Tờ Trình của HRW nhân đối thoại Nhân quyền Australia – Việt Nam lần 13

Human Rights Watch

- Quảng Cáo -
Lệnh cưỡng chế dán trên cửa Chùa Liên Trì cho biết sẽ tiến hành phá dẹp chùa từ ngày 8/7/2016 đế ngày 20/7/2016
Lệnh cưỡng chế dán trên cửa Chùa Liên Trì cho biết sẽ tiến hành phá dẹp chùa từ ngày 8/7/2016 đế ngày 20/7/2016

Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định ngặt nghèo về đăng ký đối với các nhóm tôn giáo “không chính thống,” bằng các hình thức sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước quản lý. Dù chính quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội” hay “khối đại đoàn kết dân tộc.” Chính quyền thường xuyên can thiệp vào các hoạt động tôn giáo của các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, của Phật giáo Hòa Hảo, của các nhà thờ tại gia Công Giáo và Tin Lành độc lập ở Tây Nguyên và các nơi khác, của các chùa Phật giáo Khmer Krom và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Tháng Giêng năm 2015, Đặc sứ về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng của Liên Hiệp Quốc, Heiner Bielefeldt công bố phúc trình nêu rõ các “vấn đề nghiêm trọng” trong cách chính quyền Việt Nam ứng xử với tôn giáo, đáng chú ý là “các quy định pháp luật có xu hướng mở ra hành lang pháp lý rộng rãi để quản lý, hạn chế, kiểm soát hay cấm đoán việc thực thi quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.”

Tháng Mười một năm 2015, bộ nội vụ trình Quốc Hội một dự thảo mới của “Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng.” Dự thảo này duy trì các cơ chế cho phép chính quyền xử lý các nhóm tôn giáo không vừa ý họ. Ví dụ như, khoản 5 của điều 6 có quy định cấm “lợi dụng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng để… gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng và đạo đức xã hội.”

“Khối đại đoàn kết dân tộc,” “an ninh quốc gia” và “đạo đức xã hội” là những thuật ngữ mơ hồ và được chính quyền vận dụng tùy tiện để trừng phạt hàng trăm nhà hoạt động và blogger ôn hòa. Dự thảo này có quy định buộc các nhóm tôn giáo phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định trong 10 năm” trước khi được nhà nước công nhận chính thức (điều 18).

- Quảng Cáo -

Dự thảo mới can thiệp vào công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo, như đưa ra quy định để bầu chọn chức sắc tôn giáo (trong đó có yêu cầu “phải có tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc” – điều 32) hay quy định về giáo dục tôn giáo trong các cơ sở đào tạo tôn giáo, trong đó có “môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam là môn học chính khóa” (điều 22). Cũng như các quy định hiện hành đang hạn chế quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, dự thảo yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đăng ký với chính quyền về mọi việc, từ hoạt động thường niên, lễ hội, hội nghị, hội thảo, bổ nhiệm, v.v… và quy định các cơ quan có thẩm quyền phải có ý kiến phản hồi trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên, dự thảo không nêu rõ nếu các cơ quan có thẩm quyền không làm được như thế thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng đã nhấn mạnh tình trạng chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp tín đồ Cơ đốc giáo người Thượng ở Tây Nguyên, là một khía cạnh của tình trạng chung về vi phạm quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam. Bị lên án là theo “tà đạo,” những người Thượng là tín đồ của các dòng Tin lành Đề Ga và Công giáo Hà Mòn bị đàn áp theo chính sách do chính quyền cấp cao ban hành. Họ bị theo dõi thường trực và phải chịu các hình thức đe dọa khác, bị bắt giữ tùy tiện và bị ngược đãi trong thời gian bị an ninh giam, giữ. Trong khi bắt giữ, họ bị hỏi cung về các hoạt động tôn giáo và chính trị, và có kế hoạch trốn khỏi Việt Nam hay không. Trong mấy năm gần đây, hàng trăm người đã trốn sang Campuchia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Chính quyền Việt Nam đã đối phó với tình trạng người Thượng trốn sang Campuchia bằng cách gây sức ép buộc chính quyền Campuchia ngăn chặn những người vượt biên và không cho những người đã vượt biên đăng ký tị nạn; về phần mình, chính phủ Campuchia đã hạn chế tối đa việc đăng ký tị nạn, khiến số người tị nạn đã được đăng ký chính thức chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Khuyến nghị

Phía Australia cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:

Cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các cơ sở thờ tự, dòng tu không muốn gia nhập một tổ chức tôn giáo được chính thức công nhận với ban trị sự do chính quyền phê chuẩn, phải được cho phép hoạt động độc lập.

Chấm dứt sách nhiễu, bắt bớ, xét xử, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ là tín đồ của các tôn giáo không vừa ý nhà nước, và phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì đã ôn hòa thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận, nhóm họp và lập hội.

Chấm dứt mọi đối sách ngăn chặn người Thượng và những công dân Việt Nam khác rời khỏi đất nước và không trừng phạt những người hồi hương.

Bảo đảm rằng mọi quy phạm pháp luật quốc gia liên quan tới tôn giáo được ban hành sao cho phù hợp với công pháp quốc tế về nhân quyền, như Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Sửa đổi mọi điều luật trong nước có nội dung xâm phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, trái với ICCPR.

Cho phép những quan sát viên bên ngoài, bao gồm các cơ quan của Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới nhân quyền, và các nhà ngoại giao nước ngoài, được đi lại không bị cản trở hay kèm cặp tới Tây Nguyên, cụ thể là tới các thôn xã có người Thượng mới đi tị nạn nước ngoài. Bảo đảm rằng những người nói chuyện hoặc giao tiếp với những quan sát viên bên ngoài đó không bị trả đũa hay trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào.

  1. Công an bạo hành: Đối xử Tàn ác, Phi nhân và Nhục mạ, và Tra tấn

    - Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here