Người dân Bình Định, Phú Yên khổ sở vì cơn bão số 4 và đập thủy điện

- Quảng Cáo -

Người dân Bình Định, Phú Yên khổ sở vì cơn bão số 4 và đập thủy điện

bao-so-4Theo tin tức thì cơn bão số 4 của năm 2014 đã đánh vào khu vực phía nam của tỉnh Bình Định gây nhiều thiệt hại tài sản. Theo tờ Tuổi Trẻ, tại tỉnh Bình Định, 92 căn nhà bị sập, 45 nhà bị tốc mái, 6 tàu thuyền bị chìm, 3,983 ha lúa mới gieo sạ bị ngập úng, một số đoạn đê biển và kênh mương bị sạt lở. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ đồng.

Còn nhà cầm quyền tỉnh Phú Yên cho biết, theo các tin tức sơ khởi, bão số 4 đã làm 74 ngôi nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng; gần 900 ha lúa, sắn, mía, hoa màu bị ngập nước, ngã đổ; hơn 20 ha diện tích nuôi thủy sản bị ngập nước gây thiệt hại. Tổng thiệt hại hơn 9.1 tỉ đồng, theo tờ Thanh Niên.

Cơn bão đã đi qua dân chúng hai tỉnh Bình Định và Phú Yên và nói chung các tỉnh dọc theo biển tại miền Trung Việt Nam vẫn chưa chắc đã thoát nạn, vì khu vực này được xây dựng hàng chục nhà máy thủy điện.

- Quảng Cáo -

Được biết sáng sớm ngày 30/11 lũ từ thượng nguồn sông Kỳ Lộ đổ về rất lớn, đã tràn qua đập của Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, đổ xuống các vùng hạ lưu. Đập tràn của nhà máy thủy điện này là đập tự tràn, không có cửa xả nên gây nguy hiểm lớn đến các khu dân cư hai bên sông. Hiện nay, phần lớn các tuyến giao thông ở huyện Đồng Xuân đã bị ngập nước, nhiều khu dân cư bị chia cắt.

Theo các chuyên gia, địa hình và sông ngòi ở Miền Trung Việt Nam thường ngắn và dốc. Mặt khác, khí hậu Việt Nam là nóng ẩm mưa nhiều, chịu nhiều bão, do vậy lượng mưa lớn, thường xuyên có lũ. Do đó, nếu xây hồ, đập thủy điện rất bất lợi và gây nguy hiểm cho người dân phía hạ nguồn. Khi xây dựng đập thủy điện sẽ tạo nên biến động địa chất, làm cho nền đất xung quanh yếu đi ; rừng đầu nguồn tại các con sông ở miền Trung cũng bị xâm hại, cùng với sức nước lớn do địa hình dốc sẽ làm cho việc ngăn nước lũ không còn hiệu quả.

Thêm vào đó, trong thiết kế và vận hành, các thủy điện miền Trung chưa tính toán đến việc điều tiết nước lũ, “cắt lũ” mà để cho nước lũ tràn qua. Nếu như đập thủy điện bị vỡ, nước lũ sẽ cuốn phăng tất cả người dân và tài sản của họ ra Biển Đông.

Dù biết, Việt Nam cần điện cho kinh tế và đời sống người dân, nhưng làm thủy điện tại miền Trung có hại cho người dân hơn là có lợi. Nhiều chuyên gia đã phân tích, khuyên can chính quyền CSVN về vấn đề này. Tuy nhiên, CSVN vì mối lợi kinh tế đã gạt đi, mặc kệ cho sinh mạng người dân bị đe dọa.

Xin nhắc lại, ông Nguyễn Tài Anh, đại diện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN ) đã nói rằng « Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ ! ».

 

Sáu tổ chức yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam minh bạch ngân sách

minhbacSáu tổ chức tại Việt Nam vừa đề nghị, yêu cầu minh bạch về ngân sách, đúng vào thời điểm Quốc hội CSVN đang thảo luận, chuẩn bị cho việc thông qua Luật Ngân sách mới.

Đứng đầu các tổ chức đồng ký tên trong kiến nghị vừa kể là OXFAM Vietnam, chi nhánh của OXFAM – một liên minh của 15 tổ chức quốc tế có chi nhánh tại 98 quốc gia, hoạt động nhằm tìm giải pháp khắc phục nghèo đói, bất công.

Những tổ chức còn lại bao gồm: Trung tâm Hành động phát triển vì cộng đồng (ACDC), Trung tâm Nâng cao Năng lực cộng đồng (CECEM), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực cho Phụ nữ (CEPEW), Nhóm hợp tác Thúc đẩy Quản trị và Cải cách hành chính công (GPAR).

Kiến nghị vừa kể được cho là có sự hỗ trợ của Ủy ban Tài chính – Ngân sách thuộc Quốc hội Việt Nam, hoàn tất sau khi đã tham vấn ý kiến của hơn một ngàn người dân và 500 viên chức ở các tỉnh: Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngoài việc yêu cầu minh bạch về ngân sách, kiến nghị nhấn mạnh rằng, nhà cầm quyền CSVN cần thực hiện nghĩa vụ giải trình và các biện pháp để dân chúng có thể tham gia vào tiến trình quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách. Luật Ngân sách mới phải minh định về việc công khai ngân sách. Nội dung và cách thức công khai phải giúp dân chúng có thể hiểu để tham gia vào tiến trình quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách. Đặc biệt là phải bảo đảm sự thuận tiện trong việc tiếp cận thông tin.

Sáu tổ chức gửi kiến nghị, đề nghị Luật Ngân sách mới phải có các quy định cụ thể về quyền tham gia trực tiếp và gián tiếp của dân chúng trong vấn đề phân bổ ngân sách. Qua một cuộc khảo sát mà sáu tổ chức vừa kể thực hiện trong năm ngày trên hai tờ báo điện tử là Vietnamnet và Vnexpress thì có 95% cho rằng phải công khai dự thảo chi ngân sách ở tất cả các cấp. Có 96% yêu cầu công khai tất cả các khoản chi thường xuyên và 96% yêu cầu danh mục nợ công.

Cũng cần nói thêm, tại Việt Nam, lãng phí trong sử dụng ngân sách vượt ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.

Cuối năm ngoái, chế độ Hà Nội công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để đầu tư vào các “dự án trọng điểm”. Theo đó, chỉ trong vòng mười năm, Việt Nam đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1.757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân.

Tổng vốn đầu tư cho tất cả các “dự án trọng điểm” ấy ngốn hết khoảng 444 ngàn tỉ đồng và gần như toàn bộ các “dự án trọng điểm” đều bỏ hoang sau khi hoàn tất.

 

Công nhân bị chủ nhân bóc lột không được pháp luật bảo vệ

congnhaTheo một bài viết có tựa đề “Kiệt sức vì tăng ca” báo Lao Động ngày 30/11/2014 mô tả nhiều trường hợp công nhân các hãng xưởng ở Sài Gòn bị chủ nhân ép phải làm việc quá sức, bên trên số giờ làm theo luật lệ lao động của Việt Nam quy định, và không được trả tiền công tương xứng. Không những bị bắt làm quá sức quá nhiều giờ trong ngày, bữa cơm cung cấp của họ cũng rất tồi tệ, không đủ tái tạo sức lao động.

Tờ Lao Động dẫn trường hợp công nhân của công ty Ngọc Minh Tâm ở Hóc Môn ép công nhân “tăng ca ngày đêm”, có khi đến hai, ba giờ sáng, đến nỗi họ phải mang theo quần áo ngủ vài giờ ngay tại chỗ làm để kịp giờ làm sáng sớm hôm sau.

Cuối tháng 10 vừa qua, gần 1,000 công nhân công ty Top One ở Gò Vấp đã đình công  vì “bắt tăng ca quá nhiều” tức từ 90 giờ đến 130 giờ/tháng suốt gần một năm qua trong khi “chất lượng bữa ăn quá kém”. Từ Thứ Hai đến Thứ Bảy, công nhân công ty này bị “tăng ca” hầu như liên tục từ 7 giờ sáng tới 21 giờ hay 22 giờ đêm mới được nghỉ.

Theo thống kê của Sở Lao Động thành phố Sài Gòn cho thấy trong số gần 70 vụ đình công từ đầu năm 2014 đến nay tại địa phương, “có 28 cuộc nguyên nhân liên quan đến chất lượng bữa ăn, riêng trong tháng 10.2014, trên địa bàn thành phố đã có hai cuộc ngừng việc mà nguyên nhân vì chất lượng bữa ăn quá kém.”

Tờ báo kể lại theo lời công nhân hãng Top One ở Gò Vấp cho biết “mang tiếng là bữa ăn của công nhân có giá 15,000 đồng nhưng công nhân phải thường xuyên ăn cơm với cá thịt đã ôi thiu, rau dưa dập nát. Ăn uống kém chất lượng nhưng công nhân phải tăng ca liên tục 6 ngày trong tuần, ngày nào cũng tăng ca liên tục đến 21-22h, có khi hàng gấp phải làm thâu đêm suốt sáng.”

 

Chính phủ Đài Loan từ chức sau thất bại tuyển cử của Quốc Dân Đảng

dailoanVào ngày 1/12 nội các chính phủ Đài Loan đã từ chức, sau thất bại của Quốc Dân Đảng, đảng cầm quyền chủ trương thắt chặt quan hệ với Hoa lục, trong cuộc bầu cử địa phương.

Được biết hôm 29/11 ngay sau khi kết quả bầu cử địa phương được xem như là một trắc nghiệm trước bầu cử tổng thống vào năm 2016, được công bố, Thủ tướng Giang Nghi Hoa đã thông báo từ nhiệm, và đến ngày 1/12 thì 81 thành viên chính phủ theo gương ông, đồng loạt xin từ chức.

Giới quan sát đều có chung nhận định : nguyên nhân sâu xa khiến đảng cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử lần này là do đường lối xích gần với Trung Quốc của chính phủ. Được bầu làm Tổng thống Đài Loan năm 2008, ông Mã Anh Cửu được cho là tác giả của chủ trương xích gần quan hệ với Trung Quốc Cộng sản, vốn là kẻ thù hàng đầu của Quốc Dân Đảng.

Dưới thời ông Mã Anh Cửu, quan hệ Đài Bắc và Bắc Kinh đã giảm căng thẳng đáng kể, các hoạt động trao đổi về chính trị văn hóa và kinh tế giữa hòn đảo Đào Loan và Hoa lục cũng gia tăng mạnh.

Bất chấp những lợi ích kinh tế có thể thu được trong quan hệ với đại lục, một bộ phận lớn người dân Đài Loan vẫn lo ngại Trung Hoa lục địa  bành trướng ảnh hưởng đối với hòn đảo. Điển hình nhất là sự kiện phong trào biểu tình của sinh viên chiếm giữ nhà Quốc hội tại Đài Bắc trong suốt 3 tuần hồi tháng Ba để phản đối dự thảo hiệp định tự do mậu dịch với Hoa lục.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here