Tâm tình qua thư tín 03/05/2013

- Quảng Cáo -

Tiết mục Nhịp Cầu Giao Cảm hôm nay xin được phổ biến các thư thính giả:

Bạn Nghe Đài Của CTM

Hannu

Trần Khôi – xứ Quảng

- Quảng Cáo -

Ben

– Kính thưa quý thính giả, với sự thay đổi của Đài Chân Trời Mới, thính giả mang tên Bạn Nghe Đài Của CTM đã viết như sau: “CTM ơi trong nước dạo này trang mạng bị chặn nhiều lắm người dân ít được biết về các sự việc diễn ra trong ngày. Đại đa số đều nhờ vào sóng phát thanh Radio để nghe. Bây giờ đài ngưng phát thì chắc là một số đông bạn nghe đài buồn lắm. Quý đài nên tiếp tục phát sóng như cũ để một số đông dân lao động được nghe có được không? Vì dân lao động không biết vào mạng, không có phương tiện vào mạng thậm chí có mạng nhưng bị chặn cũng không vào được (thuê bao viettell chặn hết cả rôi có vượt tường lửa cũng không vào được). Thân ái chào CTM.”

 

– Rất cám ơn lời chia sẻ chân tình của Bạn Nghe Đài CTM. Chúng tôi rất xúc động trước những tình cảm gắn bó của quý thính giả đến với Đài qua từng đêm qua những chiếc radio nho nhỏ. Thưa bạn và thưa quý thính giả và độc giả, chúng tôi đã trải qua nhiều thời gian đắn đo cân nhắc trước khi đi tới quyết định không phát thanh trên không trung nữa vào lúc thời điểm này.

Chúng tôi thành thật cáo lỗi cùng quý thính giả.

Trong giai đoạn tới, CTM sẽ cố gắng mở nhiều cánh cửa và cung cấp thêm nhiều cách vượt qua các rào cản của nhà cầm quyền hơn; cũng như sẽ cố gắng cải tiến kỹ thuật để quý bà con có thể nghe qua điện thoại di động.

Với mục tiêu mang lại một phương tiện truyền thông hữu hiệu cho đồng bào trong và ngoài nước Đài CTM luôn cố gắng vựợt qua mọi khó khăn để thích nghi khi tình hình thay đổi và sẵn sàng cập nhật cả phương thức lẫn phương tiện. Chúng tôi luôn mong mõi đón nhận được sự ủng hộ của quý thính và độc giả. Chúng tôi cũng mong được đón nhận các ý kiến phê bình và đề nghị cải tiến từ quý vị, để Radio Chân Trời Mới ngày càng là phương tiện truyền thông hữu hiệu của những ai đang mưu tìm một tương lai no ấm, công bằng, và tự do cho dân tộc.

 

– Kế đến chúng tôi xin đọc ý kiến của thính giả Hannu về biến cố 30 tháng 4. Thính giả mô tả chân dung của những “đoàn giải phóng quân” như sau:

“Trước 1975, thanh niên miền bắc XHCN được nhồi sọ trong một môi trường “cá chậu chim lồng” như Bắc Triều Tiên, không biết gì về thế giới bên ngoài. Họ đã được xem những phim thời sự về đồng bào Tây nguyên sống đời du mục rất cơ cực, ăn thì bốc bằng tay, trời mưa thì có người chui vào những hốc cây để trú. Lời thuyết minh kèm theo nói rằng đó là “phản ánh chân thực” đời sống của đồng bào miền Nam ruột thịt.

Ai xem xong cũng tin và cảm thấy xúc động vì nghĩ rằng đồng bào Miền bắc mặc dầu chỉ sống trong những nếp nhà tranh vách đất nhưng vẫn sướng hơn cả chục lần đời sống của đồng bào miền Nam. Cho nên bên cạnh những thanh niên đăng ký đi bộ đội chỉ vì một lý do đơn giản là có cái để bỏ bụng chứ khỏi phải lo đói lo no như ở nhà, thì cũng có nhiều thanh niên đi bộ đội để “giải phóng” đồng bào miền Nam ruột thịt ”thoát khỏi sự kềm kẹp của Mỹ nguỵ”.

Họ ra đi với khí thế hừng hực, luôn dõi mắt yêu thương về miền Nam, lạc quan tin tưởng tuyệt đối về trách nhiệm thiêng liêng mà mình đang thực thi. Ánh mắt sáng ngời họ hát vang những bài hát như “Bài ca trường sơn”, “Trường sơn đông, Trường sơn tây”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.v.v..với những tình cảm thật trong sáng.

Nhưng, sau 1975 họ bước đi giữa phố phường miền Nam, họ đã bị hụt hẫng khi thấy những gì diễn ra nơi đây ngược lại với gì họ đã bị đầu độc.

Đó là nói về tâm tư của thanh niên miền Bắc.

Còn thanh niên và đồng bào miền Nam thì sao? Những người “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” gồm những thành phần như sau:

1- Có một số người vì lý do gì đó mà không cần cân nhắc thiệt hơn những gì diễn ra trước mắt mà chỉ tin vào những cái bánh vẽ của CS về một tương lai sáng sủa cho đất nước. Đó là do tâm lý non nớt cả tin của một số người dân.

2- Có những gia đình nghèo (mà ở đâu và thời nào cũng có người giàu kẻ nghèo), con cái đông, cơm không đủ ăn thì chuyện học hành đối với họ rất xa lạ, lại được nghe tuyên truyền rằng “gia đình mình nghèo là vì Mỹ nguỵ bóc lột” muốn hết nghèo là phải “theo cách mạng để giải phóng quê hương”. Họ tin và đi theo, dầu cho hy sinh tính mạng họ cũng đi.

3- Một số người là tội phạm, cướp của giết người, bị bỏ tù, đến khi được tha hoặc vượt ngục, họ cảm thấy mặc cảm với bà con lối xóm hoặc không thể sống ở quê nhà, đành phải theo CS. Sau 1975, họ chễm chệ ngồi trên những chiếc ghế cao, ăn trên ngồi trước, với một lý lịch đỏ rực màu máu “yêu nước”, tuyệt nhiên không có chỗ nào đề cập đến tội lỗi ngày trước của họ.

4- Cũng có những người giàu có chuyên tiếp tế cho CS, nhưng tuyệt nhiên họ không có thiện cảm với CS mà đơn giản chỉ vì họ muốn yên thân, giống như ngày nay thỉnh thoảng xe đò bị bọn xì ke ma tuý xin đểu, nếu không cho thì được “ăn đủ thứ” vậy thôi.”

 

– Cảm ơn thính giả đã chia sẻ Hannu đã chia sẻ ý kiến về cái gọi là “giải phóng miền Nam.” Thư quý thính giả, biến cố 30 Tháng 4 là một biến cố lịch sử rất quan trọng. Năm nay chúng ta có rất nhiều viết, bài phát biểu rất tích cực về biến cố này từ đồng bào trong và ngoài nước. Điều này cho thấy nhận thức chính trị của người dân Việt Nam càng ngày càng cao và tinh thần đấu tranh cũng đang lên rất cao độ. Có được sự thay đổi tích cực này là nhờ bởi sự phát triển của hệ thống internet toàn cầu và những phương tiện thông tin liên lạc tự do như Youtube, Facebook, Twitter … đang chiến thắng hệ tuyên truyền dối trá một chiều của chế độ.

Chúng tôi xin trích lời của LS Nguyễn Văn Đài viết cho Ngày 30 Tháng 4 năm nay để chia sẻ cùng quý thính giả: “Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.” và “Một quốc gia đã giành được độc lập và thống nhất, mà nhân dân không được hưởng các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền không được tôn trọng, thì người dân của quốc gia đó đã hy sinh xương máu một cách vô ích để thay thế sự cai trị của giặc ngoại xâm bằng sự cai trị của giặc nội xâm. Mà giặc nội xâm thì lại tham lam và gian ác gấp trăm ngàn lần giặc ngoại xâm”.

Kính thưa quý thính giả, những đóng góp ý kiến của chúng ta đều rất quan trọng để soi sáng sự thật về lịch sử. Và chỉ khi có nhận thức đúng đắn về lịch sử, về biến cố 30 Tháng 4, về cái gọi là “giải phóng miền Nam”, chúng ta mới có thể hướng về tương lai với thái độ tích cực, cũng như lập ra những chương trình hành động cụ thể, tạo sự thay đổi tốt đẹp cho dân tộc.

 

–  Tiếp theo chúng tôi xin phổ biến thư của thính giả mang tên Trần Khôi – xứ Quảng, thính giả viết như sau:

“Những kẻ càng nịnh đảng lúc này sẽ càng bỏ đảng sớm khi có biến sự như đã thấy tại các nước độc tài.Lý do đơn giản là họ chỉ bám vào đảng để kiếm ăn và chỗ núp an toàn mà thôi, không có tình cảm gì khác. Nên khá hiển nhiên là khi 2 lợi ích đó có chỉ dấu lung lay thì họ bỏ chạy để giữ gia sản của họ.Đó là tình trạng chân trong chân ngoài của tuyệt đại đa số cán bộ cao cấp hiện giờ. Tiền bạc đã giao cho con cái chuyển hết ra nước ngoài. Chỉ có các cán bộ cấp trung và thấp mới còn tin vào khẩu hiệu “Còn đảng còn mình”.”

– Thính giả Trần Khôi nói rất đích xác. Thưa quý thính giả, sự trung thành của cán bộ và đảng viên vào đảng có những mức độ khác nhau tùy theo sự ăn chia quyền lực và lợi bổng. Ý thức hệ ngày nay đã bị soi mòn và đảng viên không còn tin tưởng chế độ và không tín nhiệm cấp trên của họ nữa. Ngoài ra sự đấu đá về quyền lợi, hiềm khích lẫn nhau cũng làm cho nội bộ đảng bị xáo trộn và thoái hóa và không còn là một khối đồng nhất kiên cố. Dựa vào những nhược điểm trên chúng ta cần hoạch định những kế hoạch đấu tranh để tấn công vào những thành phần chốp bu, ngược lại thuyết phục và lôi kéo những thành phần cán bộ thức tỉnh đứng về phía người dân.

Thưa quý thính giả, khi lôi kéo, chúng ta đặt ưu tiên đối với những thành phần cấp thấp. Những cán bộ/viên chức này, vì ở địa vị thấp, được hưởng ít ân huệ nhất từ chế độ, nên ít trung thành với chế độ. Họ cũng ít bị mất mát thiệt thòi nếu bỏ hàng ngũ để trở về với lực lượng dân chủ.

Một khi số lượng cán bộ/ viên chứ ly khai với chế độ ngày một đông hơn, thì sẽ ảnh hưởng tâm lý đến các thành phần khác. Dần dần sẽ dẫn đến tình trạng thành phần lãnh đạo cốt lõi bên trong các trụ cột quyền lực bị cô lập, mất tinh thần và từ đó quyền lực của chế độ soi mòn đến tan rã.

 

–  Kế đến chúng tôi xin trích thư của thính giả mang tên Ben, thính giả viết như sau:

“Chúng tôi là con dân VN sống trên đất nước VN nhưng chẳng hề có được một cảm giác an toàn nào là vì cán bộ tham ô hối lộ, lợi dụng chức quyền chức đánh đập dân chúng cưỡng đất, hành xử như những tên côn đồ. Bọn chúng phạm tội nhiều không kể hết…. Còn người dân chỉ phạm sai lầm chút xíu thì chúng đối xử như những con xúc vật. Người dân VN hiện nay rất nghẹn ngào không biết nói cùng ai. Yêu nước cũng bị bắt. Tôi chỉ mong rằng con người VN có được một cuộc sống dân chủ. Mơ ước là thế giới hãy giúp đỡ con người VN thoát khỏi những chế độ cầm quyền như hiện nay.”

–  Chúng tôi xin chia sẻ với thính giả Ben cảm xúc nghẹn ngào và đau xót cho dân tình Việt Nam hiện nay. Thưa thính giả Ben và quý thính giả, mặc dù người Việt Nam chúng ta phải chủ động tiến hành công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ này, việc vận động hậu thuẫn quốc tế là một nhu cầu cần thiết. Đây là một nỗ lực quan trọng nhằm duy trì áp lực thường trực lên chính quyền Cộng sản Việt Nam và hỗ trợ cuộc đấu tranh với đồng bào quốc nội. Tuy chỉ là một bộ phận rất nhỏ so với đại khối dân tộc ở trong nước, đồng bào tại hải ngoại đóng một vai trò quan trọng trong khả năng tác động vào dư luận và chính giới quốc tế. Trong suốt 38 năm qua đồng bào hải ngoại luôn luôn gắn bó với quê hương và sẽ tiếp tục sát cánh cùng đồng bảo quốc nội trong cuộc đấu tranh giành quyền sống trong xã hội an toàn, nhân ái và công bằng.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here