Nước Úc và Phán Quyết PCA

Đỗ Đăng Liêu - Web Việt Tân

Hình trái: Phiên tòa PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc (Ảnh PCA). Hình phải: Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc Julie Bishop và Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc gặp vào Tháng 2/2016 (Ảnh: AP).
- Quảng Cáo -

Nhìn vào bản đồ Biển Đông, nơi đang xảy ra những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải giữa những quốc gia bao quanh, người ta thấy nước Úc hoàn toàn ở ngoài vùng Biển Đông, mãi tận xa phiá Đông Nam. Nước Úc cũng không tranh chấp chủ quyền ở vùng này.

Tuy thế, khi những tranh chấp, thậm chí xung đột xẩy ra liên quan tới Biển Đông, nước Úc luôn lại có tiếng nói.

Gần đây nhất, liên quan đến việc Philippines kiện Trung Quốc tại Toà Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc, nước Úc cũng đã liên tục bày tỏ quan điểm.

Lý do đơn giản là vì Úc có nhiều quyền lợi liên quan mật thiết với Biển Đông. Gần 60% lượng hàng hoá xuất nhập cảng của Úc đi qua Biển Đông. Cho tới giờ những tàu bè liên hệ vẫn thong dong đi lại trong hải phận quốc tế ở Biển Đông.

- Quảng Cáo -

Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, coi những gì nằm trong cái gọi là “Đường 9 Đoạn”, hay “Đường Lưỡi Bò”, là lãnh hải của Trung Quốc thì quyền tự do hàng hải của Úc, cũng như của tất cả những quốc gia sử dụng tuyến đường hàng hải này, coi như bị mất đi. Vì lý do đó, hay ít nhất đó cũng là một lý do quan trọng hàng đầu, nước Úc luôn có tiếng nói chống lại tất cả những chủ trương hay hành động nào ngăn cản quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippines tại Bãi Cạn Scarborough.
Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippines tại Bãi Cạn Scarborough.

Philippines kiện Trung Quốc chính yếu là vì Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippines tại Bãi Cạn Scarborough nằm trong Đường Lưỡi Bò mà Trung Quốc tự một mình vẽ ra. Philippines kiện là kiện cho quyền lợi của Philippines. Tuy vậy, khi Toà Án Trọng Tài đưa ra phán quyết, phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Đường Lưỡi Bò, và nói Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của Philippines liên quan đến Scarborough, thì chiến thắng pháp lý của Philippines cũng là chiến thắng của tất cả những quốc gia mất quyền lợi vì Đường Lưỡi Bò, trong đó có nước Úc.

Kể từ khi Philippines đâm đơn kiện Trung Quốc vào ngày 22 Tháng 1, 2013 Trung Quốc đã lập tức tuyên bố không công nhận thẩm quyền xét xử của Toà Trọng Tài mặc dù Trung Quốc đã ký vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trung Quốc cũng từ chối tham gia mọi tiến trình xét xử của Toà Trọng Tài như từ chối hiện diện tại Toà để trình bày quan điểm của mình, và Trung Quốc tuyên bố là mọi phán quyết của Toà đều không có giá trị và sẽ không tuân thủ.

Vì vậy, ngay lập tức sau khi Toà Trọng Tài đưa ra phán quyết vào ngày 12 Tháng 7, 2016, mà kết quả gần như được biết trước, thì nước Úc cùng nhiều quốc gia Tây phương và Á Châu khác như Mỹ, Nhật, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản đều đồng thanh lên tiếng kêu gọi cả 2 bên Trung Quốc và Philippines hãy tuân thủ phán quyết của Toà Trọng Tài.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc, bà Julie Bishop, nói: “Phán quyết của Toà Trọng Tài là tối hậu và có tính cách bó buộc đối với cả 2 bên”.

Hẳn là để đáp lại những đe dọa không tuân thủ phán quyết từ phiá Trung Quốc, bà Bishop nói: “Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt nếu phớt lờ phán quyết. Phớt lờ phán quyết là một sự vi phạm nghiêm trọng ở tầm mức quốc tế”. Bà Ngoại Trưởng Úc cũng nhấn mạnh là “uý tín của Trung Quốc sẽ bị tổn hại nặng nề, và quan hệ với cộng đồng thế giới là cực kỳ quan trọng nếu Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường”

Vào thời điểm đó, trước khi Hội Nghị của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra vào giữa Tháng 7, Bà Bishop nói là Bà sẽ trao đổi với những người đồng cấp tại Hội Nghị, và hy vọng là tại Hội Nghị phán quyết sẽ được đưa ra thảo luận. Rất tiếc là, với nguyên tắc sinh hoạt dựa trên đồng thuận tuyệt đối, và có sự phản đối của 2 nước Campuchia và Lào, việc thảo luận về phán quyết đã không được đưa vào nghị trình.

Bà Bishop cũng nói thêm là các tàu hải quân và máy bay của Úc sẽ tiếp tục sử dụng quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc, bà Julie Bishop. Ảnh: AP
Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc, bà Julie Bishop. Ảnh: AP

Như đã nhắc đến ở trên, nước Úc mạnh mẽ kêu gọi các bên tranh chấp tuân thủ phán quyết của Toà Trọng Tài và giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hoà bình chính yếu là vì quyền lợi thương mại của mình, vì 60% lượng hàng xuất nhập khẩu của Úc đi qua Biển Đông.

Hiện tại Trung Quốc đang hành xử giống như một tên côn đồ, ỷ vào sức mạnh quân sự của mình để bắt nạt những nước nhỏ hơn trong vùng, bất chấp luật lệ quốc tế.

Qua lời nói, Trung Quốc đang ngang ngược và lớn lối phủ nhận quyền phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực, một cơ cấu của Liên Hiệp Quốc, cũng như đang vi phạm Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc đã đặt bút ký.

Qua hành động cụ thể, Trung Quốc đang tiếp tục ngăn trở chủ quyền của Philippines ở bãi Scarborough; tiếp tục bồi lấp phi pháp những bãi đá, đảo trên Bìển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, biến chúng thành những đảo nhân tạo trên đó xây dựng những phi đạo, căn cứ quân sự, xây dựng những hải đăng với tầm rọi xa, … bất chấp lời cam kết với Tổng Thống Mỹ Barack Obama trong chuyến đi Mỹ của ông Tập Cận Bình vào đầu Tháng 4 năm nay là sẽ lập tức ngưng các việc làm đó.

Trước khi có phán quyết của Toà Trọng Tài những tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia liên hệ bất quá cũng chỉ là những tranh chấp giữa đôi bên, không có cơ sở pháp lý quốc tế nào để mỗi bên dựa vào để nói ai đúng ai sai. Nhưng nay đã có phán quyết của một cơ cấu luật pháp của Liên Hiệp Quốc, trái phải đã rõ ràng.

Riêng đối với nước Úc thì phán quyết của Toà Trọng Tài xác nhận quyền tự do hàng hải của Úc và mọi nước trên hải phận quốc tế ở Biển Đông, và mọi cản trở nếu có đến từ Trung Quốc, là quốc gia duy nhất hiện giờ đang cản trở các quốc gia khác, sẽ bị cộng đồng quốc tế coi đó là một sự vi phạm nghiêm trọng.

Ngay trong lúc này, Trung Quốc đang ở trong tình trạng vi phạm, đang bất tuân thủ phán quyết của Toà Trọng Tài. Nếu hành xử bình thường như một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, để chấm dứt tình trạng vi phạm, Trung Quốc phải hủy bỏ thái độ và cách hành xử liên quan đến yêu sách Đường Lưỡi Bò, trả lại Scarborough cho Philippines, ngưng ngay việc bồi lấp các đá và đảo, ngưng mọi hành vi cản trở tự do hàng hải trên Biển Đông, bỏ hẳn khái niệm Vùng Nhận Diện Phòng Không, …

Hiện Trung Quốc đang không làm bất cứ điều nào trong những đều kể trên. Tệ hơn nữa, Trung Quốc lại đang cố ý phô trương sức mạnh quân sự, có những hành vi có tính cách dọa nạt các quốc gia liên hệ. Mới đây, hôm 2 Tháng 8, Toà Án Tối Cao Trung Quốc đã tuyên bố sẽ bỏ tù 1 năm những ngư dân nước ngoài đáng bắt cá trong phạm vi Đường Lưỡi Bò mà Trung Quốc tiếp tục coi là lãnh hải của họ ngược lại với phán quyết của Toà Trọng Tài.

Cụ thể là một tờ báo theo tư tưởng dân tộc chủ nghiã ở Trung Quốc đã đăng một bài xã luận kêu gọi tấn công tàu bè của Úc tại Biển Đông để trả đũa việc nước Úc ủng hộ phán quyết của Toà Trọng Tài.

Một bài báo đăng trên Hoàn Cầu Thời Báo còn nói rằng nước Úc không đáng được gọi là “cọp giấy” mà chỉ là “mèo giấy”, chỉ hành động theo đàn anh Hoa Kỳ, và sức mạnh quân sự của Úc chẳng là gì, và nếu Úc bước vào Biển Đông thì sẽ là mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc cảnh báo và tấn công.

Không phải vì những lời dọa nạt như trên của Trung Quốc mà sự an toàn hàng hải của Úc giảm đi, bởi vì nếu không có phán quyết của Toà Trọng Tài thì trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ thật sự thực hiện những lời đe dọa đó. Nay phán quyết đã có, và với sự hưởng ứng của hầu như toàn thể thế giới, Trung Quốc dầu sao cũng không thể làm càn quá mức như nếu không có phán quyết.

Hải quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc tuần tra tại Trường Sa. Ảnh: Reuters
Hải quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc tuần tra tại Trường Sa. Ảnh: Reuters

Cho tới giờ phút này không ai đoán biết được là Trung Quốc sẽ tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế tới mức độ nào, sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế hay tiếp tục ngoan cố. Và trong trường hợp đó thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu, các quốc gia ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc sẽ phản ứng ra sao? Đây là những câu hỏi không có câu trả lời. Chỉ có những giả thuyết và suy đoán.

Là một trong những đồng minh lâu đời và thân thiết của Mỹ, gần như chắc chắn là nước Úc sẽ không có sự chọn lựa nào khác hơn là đồng hành cùng Mỹ và những đồng minh khác của Mỹ trong phương hướng đối phó với Trung Quốc, từ những biện pháp ngoại giao, kinh tế đến xung đột quân sự mà chẳng ai muốn xẩy ra, kể cả Trung Quốc.

Cộng Sản Việt Nam, từ bấy lâu nay bị Trung Quốc khống chế chặt chẽ về mọi phương diện, từ kinh tế, ngoại giao, xã hội, văn hoá, đến quân sự, … đã gần như bị tê liệt trong mọi ứng xử và chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Với phán quyết của Toà Trọng Tài Liên Hiệp Quốc, mở ra một cơ sở pháp lý vững chắc, tạo cơ hội cho các quốc gia có quyền lợi tại Biển Đông phản ứng mạnh mẽ đối với những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, một điều mà CSVN trước giờ bó tay, thì đây là cơ hội bằng vàng để Việt Nam thoát dần ra khỏi sự khống chế của Trung Quốc nếu biết nương theo xu hướng chung của thế giới và đặc biệt là các quốc gia trong vùng.

Liệu CSVN có còn chút sáng suốt, can đảm và lương tri tối thiểu để nắm lấy cơ hội này hay không?

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here