Khủng hoảng năng lượng và những bài toán

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Năng lượng hóa thạch gồm than đá và dầu mỏ. Thời kỳ đầu của thời đại công nghiệp gắn liền với năng lượng than, thời kỳ sau gắn với dầu mỏ. Từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay là thời kỳ của dầu mỏ. Trong thời kỳ này thế giới phát triển gấp nhiều ngàn năm trước đó cộng lại. Từ máy móc khổng lồ cho đến máy móc cầm tay đều thiết kế cho năng lượng dầu mỏ. Rất tiện dụng nên nó ngày càng phổ biến. Vì năng lượng rẻ và tiện dụng nên một số nước đã chớp thời cơ và bứt phá lên hàng ngũ nước công nghiệp tiến bộ, Hàn Quốc và Đài Loan là hai ví dụ rất rõ.

Dân số thế giới thì tăng chóng mặt kéo theo nhu cầu năng lượng tăng theo, trữ lượng dầu mỏ thì có hạn nên nguồn năng lượng này sẽ cạn là điều mà cả thế giới đã tiên liệu. Khi nguồn năng lượng này sắp cạn thì nó sẽ không còn là nguồn năng lượng rẻ nữa. Những nước lớn cũng đã tiên liệu điều này nên trong vài thập kỷ trở lại đây họ phát triển nguồn năng lượng thay thế, chủ yếu là nguồn năng lượng xanh.

Nguồn năng lượng xanh không thể là năng lượng giá rẻ nên về mặt kinh tế nó không thể cạnh tranh nổi với năng lượng hóa thạch. Các nước giàu đầu tư mạnh vào năng lượng xanh với hy vọng rằng, khi năng lượng hóa thạch dần trở nên đắt đỏ thì họ sẽ dễ dàng chuyển sang dùng năng lượng xanh. Đó là dự tính. Tuy nhiên kỷ nguyên dầu mỏ hóa đắt đã đến nhanh không ngờ, nó đến không do cạn kiệt mà do chiến tranh. Chiến tranh Ucraina đã làm cho EU thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng và giá dầu tăng chóng mặt. Trong khi đó năng lượng xanh chưa kịp thay thế.

- Quảng Cáo -

Năng lượng hóa thạch cũng có bất tiện của nó. Bất tiện lớn nhất là những quốc gia làm chủ công nghệ chưa chắc gì làm chủ nguồn năng lượng. Lấy ví dụ như EU, khu vực kinh tế này rất phát triển nhưng trữ lượng dầu mỏ trong khối không đủ để họ đảm bảo an ninh năng lượng nên phải mua từ Nga và các nước khác. Tương tự như vậy, Nhật Bản cũng không có đủ nguồn dầu mỏ cho đất nước họ dùng nên phần lớn là nhập khẩu. Chính vì thế, thời đại dầu mỏ không thể không toàn cầu hóa. Chỉ có toàn cầu hóa mạnh thì các quốc gia làm chủ công nghệ nhưng thiếu tài hụt tài nguyên mới đảm bảo an ninh năng lượng.

Toàn cầu hóa mang đến cho các quốc gia giàu nhưng nghèo tài nguyên sự an ninh năng lượng cần thiết, tuy nhiên cái an ninh này khá mong manh. Cụ thể là, chiến tranh Ucraina xảy ra thì chuỗi cung ứng khí đốt từ Nga có nguy cơ bị đứt gãy. Nhật Bản đang là thành viên G7, mà trong G7 thì có đến 6 nước muốn trừng phạt Nga nên Nhật bị ép phải tẩy chay năng lượng Nga. Đây là tình thế rất nan giải đối với Nhật Bản. Nếu chuyển được sang năng lượng xanh, Nhật Bản sẽ không phải khổ sở như thế này.

Năng lượng xanh đắt đỏ, nhưng bù lại, những quốc gia làm chủ công nghệ sẽ làm chủ nguồn năng lượng này. Chính vì thế khi mà thế giới chuyển đổi sang năng lượng xanh, các nước giàu sẽ càng bỏ xa các nước nghèo. Giàu vừa thì làm chủ công nghệ và lại vừa đảm bảo an ninh năng lượng.

Lâu nay thế giới quen dùng dầu giá rẻ nên hàng hóa cũng rẻ theo, mà hàng hóa rẻ thì nó lan tỏa mạnh vào giới bình dân làm cho chất lượng cuộc sống của giới này nâng cao với một mức thu nhập không. Nếu năng lượng trở nên đắt đỏ, thì thế giới sẽ nghèo đi bởi chính giá cả hàng hóa đã loại những người không đủ tiền ra khỏi cuộc sống tiện nghi. Khi đó, chỉ có những người có thu nhập cao mới với tới. Chất lượng cuộc sống bị co hẹp lại quanh giới có tiền.

Như vậy khi thế giới chuyển sang nguồn năng lượng xanh thì khả năng mức độ toàn cầu hóa giảm chứ không như bây giờ. Lúc đó, cơ hội bức phá của các nước nghèo cũng trở nên hẹp hơn. Thế giới phân tầng rõ rệt, nước giàu sẽ nới khoảng cách với nước nghèo, người giàu sẽ nới khoảng cách với người nghèo.

Thế giới này, đói nghèo chưa giải quyết xong thì con người lại được sinh ra thêm. Được biết, cứ mỗi giây trên trái đất này lại có thêm 2 người, mỗi giờ thêm 9.000 người, mỗi tháng thêm 6 triệu nữa. Người ta tính rằng với tốc độ tăng trưởng này thì mỗi năm thế giới sẽ có thêm một Mexico nữa và sau 10 năm thế giới tăng thêm một nước Trung Quốc nữa. Trong thế kỷ hiện đại, từ năm 1950 đến năm 2050, dân số thế giới ước tính sẽ tăng từ 2,5 tỷ lên 9,3 tỷ người, tăng gần 3 lần. Hiện tại, dân số hành tinh đang tăng gấp đôi sau mỗi 39 năm.

Điều đáng nói là, hầu hết phần dân số tăng thêm ấy là ở các nước nghèo. Trong khi đó các nước nghèo lại không làm chủ được nguồn năng lượng. Mà không làm chủ nguồn năng lượng thì nền kinh tế sẽ khó mà theo kịp để nuôi phần dân số tăng lên ấy. Và lúc đó, khủng hoảng nhân đạo có thể sẽ nghiêm trọng hơn bây giờ. Trước thời lúc kết thúc thời kỳ năng lượng giá rẻ, quốc gia nào bức tốc gia nhập hàng ngũ quốc gia giàu thì sẽ an toàn, còn nếu không bức tốc, e rằng cơ hội sẽ hết.

Không biết ĐCS Việt Nam họ tiên liệu thế nào? Có vẻ như họ cũng nhận ra thời kỳ năng lượng giá rẻ sắp hết nên họ đang chuẩn bị? Bằng chứng là họ quyết theo đuổi nhà máy điện hạt nhân như là giải pháp chuẩn bị để đảm bảo an ninh năng lượng về sau. Trong khi thế giới văn minh đang hướng theo công nghệ năng lượng xanh thì Việt Nam đang hắc hủi nó. Năng lượng gió đang bị EVN ngó lơ làm họ không biết bán cho ai. ĐCS Việt Nam đang đổ tiền vào năng lượng hạt nhân, một loại năng lượng không những gây ô nhiễm mà là còn chứa đựng rủi ro lớn. Với dự tính này, ĐCS đang đặt người dân Việt Nam vào mối nguy hiểm khác, mối nguy một thảm họa Chernobyl thứ 2 trong lịch sử loài người./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.altenergy.org/transition/transition.html

https://vneconomy.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-phat…

- Quảng Cáo -