Sau chuyến thăm Washington mới đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chính quyền Biden đang chuẩn bị giao cho Ukraine loại hoả tiễn tầm xa ATACMS (Army Tactical Missile System) mà Kyiv muốn có từ lâu.
Một số người quen thuộc với các cuộc thảo luận đang diễn ra nói với tờ The Washington Post, Toà Bạch Ốc sắp công bố quyết định mang tính chiến lược này. Cụ thể, Hoa Kỳ sẽ cung cấp một phiên bản hoả tiễn có khả năng mang theo các quả bom chùm (một vũ khí gây tranh cãi được Mỹ gửi đến Ukraine vào Tháng Bảy).
Washington chần chừ cung cấp ATACMS cho Ukraine một phần vì lo ngại tầm bắn tối đa của chúng có thể vào sâu trong lãnh thổ Nga, chọc giận gấu Nga, dẫn đến xung đột trực tiếp Nga-Mỹ. Nay đã có sự thay đổi. Động thái mới là quyết định mới nhất trong một loạt các quyết định của Mỹ: Dù lo ngại leo thang với Nga nhưng Toà Bạch Ốc vẫn từng bước một, dù chậm, cung cấp cho Ukraine những vũ khí ngày càng tiên tiến và có thể công phá các mục tiêu xa.
Còn nhớ là vào Tháng Năm, 2022, Reuters đưa tin Tổng thống Biden khẳng định với các phóng viên: “Hoa Kỳ sẽ không gửi tới Ukraine các hệ thống hoả tiễn có thể tấn công vào lãnh thổ Nga”. Một năm sau, cuối Tháng Năm, 2023, Biden có ý kiến khác: “Việc xem xét cung cấp ATACMS cho Ukraine vẫn còn hiệu lực”.
Ngũ Giác Đài từng phản đối cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại nó có thể bắn qua Nga và cho rằng “Kyiv có nhiều nhu cầu cấp thiết hơn ATACMS”. Nhưng các quan chức Ukraine phản đối là… không thực tế vì họ sẽ “sử dụng có trách nhiệm”.
Sự từ chối của Washington xuất phát từ lo ngại, việc cung cấp vũ khí tầm xa (điều mà Moscow tuyên bố sẽ vượt qua ranh giới đỏ) sẽ làm leo thang xung đột và dẫn đến đối đầu trực tiếp Mỹ-Nga. Quyết định mới chỉ được đưa ra khi cuộc phản công của Ukraine (bắt đầu từ Tháng Sáu) sau nhiều tháng bế tắc đã có một số đột phá và lực lượng Ukraine đang tiến dần đến các tuyến phòng thủ của quân Nga ở phía Đông Nam Ukraine.
Dưới đây là những điều cần biết về ATACMS (Army Tactical Missile Systems) Hoa Kỳ đang chuẩn bị đưa sang Ukraine – dẫn lại từ The Washington Post.
ATACMS, tùy thuộc vào từng phiên bản, có tầm bắn tối đa 290 dặm, xa hơn gấp đôi so với hoả tiễn Tochka-U thời Liên Xô mà Ukraine có. Tập đoàn công nghiệp Lockheed Martin sản xuất được khoảng 500 hệ thống này mỗi năm, nhưng chỉ bán cho các quốc gia được chính phủ bật đèn xanh.
Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine hoả tiễn hành trình phóng từ máy bay với tầm bắn khoảng 240 dặm trong khi ATACMS được phóng từ mặt đất. Phiên bản ATACMS chùm (cluster version) có thể phân tán hàng trăm quả bom nhỏ riêng lẻ trên một khu vực. Bom, đạn chùm, vốn bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới, bị các nhóm nhân quyền chỉ trích vì cho rằng chúng có khả năng gây sát thương bừa bãi và để lại những quả chưa nổ đe doạ tính mạng dân thường.
Hoa Kỳ có kho dự trữ ATACMS cố định. Việc gửi một số đến Ukraine sẽ làm giảm lượng dự trữ của Mỹ trong khi không thể thay thế nhanh. Phiên bản chùm (trái với phiên bản đầu đạn “single” hay “unitary”) có tương đối nhiều trong kho dự trữ của Mỹ nhưng không còn được ưa chuộng nên… đủ điều kiện để gửi tới Ukraine!
ATACMS có thể được phóng từ hệ thống HIMARS (High Mobility Artillery Rocket Systems-Hệ thống Rocket Pháo cơ động cao) mà Mỹ đã gửi tới Ukraine vào năm ngoái.
Cho đến nay, chính quyền Biden mới cung cấp hoả tiễn dẫn đường cho có tầm bắn 50 dặm cho HIMARS. Ukraine ca ngợi HIMARS là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” do khả năng cơ động cao trên chiến trường. M142 (High Mobility Artillery Rocket System-Hệ thống Rocket Pháo cơ động cao) là hệ thống tiên tiến nhất được Washington gửi cho Kyiv tính đến thời điểm này. M142 nhẹ và gắn trên bánh xe nên người điều khiển linh hoạt hơn. Hệ thống này là mối đe dọa đối với quân Nga đến mức Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phải ra lệnh cho các chỉ huy ưu tiên nhắm mục tiêu và tiêu diệt nó./.