Truyền thông Nhật nói về 40 năm sau ngày Sài Gòn thất thủ

- Quảng Cáo -

Từ trung tuần tháng 4 của 40 năm về trước, tình hình chiến sự tại Việt Nam luôn là bản tin đầu giờ của tất cả các đài truyền hình Nhật. Người xem tin tức thấy miền Nam Việt Nam bị làn sóng đỏ lan dần, lan dần theo kiểu những đốm da beo lan dần ra như những vết dầu loang.

Đầu tiên là tỉnh Phước Long bị nhuộm đỏ, sau đó đến Quảng Trị, Huế, các tỉnh ở cao nguyên Trung phần rồi đến Đà Nẳng và cao điểm là ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi chiếc xe tăng Liên Xô tông cổng chạy vào tiền đình dinh độc lập. Công tâm mà nói thì vào thời điểm đó rất nhiều người trên thế giới, trong đó có cả người dân Nhật, đã vỗ tay hoan hô chiến thắng ngoạn mục này của Việt Nam (đúng ra là của Cộng sản VN, nhưng chẳng ai cần để ý đến điều đó) trước một anh khổng lồ Hoa Kỳ chưa hề bại trận.

Sau “chiến thắng” này người ta nghĩ rằng Việt Nam sẽ đi lên là điều tất nhiên, ngoại trừ một vài bài báo của ký giả Kondo đăng trên nhật báo Sankei vào lúc đó cho rằng, miền Nam Việt Nam sẽ bị tắm máu thêm lần thứ hai. Nhận định này đã không mấy thuyết phục những người từng ủng hộ Hà Nội trước năm 1975, nhưng được sự đồng tình của các nhà đấu tranh cho nhân quyền và của những người hiểu rõ bản chất của các chế độ Cộng sản.

Năm 1976, chính quyền CSVN tổ chức ăn mừng chiến thắng rất lớn, với cả triệu người tham dự diễn hành trên đường phố Sài Gòn, trong khi số phận của hàng trăm ngàn dân – quân – cán – chính Việt Nam Cộng Hòa đang bị vùi sâu trong các trại tù ở những chốn rừng sâu nước độc, mà nhà cầm quyền Hà Nội gọi đó là trại học tập cải tạo. Tuyệt đại đa số người dân miền Nam bị khốn khổ vì những đợt “cải tạo công thương nghiệp”, “đổi tiền”,“hợp tác hoá”, “truy diệt tàn tích văn hoá Mỹ – Ngụy”, chính sách “Kinh Tế Mới”, v.v…. Và rồi cả thế giới đã phải bình tâm xét lại cái nhìn đầy thiện cảm đối với chính quyền Hà Nội, khi thấy làn sóng Thuyền Nhân ngày càng tăng. Tiếng Anh có thêm danh từ mới “Boat People” từ đó.

- Quảng Cáo -

Những người tị nạn cộng sản gọi ngày 30 tháng tư là ‘’Ngày Tháng 4 Đen’’ và hàng năm đến ngày đó đều tổ chức mít-ting, biểu tình lên án chế độ CSVN độc tài, tàn bạo, vi phạm nhân quyền. Trong những năm gần đây còn lên án hành động bán nước của tập đoàn lãnh đạo CSVN.

Thứ năm ngày 30 tháng 4 năm 2015 là đúng 40 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Việt tị nạn gọi ngày này là ngày mất nước, ngày quốc hận, ngày miền Nam bị Cộng sản cưỡng chiếm… Trong khi chế độ CSVN thì gọi đây là ngày thống nhất đất nước, ngày đại thắng mùa xuân.

Vì đánh dấu 40 năm, nên phần đông người Việt tị nạn trên thế giới tổ chức lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen lớn hơn mọi năm, điển hình là người Việt ở Hoa Kỳ đã đổ về thủ đô Washington DC để tổ chức. Tại khu Eden Center, khu trung tâm thương mại của người Mỹ gốc Việt, từ ngày 23 tháng 4 đã giăng cờ vàng ba sọc đỏ và nhiều bích chương, biểu ngữ kêu gọi mọi người đến tham dự. Ông Đoàn Hữu Định (Đại diện Cộng đồng Washington DC, Maryland, Virginia) đã cho đặc phái viên Aoki của nhật báo Sankei tại Washington DC biết như sau: “Ngày 30 tháng 4 sắp tới người Việt chúng tôi sẽ tụ tập ở đây để đến trước sứ quán CSVN biểu tình đòi hỏi chính quyền CSVN phải tôn trọng nhân quyền, dân chủ, phóng thích tất cả tù nhân chính trị. Ngày 29/04/2015 sẽ tổ chức Đêm canh thức để cùng nhau hát những bản nhạc đấu tranh. Phần này chủ yếu do các nghệ sĩ và xướng ngôn viên của Trung Tâm Asia & đài SBTN đảm trách.”

Ông Định còn nói thêm rằng do vấn đề Trung quốc bành trướng ở biển Đông, nên chính quyền CSVN trong thời gian gần đây muốn tiếp cận với Hoa Kỳ nhiều hơn trước. Hiện nay Hoa Kỳ đang có ảnh hưởng mạnh đối với Việt Nam nên hy vọng nội bộ lãnh đạo (Hà Nội) sẽ có những hành động nhằm thay đổi thể chế.

Về phía chính quyền CSVN thì dự định sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh lớn với khoảng 6 ngàn lính thuộc mọi binh chủng trong ngày kỷ niệm 40 năm đại thắng mùa xuân. 6000 ngàn người lính này sẽ mặc quân phục giống như 40 năm về trước để diễn lại cảnh khi họ chiếm được Sài Gòn. Nhiều trò vui chơi, giải trí được tổ chức và có bắn pháo bông ở thủ đô Hà Nội.

Theo các bình luận gia Nhật thì năm 1945, Nhật bại trận, đất nước nghèo nàn, kiệt quệ thế nhưng chỉ hơn 10 năm sau là bắt đầu đi lên để đến năm 1975 đã trở thành một cường quốc kinh tế. Nhiều người cho rằng sở dĩ Nhật Bản được như thế là nhờ đã có kỹ thuật cao từ trước. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, sở dĩ Nhật Bản phát triển được là nhờ sự đồng lòng nhất trí hiệp tác giữa chính quyền và người dân. Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc đúng 40 năm, nói theo chủ quan thì chính quyền CSVN là kẻ chiến thắng, thế mà hiện nay vẫn là một trong những nước ngửa tay xin viện trợ của nhiều quốc gia, kể cả trong đó có Nhật. Nói về tài nguyên thì Việt Nam hơn Nhật xa, nhưng tại sao vẫn không phát triển nhanh và mạnh được nếu không muốn nói là chậm tiến. Lý do dễ hiểu là chế độ không hợp lòng dân.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here