lủn. Vị tướng móc túi lấy một tờ bạc mệnh giá lớn hơn nhiều so với giá trị của 3 quả trứng đưa cho nó. Ông nhận 3 quả trứng được đứa trẻ gói vào trong một túi nilon nhỏ, vuốt tóc nó rồi lặng lẽ trở lại xe.
Xe đổ đèo xuống địa phận Hà Tĩnh. Mọi người tiếp tục bàn tán nhưng chủ đề đã chuyển sang những đứa trẻ. Có người phàn nàn ta thán thương xót những đứa trẻ nghèo khốn khó. Người khác chỉ trích bao nhiêu năm sau hòa bình sao vẫn để tình trạng như vừa thấy tồn tại ở những nơi lẽ ra không được phép để chúng xuất hiện. Riêng vị thiếu tướng già không
còn vẻ hào hứng, ông trầm mặc như đeo đuổi suy nghĩ gì đó.
Nói thêm đoàn công tác có nhà văn, nhà báo và một vài quan chức. Vị thiếu tướng là khách mời đi thăm lại vùng chiến trường cũ đang chuẩn bị được đầu tư một dự án lớn.
Tối đó một bữa tiệc được tổ chức long trọng ngay tại khách sạn. Tất nhiên vị tướng là nhân vật trung tâm. Địa phương đã rất vui mừng được đón ông. Sau màn giao đãi mọi người nâng cốc và những gì diễn ra như tất cả những bữa tiệc tương tự. Đám chúng tôi chí chát cụng ly uống.
Chợt tôi để ý đến vị tướng. Ông có vẻ như bồn chồn chờ đợi điều gì đó. Tôi mang ly đến chào ông. Đúng lúc đó thì thắc mắc của tôi được giải đáp. Cô nhân viên phục vụ mang đến chiếc đĩa trong đựng 3 quả trứng đã được luộc lại cho nóng. Ông cười lấp lánh mắt, bảo tôi có muốn tham dự món ăn ngoài thực đơn này không. Tôi không thể từ chối bèn nhón lấy một quả.
Quả trứng thứ nhất vừa được ông đập ra thì ngay lập tức nó xộc ra một mùi vô cùng khó chịu. Trứng thối. Quả thứ hai cũng vậy. Ông thiếu tướng già hơi ngơ ngác, lấy lại quả trứng trong tay tôi định đập tiếp.
Một cán bộ trong đoàn ngồi cạnh có nhiệm vụ chăm sóc ông bèn chặn tay vị thiếu tướng lại. Cán bộ này bảo thủ trưởng đừng đập ra nữa. Trứng này không ăn được đâu. Bọn trẻ đó nó lừa thủ trưởng rồi. Ông ngớ người khi nghe người kia nói thế. Không nói gì, vị thiếu tướng đặt quả trứng còn lại xuống đĩa. Cô nhân viên phục vụ vội bưng đi ngay mấy quả trứng thối.
Cuộc vui tiếp tục. Chẳng ai để ý đến chi tiết mấy quả trứng thối nữa dù nó là thủ phạm khiến bầu không khí bữa tiệc bị đầu độc giây lát. Từ lúc đó tôi thấy khuôn mặt vị tướng già quắt hẳn lại. Ông rất buồn. Hầu như ông chỉ ngồi lấy lệ, không thấy đụng đũa bất cứ món gì dù đó toàn là sơn hào hải vị. Ông cũng cáo lỗi đứng dậy sớm.
Kết thúc bữa tiệc tôi bắt gặp ông đứng trầm mặc ở hành lang. Thấy tôi ông hỏi, chú nhà văn, chú thấy sao về mấy quả trứng thối đó? Chú có nghĩ mấy đứa trẻ bán dạo đó lừa đảo hay không? Tôi dùng dằng chưa kịp trả lời vì muốn lựa lời để nói ông đừng bận tâm vì mấy chuyện nhỏ nhặt đó. Nhưng câu nói của ông tiếp theo khiến tôi giật mình. Lừa đảo à, mấy đứa trẻ nghèo khó đó sao có thể lừa đảo. Chúng, cha mẹ chúng quá nghèo khổ chỉ có thể mua được mấy quả trứng mang luộc bán cho khách thập phương kiếm chút tiền lãi. Nhưng lòng trắc ẩn của người đời quá ít khiến cho trứng ế không bán được, càng không dám ăn lẹm vào vốn, lưu cữu qua ngày nên hiển nhiên nó phải thối. Cái nghèo khiến cho mấy quả trứng ấy tiếp tục được mang bán. Đừng nghĩ ác độc thế về con người chú ạ. Nhất là chú đã tận mắt nhìn thấy những đứa trẻ. Và chú làm nghề văn. Lại từng là lính chiến. Hãy nhìn
đúng về con người. Nhân hậu, cần phải nhân hậu.
Chuyện đã xảy ra hàng chục năm trời. Bài học về nhìn người tôi nhận được từ vị tướng già hôm ấy luôn đeo đuổi song hành cùng tôi. Hãy nhìn nhân hậu về con người. Tôi đã tin như niềm tin nơi ông. Nhưng niềm tin đó bây giờ lại trở thành nỗi ám ảnh trong tôi.
Vị tướng già không còn nữa, ông đã thành ra người thiên cổ từ vài năm trước. Nếu còn sống, tôi chắc rằng ông sẽ còn phải buồn hơn gấp nhiều lần bởi cuộc sống bây giờ liệu đặt niềm tin nơi con người như ông có còn thực tế. Niềm tin đã mất mát rất nhiều trước thực trạng cuộc sống hôm nay. Cách nhìn của ông có thể vẫn còn nhưng không phải là tất cả.
Dù gì tôi vẫn gắng để cố được như niềm tin của ông vào con người. Cố trong nỗi niềm bất lực với sự chạnh nghĩ thế hệ của ông thật hạnh phúc./.
Hà Nội 13/10/2012
Nguồn: Ngoc Tuan Tran
- Quảng Cáo -